Những người trẻ dấn thân vào việc 'trần ai lai khổ'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bằng tình yêu thương, nhiều bạn trẻ đã tận tâm chăm sóc người già neo đơn, trẻ mồ côi, người khuyết tật, người bệnh tâm thần... tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang.

 
Chị Đặng Thị Mỹ Linh đang cho trẻ ăn. Ảnh: Quốc Lê
Chị Đặng Thị Mỹ Linh đang cho trẻ ăn. Ảnh: Quốc Lê
Sau khi tốt nghiệp ngành y sĩ Trường trung cấp Y dược Mekong Cần Thơ, chị Đặng Thị Mỹ Linh (33 tuổi), nhân viên chăm sóc khoa trẻ, Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang, đã vượt qua nhiều thử thách để được làm công việc mình yêu thích.
Chị Linh kể: “Khi còn là sinh viên, tôi đã có nguyện vọng gắn bó với công việc chăm sóc, nuôi dưỡng người yếu thế, trẻ mồ côi. Ra trường, do hoàn cảnh gia đình, tôi phải làm nhiều công việc khác nhau. Khi hay tin trung tâm tuyển dụng tôi liền đăng ký ứng tuyển. Ban đầu, gia đình kịch liệt phản đối nhưng tôi cố gắng thuyết phục, giải thích và cuối cùng cũng được làm công việc mình mong muốn”.
Vào ca trực, chị Linh chịu trách nhiệm chăm sóc 15 trẻ; trong đó có 2 trẻ bệnh thiểu não, 4 trẻ sơ sinh và 1 trẻ đang tuổi đi học. Chị luôn xem các bé như con ruột của mình. Đáp lại tình yêu đó là những ánh mắt trìu mến và tiếng gọi “mẹ” thân thương của các con dành cho chị. Cũng có khi đó là những tiếng khóc inh ỏi của đứa trẻ khát sữa, giành đồ chơi. Ấy vậy, đối với chị Linh, đó là nét đáng yêu của trẻ và chỉ người yêu trẻ con thật sự mới cảm nhận được.
Ngay từ đầu, nhiều bạn trẻ xác định công việc chăm sóc người bệnh tâm thần không hề đơn giản, thậm chí là “trần ai lai khổ”, phải có tình yêu thương mới vượt qua được. Sau một thời gian công tác tại trung tâm, anh Danh Thanh Ngà (32 tuổi) đã quen với việc chăm sóc người bệnh tâm thần. Anh muốn gắn bó với công việc ở đây, mặc dù biết rõ là không hề đơn giản.
Theo anh Ngà, bệnh nhân tâm thần khi lên cơn thường có nhiều biểu hiện khác nhau như tự làm hại bản thân, khóc la... và đánh người khác. Trong ca trực, nhân viên phải canh chừng, nếu người bệnh lên cơn phải nhanh chóng khống chế, xử lý và đưa vào phòng cách ly.
“Tôi nghĩ, đã là nhân viên chăm sóc người bệnh tâm thần thì phải có tình thương, lòng bao dung và đặc biệt là tâm lý vững vàng. Vì vậy, mỗi lần bệnh nhân tâm thần lên cơn, tôi không cảm thấy khó chịu mà càng thương họ hơn”, anh Ngà bộc bạch.
Tại khoa chăm sóc bệnh nhân tâm thần của trung tâm, mỗi ca trực chỉ có 4 nhân viên nhưng phải chăm sóc hơn 90 bệnh nhân. Mỗi ngày, nhân viên chăm sóc thức dậy lúc 4 giờ 30 để vệ sinh cá nhân cho các bệnh nhân, sau đó hướng dẫn họ tập thể dục, ăn uống, chăm sóc sức khỏe... Nếu có người nhập viện thì 4 nhân viên phải luân phiên nuôi bệnh. Khi đó công việc càng áp lực hơn.
Ông Phan Đình Sáu, Giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang, cho biết trung tâm hiện nuôi dưỡng 237 người; trong đó có 44 trẻ mồ côi, 36 người khuyết tật, 39 người già neo đơn và 118 bệnh nhân tâm thần.
“Đối với các bạn làm việc lâu dài tại trung tâm thật sự là một sự cống hiến, hy sinh và đáng được ghi nhận. Một số bạn trẻ tuổi đời chỉ từ 22 - 33 nhưng được đánh giá cao về chuyên môn và đạo đức. Thực tế, có nhiều công việc mưu sinh thu nhập cao, nhàn hạ và có cơ hội thăng tiến hơn nhưng với tấm lòng thương người, tinh thần sẻ chia mà các bạn đã chấp nhận gắn bó với công việc vất vả này”, ông Sáu chia sẻ.
Theo Quốc Lê (TNO)

Có thể bạn quan tâm