Nhìn dáng người nhỏ bé của Phùng Thị Kim Phường, không ai nghĩ cô sinh viên năm cuối này lại kiên cường tham gia nhiều công việc khác nhau ở tuyến đầu chống dịch ròng rã suốt 2 tháng qua.
Kim Phường giấu ba mẹ chuyện mình đi chống dịch Covid-19. Ảnh: NVCC |
Phùng Thị Kim Phường, sinh viên năm cuối ngành y đa khoa Trường ĐH Y dược TP.HCM, xung phong làm tình nguyện viên ngay đợt tuyển đầu tiên của Sở Y tế TP.HCM vì mong muốn được đóng góp vào công tác chống dịch Covid-19 của thành phố. "Số lượng ca nhiễm tăng nhanh nên chỉ cần thêm một người là sẽ bớt đi một chút quá tải cho lực lượng y tế. Em nhớ lại hình ảnh các anh chị, thầy cô ra tuyến đầu chống dịch ở Bắc Giang lúc trước, nhìn thấy thương lắm, nên điều đó càng thúc đẩy em tham gia chống dịch nhiều hơn", Phường cho biết.
Những tình huống lặng người
Kim Phường (phải) nhỏ bé nhưng vô cùng mạnh mẽ. Ảnh: NVCC |
Ban đầu, Phường còn mới nên chỉ làm những công việc nhẹ như điều phối, kiểm tra phiếu thông tin... Sau ngồi dán code, nhập liệu, rồi lấy mẫu xét nghiệm, Phường đều làm được hết và làm rất thuần thục. Nữ tình nguyện viên di chuyển nhiều nơi khác nhau ở các quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, rồi có khi về cố định ở quận 5 thì kiêm thêm công việc kiểm mẫu giúp các anh chị trong trung tâm y tế. Hiện tại, cô được phân công hỗ trợ tại Trung tâm sơ cấp cứu Bệnh nhân Covid-19 ở Q.10, cùng với nhiều thầy cô và bạn bè trong Trường ĐH Y dược TP.HCM.
Phường kể: "Tụi em như một đội phản ứng nhanh. Bệnh nhân ở nhà có triệu chứng cấp cứu là bọn em lập tức có mặt, đánh giá tình trạng rồi cân nhắc gọi xe cấp cứu chở họ về trung tâm để sơ cấp cứu. Từ lúc làm công việc này, em hoàn toàn phải tiếp xúc với F0 trong quá trình chăm sóc bệnh nhân. Trước đó, em tưởng việc đứng hàng giờ lấy mẫu dưới cái nắng oi bức, hoặc đội mưa để che mẫu không bị ướt đã là cực lắm rồi. Nhưng khi về đây, em mới thấy công việc cực hơn gấp nhiều lần. Nhân lực thì ít ỏi nên công việc của bọn em từ hộ lý đến điều dưỡng rồi tới bác sĩ, bọn em đều được chỉ dạy và phải trải qua hết vì mục tiêu bệnh nhân của mình không trở nên tệ hơn".
Có những tình huống làm cho Phường và các tình nguyện viên khác lặng người đi. "Có lần, sau khi nhận được thông tin, đội tình nguyện đến nhà thì bệnh nhân đã tử vong do người nhà báo quá trễ, trước đó lại chăm sóc chưa đúng cách. Thương nhất là các cụ già không may nhiễm virus thường trở nặng rất nhanh. Em không thể quên hình ảnh một cụ nằm chơ vơ giữa nhà với chiếc bình oxy mà không có ai chăm sóc. Có những cụ rơi vào hôn mê, khiến em nhớ tới bà nội của em, vô cùng thương xót. Em nghĩ mãi về những người bệnh không được người nhà chăm sóc. Không biết rồi họ sẽ ra sao giữa đại dịch này nếu như không được báo cấp cứu kịp thời", Kim Phường bày tỏ.
"Đã chọn nghề y thì không được phép từ bỏ"
Dù biết ba mẹ sẽ luôn ủng hộ nhưng Phường vẫn giấu kín việc đi tình nguyện chống dịch vì sợ cả nhà sẽ lo lắng mà ảnh hưởng đến sức khỏe.
Suốt 2 tháng ròng rã làm những công việc tiếp xúc trực tiếp với F0, F1, không tránh khỏi có lúc Phượng sợ hãi mình bị lây nhiễm. Nữ sinh viên còn phải "đánh đổi" nhiều thứ: không được về nhà với ba mẹ, không được ăn cơm nhà, không được ngủ ngon giấc. Có những hôm đi lấy mẫu xét nghiệm, mặc đồ bảo hộ giữa trời nắng nóng, mồ hôi ra nhiều khiến Phượng bị mất nước dẫn đến "choáng" muốn ngất xỉu. Rồi có khi cố phải làm việc đến 1-2 giờ sáng mới xong.
Ở Trung tâm cấp cứu, nhiều lần Phượng và đồng nghệp không kịp ăn đã phải tức tốc lên đường đến nhà bệnh nhân cấp cứu. Hôm nào có ca trực đêm từ 21 giờ đến 7 giờ sáng, hễ nghe tiếng bộ đàm là cô giật mình thon thót. Nhiều lúc, nữ tình nguyện viên không kìm được nước mắt khi nhìn thấy sự ra đi của bệnh nhân. Những áp lực đó khiến cô gái bé nhỏ này có đôi lần kiệt sức.
"Nhưng, đã lựa chọn nghề y thì phải kiên cường, em không được phép từ bỏ. Dù có chuyện gì đi nữa thì em cũng phải tiếp tục. Mình mà bỏ cuộc thì bệnh nhân sẽ ra sao? Em nhớ ba mẹ. Em nhớ bữa cơm gia đình, nhớ những tháng ngày bình yên nên hơn bao giờ hết em mong dịch bệnh sớm được đẩy lùi. Quá trình đi chống dịch em nhận được sự quan tâm, yêu thương, lo lắng của thầy cô, bạn bè trong nhóm khiến em có cảm giác ở đây giống như gia đình của mình vậy. Vì thế, em có thêm động lực và sức mạnh để tiếp tục", Phường bày tỏ.
Theo Phường, công việc chống dịch cũng đã rèn giũa cho mình tính kiên trì, tỉ mỉ và có cái nhìn bao quát về nghề y. Nữ sinh viên từng làm nhóm trưởng, làm đội trưởng, nên học hỏi, trải nghiệm được nhiều kỹ năng hữu ích như cách phân bổ, sắp xếp nhân lực, quản lý thời gian, xứ lý tính huống... Ngoài ra, tiếp xúc với xã hội nhiều, Phường biết được nhiều cách đối nhân xử thế hơn. Đặc biệt là rèn được khả năng chịu cực, chịu khổ để từ nay dù rơi vào hoàn cảnh nào cũng có thể kiên trì và kiên cường vượt qua.
Theo Mỹ Quyên (TNO)