Nhóm học sinh ở Chư Sê sáng tạo sách nói bằng tiếng Jrai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Một nhóm học sinh Trường THPT Trường Chinh (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã chuyển ngữ 6 bộ truyện “Gieo hạt cùng vĩ nhân” sang phiên bản sách nói tiếng Jrai với trên 300 câu chuyện để tặng các gia đình Jrai ở địa phương. Mô hình đã đạt giải khuyến khích tại Cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh lần thứ X-2022.  
Giờ đây, chỉ với chiếc loa nhỏ phát ra tiếng Jrai, bà Bôm (làng Ó, xã Kông Htok, huyện Chư Sê) có thể cùng cháu nghe nhiều câu chuyện hay về những tấm gương sáng trong bộ truyện “Gieo hạt cùng vĩ nhân”. Bà kể: “Nhà mình nghèo, chỉ có 2 bà cháu sống cùng nhau. Khi được các bạn trẻ tặng chiếc loa này, mình rất xúc động. Hàng đêm, mình thường mở cho cháu nghe trước khi đi ngủ”.
Bà Bôm cũng như nhiều bậc cha mẹ người Jrai ở huyện Chư Sê rất vui mừng khi được tiếp cận mô hình hỗ trợ cha mẹ dạy con trẻ bằng phiên bản tiếng Jrai. Được biết, thời gian qua, nhóm thực hiện mô hình cũng đã kết nối với Mạnh Thường Quân để tặng 87 chiếc loa cho đồng bào dân tộc Jrai ở huyện Chư Sê với tổng kinh phí trên 23 triệu đồng.
Nhóm học sinh Trường THPT Trường Chinh (huyện Chư Sê) tặng chiếc loa phát ra tiếng Jrai cho bà Bôm (làng Ó, xã Kông Htok). Ảnh: Mai Ka
Nhóm học sinh Trường THPT Trường Chinh (huyện Chư Sê) tặng chiếc loa phát ra tiếng Jrai cho bà Bôm (làng Ó, xã Kông Htok). Ảnh: Mai Ka
Em Siu Him là 1 trong 5 học sinh Trường THPT Trường Chinh tham gia mô hình. Em cho biết: “Nếu đưa sách bằng tiếng Việt thì nhiều người Jrai lớn tuổi không biết chữ hoặc biết chữ không nhiều, rào cản ngôn ngữ khiến họ không mặn mà với sách. Chính vì vậy, chúng em đã chọn thực hiện giải pháp hỗ trợ cha mẹ người Jrai dạy con qua bộ truyện “Gieo hạt cùng vĩ nhân” phiên bản sách nói tiếng Jrai. Với dự án này, chúng em cùng nhau dịch, ghi âm hơn 300 câu chuyện trong bộ truyện tranh từ tiếng Việt sang tiếng Jrai. Sau đó, chúng em biên tập âm thanh ở định dạng file MP3, copy vào thẻ nhớ, gắn vào loa nghe âm thanh. Chúng em hy vọng đây sẽ là phương tiện hữu hiệu lan tỏa văn hóa đọc-nghe, hỗ trợ cha mẹ người Jrai dạy con qua sách”.
Còn em Rmah H’My thì chia sẻ: “Chúng em nghiên cứu thêm “Từ điển tiếng Jrai”, “Giáo trình dạy tiếng Jrai” và tìm hiểu về phương ngữ của các làng ở Chư Sê để dịch sao cho gần gũi, trọn vẹn nội dung và phù hợp với tiếng nói của người Jrai ở địa phương. Ngoài ra, chúng em phải học, luyện thêm cách phát âm tròn vành rõ chữ, nói có ngữ điệu để thu âm truyện được rõ ràng, truyền cảm”. Là người chịu trách nhiệm biên tập âm thanh, ghi âm tiếng Jrai, làm video, lưu trữ trên Google Drive, tải vào thẻ nhớ, em Trịnh Khải Nguyên (lớp 12A9) phân tích: “Chiếc loa nghe truyện có 2 loại, đều nhỏ xinh, dễ sử dụng, pin có thời lượng sử dụng đến gần 2 ngày. Chiếc loa này có thể mang theo để nghe khi đi làm rẫy hay lúc chơi cùng con; trẻ em cũng có thể đeo loa nghe khi theo cha mẹ lên rẫy, vui chơi trong nhà, trước khi đi ngủ”.
Bạn Rmah H’My (bên phải ảnh) là một trong những bạn trẻ tâm huyết với mô hình hỗ trợ cha mẹ dạy con trẻ bằng phiên bản tiếng Jrai. Ảnh: Mai Ka
Em Rmah H’My (bên phải) là một trong những bạn trẻ tâm huyết với mô hình hỗ trợ cha mẹ dạy con trẻ bằng sách nói phiên bản tiếng Jrai. Ảnh: Mai Ka
Theo em H’My, trong quá trình thực hiện, nhóm may mắn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của các thầy-cô giáo. Là người trực tiếp hướng dẫn nhóm thực hiện mô hình, cô Đinh Thị Phương Chi-giáo viên Ngữ văn (Trường THPT Trường Chinh) cho rằng: “Mô hình này có ý nghĩa thực tiễn và dễ dàng áp dụng vào cuộc sống. Sau khi liên hệ xin bản quyền 6 bộ truyện tranh “Gieo hạt cùng vĩ nhân” để dịch sang tiếng Jrai, nhóm đã nhanh chóng đi khảo sát và bắt tay vào việc dịch, ghi âm, kêu gọi Mạnh Thường Quân tài trợ thiết bị ghi âm và khi hoàn tất các em đã xuống tận nơi trao cho bà con Jrai. Bộ truyện “Gieo hạt cùng vĩ nhân” phiên bản tiếng Jrai là sản phẩm sáng tạo đầy tính nhân văn dành cho người Jrai”. 
Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, em H’My cho hay: “Chúng em sẽ tiếp tục dịch và ghi âm sang tiếng Jrai 100 câu chuyện trong bộ sách “Sống tử tế”; đồng thời, đang triển khai dịch và thu âm được 118 câu chuyện cho thiếu nhi bằng tiếng Bahnar; kết nối với thầy Đinh Su Giang-người Xê Đăng ở Kon Tum để dịch, ghi âm truyện “Gieo hạt cùng vĩ nhân” phiên bản tiếng Xê Đăng. Chúng em cũng mong nhận được nhiều sự kết nối để triển khai cách làm này cho các dân tộc thiểu số trên cả nước để góp phần lan tỏa văn hóa đọc”.
MAI KA
 

Có thể bạn quan tâm