Những ngày để thay đổi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Giới trẻ luôn nhạy bén trong việc hưởng ứng và tạo ra các trào lưu, cũng như dễ thích nghi với môi trường hiện đại, năng động. Có lẽ sẽ rất khó để hướng người trẻ đến việc suy ngẫm và thay đổi những điều quen thuộc đã thành thói quen. 

 

Những lớp học và cách đầu tư tài chính online được bạn trẻ lựa chọn trong mùa dịch
Những lớp học và cách đầu tư tài chính online được bạn trẻ lựa chọn trong mùa dịch



Ở thời điểm “cách ly xã hội” cùng sự ảnh hưởng rõ rệt của dịch bệnh đến mọi mặt đời sống xã hội, một số bạn trẻ bắt đầu nhận ra những vấn đề mà bản thân đang đối mặt. Thay đổi để tồn tại hay rơi vào bế tắc, mọi thứ chỉ có thể do chính mình quyết định.

Bền vững thay vì trào lưu

Có khá nhiều trào lưu trên thế giới lẫn ở Việt Nam thu hút nhiều bạn trẻ hưởng ứng, tuy nhiên đa phần mang tính giải trí. Đáng kể có thể nói đến Challenge For Change (tạm dịch Thách thức để thay đổi) một trào lưu kéo dài và được đông đảo bạn trẻ trong nước tham gia. Đó là các chương trình hành động vì môi trường.

Tuy thời gian kéo dài và mang đến những thay đổi tích cực nhất định, nhưng sau đó, các thử thách dọn rác không còn được thực hiện, một số cửa hàng cũng chấm dứt chuyện bán các sản phẩm “xanh” vì nhiều lý do.

Những ngày “cách ly xã hội”, không có trào lưu kêu gọi “sống xanh”, nhưng một số bạn trẻ bắt đầu thực hiện một cách tự giác và lên kế hoạch cụ thể. Thời gian làm việc trong ngày vẫn được Nguyễn Thị Hoài Thư (25 tuổi, nhân viên văn phòng, ngụ quận 8, TPHCM) chia cụ thể như ở công ty, bên cạnh chuyện tự nấu ăn và pha cà phê.

Thay đổi thói quen để “sống xanh” bảo vệ môi trường cũng bắt đầu được áp dụng, Thư chia sẻ: “Ngày trước mọi người kêu gọi sống xanh, tôi cũng hưởng ứng chia sẻ lên Facebook nhưng không tìm hiểu cách thức để sống xanh là thế nào. Bây giờ, có thời gian hơn, bắt đầu đọc lại các tài liệu thì mới hiểu, sống xanh cũng không khó. Sống xanh không chỉ là bảo vệ môi trường, mà rèn luyện lối sống tích cực cũng là sống xanh”.

“Tôi soạn lại đồ đạc trong nhà, đem các túi vải, hộp đựng ra để xài, túi vải để đựng đồ khi ra ngoài, còn hộp để dựng đồ ăn, thịt cá, rau củ trong tủ lạnh, như vậy cũng là hạn chế rác thải ra môi trường rồi. Trước đây tôi thường để mỗi thứ trong túi ni lông rồi cho vào tủ lạnh, lúc lấy đồ ra nấu xong xuôi, phải vứt đi gần cả chục túi”, Thư cho biết thêm.

Thay vì ngồi một chỗ chờ công ty đi làm trở lại, Thanh Thảo (26 tuổi, nhân viên một công ty xuất nhập khẩu ở quận 6, TPHCM) lại chọn cách thích ứng khác. Bạn tham gia một nhóm thiện nguyện ở quận 7, nấu cơm phát cho người nghèo, người bán vé số trong những ngày này. Thảo chia sẻ: “Có lắng lại mới thấy quanh mình còn nhiều điều để quan tâm hơn thú vui mua sắm online hay cuồng mỹ phẩm của mình. Cứ thứ hai, tư, sáu và chủ nhật, tôi lại đến bếp ăn từ thiện này, phụ các anh chị nấu nướng, cho đồ vào từng hộp và phát cho người nghèo. Cuộc sống có ý nghĩa hơn rất nhiều”.

Tiết kiệm và học cách đầu tư

“Phải chi hồi đó biết để dành”, Hoàng Vinh (28 tuổi, nhân viên tiếp thị online, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) thở dài khi nói về thu nhập hiện tại. Làm công việc tự do, nhiều tháng kiếm được hợp đồng lớn và hoàn thành sớm, tiền lương và hoa hồng có khi Vinh nhận được hơn 50 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, hiện tại công việc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thu nhập giảm đáng kể, có tháng gần như không kiếm được hợp đồng nào. “Bây giờ, tôi đang tính trả nhà trọ về quê cho đỡ tốn kém”, Vinh nói.

Hơn 3 năm đi làm, nhưng chỉ hơn một tháng thất nghiệp khiến Vinh không trụ nổi ở thành phố, bởi số dư trong tài khoản không đáng kể, tiền kiếm được đã chi cho những chuyến du lịch cao cấp và bộ sưu tập giày hàng hiệu. Vinh chia sẻ: “Phải chi hồi đó biết để dành, thì bây giờ cũng không đến nỗi nào. Nhiều đồng nghiệp để dành lương - thưởng, một tháng nay chi tiêu tiết kiệm vẫn ổn. Còn tôi chi quá nhiều tiền cho chuyện đi chơi, nghỉ mát rồi mua giày, giờ có đem bán cả tủ giày của tôi cũng không ai mua, tiền tiết kiệm trong thẻ không còn bao nhiêu, mới thấy tiếc vì hoang phí”.

Gần như cắt giảm hoàn toàn chuyện mua sắm quần áo, mỹ phẩm dưỡng da, chỉ còn tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt cũng khiến Thanh Hiền (26 tuổi, kỹ thuật viên thẩm mỹ, ngụ quận Bình Tân, TPHCM) đau đầu mỗi tháng. Hiền kể: “Hồi trước thu nhập đều đều, thích gì cứ mua. Gần 2 tháng nay mới thấy thấm, chỗ thẩm mỹ viện của tôi cũng hỗ trợ cho nhân viên một số nhu yếu phẩm, nhưng tiền lương giảm đáng kể, phải chi tiêu tiết kiệm. Hơn tuần nay, nhờ bạn bè hỗ trợ, tôi bắt đầu tiết kiệm và tìm hiểu thêm một số cách đầu tư tài chính để có thêm thu nhập ngoài tiền lương. Có lẽ qua lần dịch này, tôi sẽ thay đổi thói quen tiêu xài của mình”.

“Cách ly xã hội” là biện pháp để ứng phó với dịch bệnh, nhưng ở góc độ nào đó, đây có lẽ là khoảng thời gian cần thiết để một số bạn trẻ nhận ra vấn đề mà bản thân mình đang gặp, để thay đổi thói quen và rèn luyện thái độ sống tích cực, lành mạnh hơn.

 

Theo KIM LOAN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm