Những 'thủ lĩnh' của lòng nhân ái

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Không giàu có về vật chất, thậm chí nhiều người có hoàn cảnh éo le, nhưng tất cả luôn sẵn lòng làm việc thiện nguyện - đó là những 'thủ lĩnh' của lòng nhân ái, được trao giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm nay.
 

 Anh Nguyễn Duy Học dù bị dị tật bẩm sinh nhưng vẫn tổ chức hoạt động thiện nguyện- Ảnh: NVCC
Anh Nguyễn Duy Học dù bị dị tật bẩm sinh nhưng vẫn tổ chức hoạt động thiện nguyện- Ảnh: NVCC



Anh Nguyễn Duy Học (33 tuổi), Trưởng nhóm thiện nguyện Vòng tay yêu thương ở xã Eakly, H.Krông Pắk, Đắk Lắk vốn là một người có hoàn cảnh khó khăn. Sinh ra với đôi bàn chân và tay bị khoèo nên đi lại, làm việc đều khó khăn, nhưng 8 năm qua, anh Học đã tổ chức được một nhóm thiện nguyện mang tên Vòng tay yêu thương và làm được nhiều việc ý nghĩa cho cộng đồng.

Nhóm Vòng tay yêu thương đã tổ chức nhiều chương trình tình nguyện vì an sinh xã hội cho bà con, học sinh nghèo trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và cả tỉnh Đắk Nông. Nhóm khởi xướng và triển khai chương trình tặng nhà ở cho bà con có hoàn cảnh khó khăn tại Đắk Lắk với việc dựng khung nhà lợp tôn do tình nguyện viên của nhóm tự thi công; tặng cơm cho bệnh nhân nghèo…

Anh Học cho biết: “Dù khuyết tật nhưng tôi vẫn cố gắng học tập và tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Duy Tân. Được ra ngoài xã hội, tôi mới hiểu còn nhiều hoàn cảnh bất hạnh hơn mình. Tôi quyết định xin làm tình nguyện viên cho CLB Búp sen hồng và được góp một phần công sức nhỏ bé của mình để dạy văn hóa cho các bạn khuyết tật ở TP.Đà Nẵng gần 1 năm. Bản thân tôi luôn có ý nghĩ mình phải sống vì mọi người chứ đừng để mọi người phải sống vì mình. Vì thế, tôi nghĩ đến làm việc thiện và đã tự thành lập nhóm Vòng tay yêu thương”.

Anh Học cũng cho biết lúc đầu nhóm chỉ có 6 thành viên, hiện tại đã lên tới 40 người, chủ yếu là cán bộ, công nhân viên chức, đoàn viên, thanh niên, học sinh trên địa bàn tỉnh.

Một CLB mang tên Chia sẻ yêu thương ở H.Yên Thành, Nghệ An, 5 năm qua cũng làm được nhiều việc có ý nghĩa nhằm khuyến khích, động viên học sinh vùng sâu, vùng xa đến trường. Chị Đỗ Thị Nga, Chủ nhiệm CLB, cho biết do các huyện miền núi còn khó khăn nên chị thành lập CLB để kêu gọi những người hảo tâm, kết nối nguồn lực làm các công trình dân sinh, giúp trẻ em được đến trường.

Trong 5 năm qua, CLB đã vận động được nhiều tỉ đồng để làm các dự án như: điện sáng ươm mầm ước mơ; xây cầu vượt lũ ở nhiều bản trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí hơn 1 tỉ đồng. Đặc biệt, nhóm đã kết nối với các nguồn lực xã hội nuôi cơm bán trú cho 1.000 học sinh vùng khó khăn H.Kỳ Sơn, Nghệ An, trị giá hơn 1,3 tỉ đồng. Nhóm cũng tổ chức nhiều chương trình để tiếp sức các em đến trường.

Cũng mang tình yêu thương đến trẻ em nghèo, anh Lê Đình Oanh, Phó ban điều hành dự án “Vì trẻ em vùng cao”, chia sẻ dự án được thành lập năm 2016 tại Thanh Hóa nhằm hỗ trợ giáo dục vùng cao bằng việc xây dựng các điểm trường tạm bợ; hỗ trợ, nuôi cơm các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn để nâng bước em đến trường.

Qua 4 năm triển khai, dự án đã xây dựng được nhiều phòng học và sắm sửa trang thiết bị giảng dạy cho nhiều trường tiểu học, mầm non trên địa bàn tỉnh. Dự án cũng trao tặng hàng ngàn bộ quần áo ấm cho học sinh tiểu học tại các xã bị thiệt hại do mưa lũ và nuôi hơn 700 học sinh ở các điểm trường khó khăn với số tiền và vật phẩm trị giá hơn 2 tỉ đồng.

Theo Vũ Thơ (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm