Nữ tiến sĩ dành cả thanh xuân nghiên cứu khoa học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với 11 năm theo đuổi khoa học, nữ tiến sĩ Trần Phương Thảo (35 tuổi) đã có nhiều nghiên cứu thành công về các thuốc chữa bệnh, mang lại nhiều hy vọng cho bệnh nhân ung thư và suy giảm trí nhớ.
Tiến sĩ Trần Phương Thảo cùng chồng tại buổi nhận Giải thưởng Gương mặt trẻ VN triển vọng năm 2019 do T.Ư Đoàn trao tặng
Tiến sĩ Trần Phương Thảo cùng chồng tại buổi nhận Giải thưởng Gương mặt trẻ VN triển vọng năm 2019 do T.Ư Đoàn trao tặng
Với những đóng góp của mình, tiến sĩ Trần Phương Thảo, giảng viên Trường ĐH Dược Hà Nội, là một trong những cá nhân điển hình tham dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác, sẽ tổ chức tại Nghệ An vào ngày 30 - 31.5 tới.
Tìm ra dẫn chất chữa bệnh alzheimer
Nữ tiến sĩ Trần Phương Thảo là người đã nghiên cứu ra nhiều chất tiềm năng hướng đến việc điều trị bệnh Alzheimer (chứng bệnh suy giảm trí nhớ).
Tôi chỉ mong 1 ngày có 48 tiếng để làm được nhiều việc hơn!
Tiến sĩ TRẦN PHƯƠNG THẢO (giảng viên Trường ĐH Dược Hà Nội)
Tiến sĩ Thảo cho biết: “Bệnh suy giảm trí nhớ ở VN chưa có thống kê đầy đủ nhưng ngày càng tăng và ảnh hưởng không chỉ với người bệnh mà cả gia đình và xã hội. Hiện nay, trên thế giới chưa tìm ra bằng chứng cụ thể về nguyên nhân chính của căn bệnh Alzheimer và chưa có thuốc điều trị tận gốc căn bệnh này, mà chỉ điều trị triệu chứng. Chính vì thế, tôi mong muốn tìm ra được chất ngăn chặn nguy cơ gây bệnh để điều trị tận gốc”.
Chị Thảo sang Hàn Quốc làm nghiên cứu sinh về đề tài này vào năm 2010. Thời gian chị bắt đầu nghiên cứu đề tài này, trên thế giới mới chỉ có 1 nhóm nghiên cứu ở Đức. Vì thế, chị đã gặp rất nhiều khó khăn, tất cả mọi thứ đều phải tự mày mò, nghiên cứu. Nhưng thật bất ngờ, nữ tiến sĩ 8X đã phát hiện ra nhiều dẫn chất mới rất tiềm năng có thể ngăn chặn bệnh Alzheimer.
“Sau 7 năm nghiên cứu cùng các cộng sự, chúng tôi đã tìm thấy một số dẫn chất mới có khả năng gây ức chế enzyme glutaminyl cyclase - một trong các tác nhân gây bệnh Alzheimer. Hiện các chất tiềm năng trong nghiên cứu này đã bước qua giai đoạn thử nghiệm ban đầu, tiếp tục thử sâu hơn trên động vật”, chị Thảo cho hay và bày tỏ hy vọng trong tương lai gần, sẽ có hoạt chất thử nghiệm trên người để sớm ra đời loại thuốc điều trị bệnh Alzheimer hiệu quả.
Tiến sĩ Trần Phương Thảo (giữa) hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học tại Trường ĐH Dược Hà Nội ẢNH: V.T
Tiến sĩ Trần Phương Thảo (giữa) hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học tại Trường ĐH Dược Hà Nội ẢNH: V.T
Mang hy vọng mới cho bệnh nhân ung thư
Thời gian học tập ở Hàn Quốc và sau khi về nước (năm 2015), chị Thảo cũng song song nghiên cứu về các thuốc điều trị ung thư. Chị đã chủ trì nghiên cứu nhiều đề tài cấp quốc gia và cấp cơ sở với mục tiêu tìm ra các dẫn chất mới có khả năng ức chế và tiêu diệt tế bào ung thư.
Nổi bật trong số đó là đề tài cấp quốc gia của chị với tiêu đề “Thiết kế, tổng hợp, thử tác dụng kháng ung thư của một số dãy dẫn chất acylhydrazon mới hướng hoạt hóa caspase”, đã được nghiệm thu với kết quả vượt xa so với mục tiêu đề ra, cả về thời gian và chất lượng. Đây là một trong những đề tài mà chị Thảo dành nhiều tâm sức, bởi tính hữu ích với cộng đồng.
Từ 2018 đến nay, tiến sĩ Trần Phương Thảo đã có tới 40 bài báo khoa học, trong đó 19 bài trên các tạp chí quốc tế; 6 bằng phát minh, sáng chế quốc tế (Hàn Quốc) và nhiều báo cáo khoa học tại các hội nghị khoa học trong nước và quốc tế.
Tiến sĩ Thảo đã được nhiều giải thưởng danh giá dành cho nhà khoa học trẻ như: Giải thưởng Khoa học công nghệ thanh niên Quả cầu vàng 2019 lĩnh vực công nghệ y dược; Giải thưởng Gương mặt trẻ VN triển vọng năm 2019 lĩnh vực nghiên cứu khoa học; Gương mặt trẻ thủ đô tiêu biểu năm 2019; Giải thưởng quốc tế L’Oreal - UNESCO Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học năm 2017.
“Trong đề tài nghiên cứu này, tôi và cộng sự đặt ra mục tiêu sẽ tìm ra những chất mới, qua đó góp phần thúc đẩy chu trình chết tự nhiên của các tế bào ung thư”, chị Thảo chia sẻ.
Không chỉ có đề tài này, chị Thảo còn tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khác về các dẫn chất kháng ung thư và đạt được kết quả xuất sắc, như: “Thiết kế, tổng hợp, thử tác dụng ức chế histone deacetylase và tác dụng kháng ung thư của các dẫn chất kiểu lai hóa quinazolin-acid hydroxamic”; “Tổng hợp và thử tác dụng kháng ung thư của một số dẫn chất acylhydrazon mới mang khung quinazolinon”; “Tổng hợp và thử tác dụng kháng ung thư của một số dẫn chất 1H-indazol-6-amin”...
Đặc biệt, theo chị Thảo, những nghiên cứu này nếu được đầu tư nghiên cứu tiếp, sẽ có bước phát triển xa hơn, để có thể đến gần hơn với việc tìm ra thuốc điều trị ung thư sử dụng được trên người.
Mong 1 ngày có 48 tiếng
Chia sẻ về hành trình nghiên cứu khoa học của mình, chị Thảo cho biết chị đam mê nghiên cứu khoa học từ khi còn là sinh viên Trường ĐH Dược Hà Nội. “Tôi bắt đầu tham gia nghiên cứu khoa học từ năm thứ 3 đại học (năm 2006 - PV), càng làm càng thích nên cứ thế theo đuổi cho đến nay. Ngày còn là sinh viên, được vào phòng thí nghiệm, tôi thấy rất thích thú vì nơi này rất mới mẻ nên mong muốn được thử ngay”, chị Thảo nhớ lại.
Sau khi tốt nghiệp ĐH, chị được giữ lại làm giảng viên Trường ĐH Dược Hà Nội. Với đam mê nghiên cứu khoa học, chị Thảo đã “săn” học bổng du học để theo đuổi đam mê của mình. “May mắn tôi nhận được học bổng toàn phần của ĐH Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) và sang du học. Thời điểm đó, chồng tôi cũng nhận được học bổng tại đất nước này. Vì vậy, chúng tôi quyết định cùng nhau đi du học”, chị Thảo kể.
Dù đã lập gia đình nhưng để tập trung cho việc nghiên cứu khoa học, chị đã “thỏa thuận” với chồng hoãn sinh con trong 5 năm. “Do khi làm việc phải thường xuyên tiếp xúc với hóa chất, độc hại rất nhiều, nên chúng tôi phải kế hoạch 5 năm mới sinh con”, chị Thảo kể. Hai vợ chồng chị Thảo chọn ở trong ký túc xá gần trường và phòng thí nghiệm của chị. Thời gian biểu của chị bắt đầu từ sáng sớm và thường kết thúc tầm 22 giờ trong phòng thí nghiệm. Có những hôm say việc quá, khi rời phòng thí nghiệm thì trời đã sáng.
Do thức đêm nhiều nên từ 30 tuổi tóc chị đã bạc trắng, chị phải nhuộm liên tục để trông... đỡ già. “Có lúc thấy tôi đam mê, vất vả quá, chồng thương và bảo: “Hay là thôi đi em, cho đầu óc thảnh thơi”. Nhưng anh ấy cũng biết tính tôi rồi, đã đam mê là phải theo đến cùng”, chị Thảo chia sẻ.
Ngoài 30 tuổi, chị Thảo mới quyết định sinh con. Thời điểm đó cũng là lúc chị đảm nhận đề tài nghiên cứu cấp nhà nước về các dẫn chất điều trị ung thư. Đây là đề tài lớn đầu tiên chị thực hiện sau khi về nước. Vừa nuôi con nhỏ, vừa nghiên cứu nên chị phải vượt qua nhiều khó khăn, cân bằng giữa công việc và gia đình. Hết thời gian giảng dạy trên giảng đường, chị lại vào phòng thí nghiệm. Buổi tối sau khi ru con ngủ say, chị lại vào bàn làm việc.
Hiện ở Trường ĐH Dược Hà Nội, chị Thảo vừa làm giảng viên, vừa làm giáo vụ, vừa nghiên cứu khoa học, việc chăm sóc con cái, chị may mắn có sự hỗ trợ rất nhiều từ gia đình. Hỏi về mong muốn của mình, chị Thảo nói: “Tôi chỉ mong 1 ngày có 48 tiếng để làm được nhiều việc hơn!”.
Theo Vũ Thơ (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm