Người truyền cảm hứng về tình yêu lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, giá mủ cao su không ổn định, đời sống của công nhân khai thác mủ gặp rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, chị Cao Thị Hạnh (công nhân Đội 16, Công ty 74, Binh đoàn 15) vẫn đạt tiền lương bình quân gần 10 triệu đồng/tháng. Chị Hạnh đã truyền cảm hứng thi đua lao động giỏi đến các chị em và người lao động trong đơn vị.

Chị Hạnh nhận khoán hơn 4,5 ha cao su kinh doanh, năng suất bình quân 1,6 tấn mủ quy khô/ha, đạt 125% kế hoạch sản lượng đơn vị giao. Để đạt được kết quả này là cả một quá trình lao động bền bỉ, sáng tạo của chị. Trước những kỹ thuật mới, chị luôn trăn trở tìm hiểu để nắm chắc nguyên tắc, quy trình và luyện tập thành kỹ năng. Chị chăm chút từng đường cạo và gắn máng, mái che chắn nước mưa; cần mẫn tận thu từng sợi mủ dây, từng hạt mủ đất; đầu tư phân bón, chăm sóc vườn cây khoa học để đạt năng suất cao nhất.

 Chị Cao Thị Hạnh (thứ 2 từ phải sang) được Công ty 74 tôn vinh công nhân ưu tú giai đoạn 2017-2021. Ảnh: Sơn Tùng
Chị Cao Thị Hạnh (thứ 2 từ phải sang) được Công ty 74 tôn vinh công nhân ưu tú giai đoạn 2017-2021. Ảnh: Sơn Tùng

Đại tá Nguyễn Thăng Thanh-Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Công ty 74: “Chị Hạnh là người thợ giỏi và luôn phấn đấu, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Chị là tấm gương truyền cảm hứng về tình yêu lao động, tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau và ý chí vươn lên cho công nhân, người lao động trong đơn vị”.

Đặc biệt, chị Hạnh là nhân tố tích cực trong các phong trào thi đua do đơn vị phát động như: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, “Nâng cao chất lượng tay nghề thợ khai thác mủ cao su”... Ngoài ra, chị còn có sáng kiến tận dụng can nhựa đựng dầu ăn, nước rửa chén làm giỏ đựng mủ dây, mủ tạp đã tiết kiệm chi phí hơn 50.000 đồng/giỏ cho công nhân. Sáng kiến này được hơn 80% công nhân trong Công ty áp dụng và phổ biến cho đơn vị bạn học tập.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Hạnh trải lòng: “Cuộc đời của người thợ khai thác mủ cao su vất vả lắm. Có bao nhiêu dòng nhựa chảy trong đêm là bấy nhiêu giọt mồ hôi thấm đẫm trên áo người thợ. Các phong trào thi đua đã tiếp thêm động lực cho người thợ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong 5 năm liền (2017-2021), tôi đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Riêng năm 2022, tôi đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân”.

Để được ghi nhận, tôn vinh thì bản thân chị Hạnh đã cống hiến hết mình cho đơn vị; yêu thương, giúp đỡ đồng nghiệp tay nghề còn yếu, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhất là chị em người dân tộc thiểu số. Hàng ngày, chị cùng với cán bộ đơn vị đi kiểm tra, hướng dẫn, phổ biến kỹ thuật mài dao để đường cạo sắc nét, nhiều mủ và không bị hao dăm; cách tái sử dụng máng nhựa che mưa từ 1 năm lên 3 năm, làm gờ dẫn mủ miệng cạo nhằm giảm tối đa tình trạng mủ chảy lan ra ngoài...

Chị Ksor Béoh (công nhân Đội 16) luôn cảm kích trước tấm lòng nhân hậu và sự giúp đỡ nhiệt tình của chị Hạnh. “Tôi với chị Hạnh xem như chị em ruột thịt. Cái gì chưa biết, chưa hiểu đều được chị chỉ bảo một cách tận tình, cụ thể. Chị ấy xứng đáng là tấm gương sáng cho chị em trong đội và toàn Công ty noi theo”-chị Béoh chia sẻ.  

Đại úy Lê Thị Luyên-Chủ tịch Hội Phụ nữ Công ty 74-nhận xét: Chị Cao Thị Hạnh là hạt nhân của phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”; “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

 

 SƠN TÙNG

Có thể bạn quan tâm