Nữ sinh miền Tây với dự án dự thi quốc tế tại Mỹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
'Nhựa sinh học tạo từ tinh bột huyền có khả năng tự phân hủy' là 1 trong 7 dự án được Bộ GD-ĐT chọn tham dự Hội thi khoa học - kỹ thuật quốc tế năm 2022 (ISEF 2022) tổ chức tại Mỹ vào tháng 5.2022.
Đây là dự án của em Trần Minh Anh Thư, học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Thủ Khoa Nghĩa (TP.Châu Đốc, An Giang) và là dự án duy nhất ở miền Nam được chọn dự thi.
 
Anh Thư thực hiện nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của cô Bé Chính. Ảnh: An Thơ
Anh Thư thực hiện nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của cô Bé Chính. Ảnh: An Thơ
Dự án sử dụng nguyên liệu thiên nhiên
Anh Thư cho biết qua truyền thông em biết một số sản phẩm nhựa có chứa hóa chất như chất hóa dẻo, phẩm màu, chì, khi sử dụng lâu ngày có thể gây ung thư, ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của trẻ, hoặc gây dị tật bẩm sinh.
Ngoài ra, có nhiều rác thải nhựa khó phân hủy khiến môi trường ngày càng ô nhiễm. Từ thực tế trên, Thư nảy sinh ý tưởng sáng chế một loại nhựa tự phân hủy sinh học thay thế nhựa hiện tại, sử dụng màng nhựa tự phân hủy sinh học để bảo quản thực phẩm. Khi đem ý tưởng này trình bày với cô Trần Thị Bé Chính (giáo viên dạy hóa của lớp) thì Thư được cô nhiệt tình ủng hộ.
Cô Trần Thị Bé Chính, giáo viên hướng dẫn dự án cho Anh Thư, chia sẻ suốt quá trình làm dự án, Thư đã chủ động trong tất cả các khâu, từ việc nghiên cứu tài liệu trong và ngoài nước. Trong quá trình làm, gặp khó khăn thì em liên lạc với giáo viên để được hướng dẫn kịp thời, từ đó hoàn thành dự án một cách tốt nhất. Thư là học sinh xuất sắc, hoạt bát trong tất cả hoạt động của trường. Ngoài ra, em còn rất giỏi tiếng Anh. Đây là một phần quan trọng để em có thể báo cáo tốt trong phần phỏng vấn để chọn 7/12 dự án thi cấp quốc tế.
Sau đó, Thư chọn tinh bột huyền và lá chúc cùng một số nguyên liệu để thực hiện ý tưởng. “Em chọn tinh bột huyền và lá chúc vì ngoài đáp ứng yêu cầu của đề tài thì 2 loại cây này còn được trồng nhiều ở vùng Bảy Núi, An Giang quê em. Vả lại, qua tham khảo tài liệu, thấy 2 loại cây này về mặt y học có tác dụng rất tốt nên em quyết định kết hợp chúng với nhau. Chẳng hạn, củ huyền tươi điều trị các bệnh về dạ dày và có hàm lượng tinh bột khá cao cùng những đặc tính hóa lý tốt hơn nhiều so với các loại tinh bột thương mại trên thị trường. Còn lá chúc tăng cường sức khỏe răng miệng, giải độc máu, hỗ trợ tiêu hóa, hỗ trợ làn da, khử mùi da, tăng cường hệ miễn dịch và giúp tóc khỏe mạnh”, Thư chia sẻ.
 
Màng film bảo quản trái cây của Anh Thư có thể bảo quản trái cây lâu chín, lâu hư, ngăn ngừa, diệt khuẩn và kháng nấm mốc
Màng film bảo quản trái cây của Anh Thư có thể bảo quản trái cây lâu chín, lâu hư, ngăn ngừa, diệt khuẩn và kháng nấm mốc
Hạnh phúc vỡ òa
Bắt tay thực hiện dự án, thử thách đầu tiên đối với Thư là thời gian, bởi em đang học lớp 12, chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên Thư đã sắp xếp, phân bổ thời gian hợp lý giữa việc học và nghiên cứu.
Màng film bảo quản trái cây là dung dịch lỏng khi phun xịt lên trái cây sẽ bảo quản trái cây lâu chín, lâu hư trong khoảng 11 ngày. Còn màng film tự phân hủy sinh học có thể phân hủy nhanh trong môi trường, không gây độc hại cho con người.
Trần Minh Anh Thư Học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Thủ Khoa Nghĩa, TP.Châu Đốc, An Giang
Sau những tháng ngày miệt mài thử nghiệm, trải qua vô số lần thất bại cùng khó khăn thử thách khác, cuối cùng tất cả đều được đền đáp xứng đáng khi em đạt được kết quả mong muốn. Dự án “Nhựa sinh học tạo từ tinh bột huyền có khả năng tự phân hủy” gồm màng film bảo quản trái cây và màng film tự phân hủy sinh học. “Trong đó màng film bảo quản trái cây là dung dịch lỏng khi phun xịt lên trái cây sẽ bảo quản trái cây lâu chín, lâu hư trong khoảng 11 ngày. Màng film này còn ngăn ngừa, diệt khuẩn và kháng nấm mốc. Còn màng film tự phân hủy sinh học là các vật dụng chén, tô, giấy gói bánh, bao bì… có thể phân hủy nhanh trong môi trường, không gây độc hại cho con người”, Thư cho biết.
Thư vỡ òa hạnh phúc khi dự án giành giải nhất toàn quốc và được Bộ GD-ĐT chọn tham dự Hội thi khoa học - kỹ thuật quốc tế năm 2022 (ISEF 2022) được tổ chức tại Mỹ vào tháng 5.2022.
“Em đã học được nhiều điều hữu ích, ngay từ khi bắt tay vào nghiên cứu dự án này. Hiện em đang chuẩn bị mọi thứ để tham gia hội thi ở Mỹ”, Thư nói.
Cô Trần Thị Bé Chính cho biết thời gian tới cô trò sẽ chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất màng nhựa cho người dân vùng Bảy Núi để bà con biết cách tạo ra màng nhựa bảo quản trái cây một cách tốt nhất, từ đó giúp tăng thêm thu nhập để đời sống của bà con được nâng cao.
Theo An Thơ (TNO)

Có thể bạn quan tâm