Mới đây, trong đồ án tốt nghiệp của mình, nhóm sinh viên Trường ĐH FPT TP.HCM đã 'trình làng' dự án nhận diện tội phạm bằng trí tuệ nhân tạo.
Nhóm tác giả của dự án nhận diện tội phạm bằng trí tuệ nhân tạo (từ trái sang Nguyễn Kiến Huy, Lê Hùng Sơn, Võ Hoàng Việt, Nguyễn Thanh Nhã) |
Với những điểm cộng sáng tạo, đề tài nghiên cứu của nhóm đã nhận được đánh giá cao từ hội đồng và giành được loại giỏi cho đồ án tốt nghiệp. Nhóm tác giả dự án gồm: Lê Hùng Sơn, Võ Hoàng Việt, Nguyễn Thanh Nhã và Nguyễn Kiến Huy (cùng học ngành kỹ thuật phần mềm của trường).
“Ngày nay công nghệ nhận diện ảnh đang phát triển nhanh chóng, trở thành một trong những công nghệ hấp dẫn nhất để phát triển. Việc giám sát camera an ninh hiện tại thường do con người làm nên dễ xảy ra sai sót. Do đó, nhóm muốn phát triển công nghệ nhận diện ảnh để làm giảm công sức của người bảo vệ và tội phạm sẽ không còn là nỗi lo”, Lê Hùng Sơn (nhóm trưởng) lý giải về lý do thực hiện dự án này.
Với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dự án của nhóm giúp công việc quản lý an ninh qua camera thêm phần nghiêm ngặt bằng ứng dụng “Criminal Face Detection”. Theo đó, các địa điểm nhiều người lui tới có thể sử dụng hệ thống để phát hiện những đối tượng không mong muốn xuất hiện trong khu vực. Và ứng dụng sẽ cảnh báo cho nhân viên an ninh theo dõi các đối tượng trên, đề phòng các tình huống xấu có thể xảy ra.
Giới thiệu về dự án, Sơn chia sẻ: “Hệ thống nhận diện ảnh trên nhiều camera. Khi một đối tượng không mong muốn xuất hiện, lập tức tín hiệu được gửi đến người quản lý qua phần mềm, website, email hoặc app trên điện thoại. Ngoài ra, các lần xuất hiện hoặc thông tin tội phạm sẽ được lưu trữ lại thành danh sách, tiện cho việc tra cứu sau này”.
Các tấm hình sẽ được trải qua 2 bước là nhận diện khung hình chứa khuôn mặt, sau đó sử dụng công nghệ AI định danh ra khuôn mặt đó. Hệ thống này sẽ nhận diện một số khung hình có chung thuộc tính là khuôn mặt. Sau đó, máy sẽ chuyển thuộc tính của khuôn mặt (mắt, mũi, miệng) ra dạng vector và tính toán, so sánh mức độ giống khuôn mặt đó với những mẫu hình đã có trong dữ liệu hệ thống.
“Hệ thống cho phép tổ chức quản lý danh sách đối tượng không mong muốn với việc thêm vào hệ thống 30 - 40 tấm ảnh trên mỗi trường hợp. Sau đó, thông qua công nghệ học máy, máy tính tính toán và 'học' những đặc điểm của các khuôn mặt mà tổ chức đã cung cấp cho hệ thống. Khi mỗi đối tượng xuất hiện ở vùng camera, máy sẽ xác định khuôn mặt và tính ra được phần trăm giống của khuôn mặt xuất hiện trong camera với bộ dữ liệu đã được học. Nếu tỷ lệ giống đo được trên 90%, thì sẽ đánh giá đó là khuôn mặt của đối tượng không mong muốn và tạo một cảnh báo về cho tổ chức”, Sơn cặn kẽ.
Cũng theo Sơn, những nơi công cộng tập trung đông người rất cần đảm bảo tính an ninh, nhất với nhà ga, sân bay, chung cư... Hệ thống nhận diện khuôn mặt sẽ giúp các ban quản lý tòa nhà hay bảo vệ an ninh có thêm một bước sàng lọc, lại có thể quét trên diện rộng khắp toàn khu vực cần quan sát.
“Đối với những trường hợp mà đối tượng xuất hiện bị che khuất một phần của gương mặt như nhìn nghiêng hay đang bịt khẩu trang thì hệ thống vẫn có thể nhận diện được và đưa ra độ giống. Vì trong quá trình thực nghiệm, nhóm tụi em cũng đã nhận diện được những đối tượng không mong muốn khi đang đeo khẩu trang”, Sơn tự hào về những nỗ lực của nhóm.
Khi nhắc đến những dự định trong tương lai, Sơn hào hứng chia sẻ: “Em có khá nhiều ý tưởng đề phát triển sản phẩm nhiều hơn nữ. Ví dụ như trường hợp trẻ em bị lạc ở nơi công cộng, trung tâm thương mại, hệ thống sẽ giúp người thân có thể tìm kiếm được qua hệ thống camera bằng cách đưa cho bảo vệ vài bức ảnh của trẻ…”.
Hoa Nữ (thanhnien)