Nhiều cách 'tiếp sức' trực tuyến giúp thí sinh thi tốt nghiệp THPT

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tại cuộc gặp gỡ báo chí cung cấp thông tin về chương trình Tiếp sức mùa thi năm 2021, Ban tổ chức cho biết để thích ứng với tình hình dịch bệnh, năm nay chương trình đẩy mạnh việc  hỗ trợ trực tuyến giúp thí sinh thi THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng.

Anh Bùi Quang Huy phát biểu tại buổi gặp gỡ báo chí. ẢNH: ĐĂNG HẢI
Anh Bùi Quang Huy phát biểu tại buổi gặp gỡ báo chí. ẢNH: ĐĂNG HẢI
Sáng 27.5, Ban tổ chức chương trình Tiếp sức mùa thi đã tổ chức gặp gỡ báo chí cung cấp thông tin về chương trình với sự chủ trì của anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam.
Chương trình do T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam, Bộ GD-ĐT, Báo Thanh Niên và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.
Triển khai cổng thông tin tiếp sức mùa thi
Tại buổi gặp, anh Nguyễn Minh Triết, Trưởng ban Trường học T.Ư Đoàn, Phó chủ tịch thường trực Hội Sinh viên Việt Nam, cho biết chương trình Tiếp sức mùa thi được tổ chức tại tất cả các điểm thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT; thời gian từ 15.5 - 9.7, cao điểm từ ngày 6 - 9.7.
Hỗ trợ thí sinh ôn thi và chọn nghề bằng hình thức trực tuyến
Tại chương trình, anh Nguyễn Quang Thông, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, cho biết từ tháng 3.2021, xét thấy tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng rất lớn đến việc học của học sinh lớp 12, Báo Thanh Niên đã chủ động sớm biên soạn Cẩm nang tuyển sinh. Ấn phẩm dày hơn 200 trang này với nhiều thông tin cần thiết cho học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học sắp tới. Số lượng đã phát hành để tặng miễn phí là 40.000 cuốn (dạng in). Sau khi phát hành tặng miễn phí cho học sinh, xét thấy nhu cầu của học sinh quá lớn, Báo Thanh Niên cũng đã ra mắt Cẩm nang tuyển sinh phiên bản điện tử, đăng tải trên thanhnien.Việt Nam để học sinh tải về xem.
Anh Nguyễn Quang Thông cũng cho biết trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Báo Thanh Niên đã đẩy mạnh hình thức tư vấn trực tuyến chọn nghề với chủ đề “Chọn ngành cho tương lai” góp phần đáp ứng nhu cầu của học sinh ở nhà tránh dịch, đồng thời kết nối học sinh với các trường đại học trên mọi miền đất nước.
Theo anh Nguyễn Quang Thông, để “tiếp sức” cho học sinh lớp 12 đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT, Báo Thanh Niên cũng đã sản xuất chương trình ôn thi trực tuyến. Giáo viên tham gia chương trình đến từ nhiều trường THPT chuyên đã xây dựng thành những chuyên đề bài giảng một cách khoa học và thiết thực trên nguyên tắc “ôn đến đâu chắc kiến thức đến đó”.
Hai chương trình Chọn nghề và Ôn thi nói trên được phát trực tiếp cùng lúc trên 4 kênh: thanhnien.Việt Nam, Facebook.com/thanhnien, YouTube và TikTok Báo Thanh Niên.
Báo Thanh Niên cũng sẽ tổ chức các tuyến bài tuyên truyền các mô hình hay, cách triển khai hiệu quả, cổ vũ thanh niên tình nguyện, đồng thời có nhiều bài viết về những câu chuyện cảm động của các học sinh vượt khó đến trường đã được nhiều bạn đọc yêu thương, quan tâm chia sẻ đóng góp tiền, nhận nuôi học đại học…
Năm nay chương trình có một số điểm mới là việc triển khai cổng thông tin mới https://tiepsucmuathi.Việt Nam với nhiều tính năng hỗ trợ thí sinh (TS) như: góc ôn tập với các bài giảng, ôn luyện các môn học có trong kỳ thi tốt nghiệp THPT; hỗ trợ tâm lý, công tác tuyển sinh, dinh dưỡng mùa thi, nội dung ôn luyện, bí quyết ôn thi THPT quốc gia đạt điểm cao...
Anh Triết cũng cho biết với mục tiêu đẩy mạnh hỗ trợ trực tuyến, T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp với một hệ thống giáo dục cung cấp miễn phí 1 triệu khóa luyện thi, 3.000 quyển sách và 50 triệu học bổng cho TS trên cả nước.
Ông Trịnh Văn Hào, Giám đốc marketing Tập đoàn Thiên Long, cho rằng năm 2021 các TS sẽ phải trải qua những ngày thi trong bối cảnh hết sức đặc thù do dịch Covid-19. Ban tổ chức chương trình thấu hiểu điều này và ngay từ tháng 3 đã lên các phương án hỗ trợ TS một cách tốt nhất. Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ thường niên, năm nay chương trình tập trung vào các hoạt động như: tổ chức chương trình ôn thi trực tuyến trên Báo Thanh Niên, tăng cường hợp tác cùng các chuyên gia tâm lý, sử dụng nền tảng kỹ thuật số tư vấn cho TS có một mùa thi không căng thẳng, không lo âu, tự tin thi tốt.
Bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19
Ban tổ chức cho biết chương trình sẽ phối hợp với chính quyền, các cơ sở y tế, các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng rà soát, nắm thông tin về tình hình TS tại địa phương và xây dựng phương án chủ động xử lý khi có sự cố về thời tiết, tai nạn, sức khỏe… của TS.
20 năm đồng hành cùng thí sinh
Buổi gặp gỡ báo chí được tổ chức trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội và TP.HCM. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Buổi gặp gỡ báo chí được tổ chức trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội và TP.HCM. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Anh Nguyễn Minh Triết cho biết năm 2021 là 20 năm chương trình Tiếp sức mùa thi được triển khai (2002 - 2021). Chặng đường 20 năm qua đã chứng minh chương trình là người bạn gắn bó, đồng hành cùng TS và người nhà TS trong những thời điểm khó khăn nhất của mùa thi. Chương trình được xã hội ghi nhận, đánh giá cao.
Ông Trịnh Văn Hào, Giám đốc marketing Tập đoàn Thiên Long, cũng chia sẻ: “Ban tổ chức sẽ có thêm một số các hoạt động đặc biệt để nhìn lại một chặng đường đầy cảm xúc, tự hào trong suốt 20 năm Tiếp sức mùa thi. Tin chắc rằng chuỗi hoạt động sẽ giúp gắn kết các tình nguyện viên, tạo nên những kỷ niệm đáng nhớ. Từ đó, chương trình cũng tạo động lực để thế hệ TS năm nay trở thành người kế thừa, sẵn sàng tiếp tục khoác chiếc áo xanh tình nguyện và nối dài truyền thống tiếp sức vào những mùa thi tiếp theo”.
Còn theo anh Nguyễn Quang Thông, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, 20 năm chương trình Tiếp sức mùa thi đã thể hiện rõ nét hai giá trị, đó là lan tỏa giá trị nhân văn và góp phần làm thay đổi thi cử trong giáo dục Việt Nam. Vì thế Báo sẽ xây dựng 2 tuyến bài chuyên đề “20 năm Tiếp sức mùa thi - lan tỏa giá trị nhân văn” và “20 năm Tiếp sức mùa thi - góp phần thay đổi thi cử trong giáo dục Việt Nam”.
Đặc biệt, hoạt động tiếp sức năm nay sẽ chủ động triển khai các công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại các điểm thi như: cung cấp nước rửa tay sát khuẩn trước phòng thi, cung cấp khẩu trang miễn phí cho TS và người nhà TS khi đến khu vực dự thi…
Trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhất là ở hai điểm nóng tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, thì kế hoạch tổ chức thi như thế nào, ông Doãn Hồng Hà, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT), cho biết đến thời điểm hiện nay nội dung thi và thời gian tổ chức thi cơ bản không thay đổi. Thời gian thi vẫn diễn ra từ 6 - 9.7.2021, nếu dịch được kiểm soát. Tuy nhiên, ông Hà cho biết tùy thuộc vào tình hình cụ thể của từng địa phương, Bộ GD-ĐT sẽ có phương án điều chỉnh phù hợp nhất.
Trao đổi về việc tổ chức chương trình, anh Bùi Quang Huy cũng cho biết trong bối cảnh dịch Covid-19, chương trình chủ trương sẽ sử dụng nhân lực tại chỗ trong các đội hình tập trung với quan điểm nếu có nhu cầu mới thành lập đội hình với số lượng phù hợp. Tại Bắc Giang và Bắc Ninh, hai điểm nóng của dịch bệnh, cũng chỉ sử dụng lực lượng tại chỗ, chứ không đưa đội tình nguyện ở nơi khác về. Đặc biệt, việc hoạt động cần phải đảm bảo an toàn, thực hiện nghiêm túc 5K. Đồng thời, anh Huy cũng cho biết để đảm bảo an toàn cho tình nguyện viên trong hỗ trợ TS tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa, đặc biệt các vùng xảy ra thiên tai thường xuyên, năm nay ban tổ chức phối hợp với công ty bảo hiểm hỗ trợ 400.000 suất bảo hiểm tai nạn cho các tình nguyện viên phục vụ chương trình.
Theo Vũ Thơ (TNO)

Có thể bạn quan tâm