Nguồn cảm hứng từ nhà vật lý nữ đầu tiên giành Nobel sau 55 năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sau khi nhà khoa học nữ người Canada Donna Strickland giành giải Nobel Vật lý năm 2018, Thủ tướng Justin Trudeau đã ca ngợi thành tựu của bà cùng các đồng nghiệp "là nguồn cảm hứng cho nữ giới ước mơ không giới hạn và theo đuổi nghề nghiệp theo sự lựa chọn của bản thân”.

Tiến sĩ Donna Strickland
Tiến sĩ Donna Strickland



Nobel Vật lý 2018 đã được trao cho ba nhà khoa học Arthur Ashkin, Gerard Mourou và Donna Strickland vì những nghiên cứu và phát minh đột phá trong lĩnh vực vật lý laser.

Đặc biệt, Strickland chính là phụ nữ thứ 3 trong lịch sử, sau Marie Curie (năm 1903) và Maria Goeppert- Mayer (năm 1963), giành được Nobel Vật lý. “Chúng ta cần vinh danh các nhà khoa học nữ vì đóng góp nổi bật của họ. Và tôi vinh dự được là một trong những người phụ nữ may mắn” - Quỹ Nobel trích lời bà Strickland.

Nhà khoa học 59 tuổi cũng là người phụ nữ Canada đầu tiên đoạt giải Nobel trong lĩnh vực này.

Khi biết tin về giải thưởng, TS. Strickland - người hiện đang giảng dạy tại Đại học Waterloo -(Canada), tỏ ra vô cùng bất ngờ.

Trong một phát biểu trực tuyến với Ủy ban Nobel của Thụy Điển, bà cho biết: “Trước tiên, bạn chắc hẳn nghĩ chuyện đó thật điên rồ và đó cũng là suy nghĩ đầu tiên của tôi. Và sau đó bạn luôn băn khoăn liệu điều đó có phải là sự thật hay không. Chúng ta cần tiếp tục vinh danh những người phụ nữ làm việc trong ngành nghiên cứu vật lý, bởi chúng tôi gần như ngoài lề ở giải thưởng này. Hy vọng theo thời gian những thành tựu dành cho nữ giới sẽ được nhân lên với tốc độ nhanh hơn. Tôi vinh dự là một trong những người phụ nữ trong số đó”.

Sinh năm 1959 tại Guelph, tỉnh bang Ontario, TS. Strickland đã nhận bằng kỹ sư tại Đại học McMaster ở Hamilton vào năm 1981. Bà hợp tác nghiên cứu về lĩnh vực đạt giải Nobel năm nay khi còn là nghiên cứu sinh tiến sĩ cùng tiến sĩ Gérard Mourou vào năm 1985 tại Đại học Rochester ở New York, Mỹ.

Theo Ủy ban Nobel, các phát minh đoạt giải Nobel Vật lý năm nay đã cách mạng hóa ngành vật lý laser, giúp giới nghiên cứu khám phá các đồ vật cực nhỏ và quá trình diễn ra siêu nhanh. Những thiết bị cực chính xác này giúp mở ra lĩnh vực nghiên cứu mới, có nhiều ứng dụng trong công nghiệp và y học.

Nobel Vật lý là giải Nobel thứ hai được trao trong mùa Nobel 2018, sau khi giải Nobel Y học được trao cho hai nhà khoa học James P Allison (người Mỹ) và Tasuku Honjo (người Nhật Bản). Công trình của 2 nhà khoa học Allison và Honjo đã tìm ra phương thức ức chế hệ thống miễn dịch để chống lại tế bào ung thư, bước đột phá mở ra nguyên lý mới cho việc điều trị căn bệnh này.

B.T (baochinhphu)
 

Có thể bạn quan tâm