Nữ tiến sĩ trẻ đam mê nghiên cứu khoa học và ước mơ gieo mầm thế hệ trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau nhiều năm công tác tại Viện Quy hoạch Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tiến sĩ Trương Vân Anh đã chuyển hướng sang nghề giáo và được bổ nhiệm vị trí Phụ trách Khoa Khí tượng Thủy văn - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường. Vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu khoa học, cô luôn hy vọng truyền cảm hứng, động lực để lớp trẻ hiểu và say mê theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học.

Tiến sĩ Trương Vân Anh - Phụ trách Khoa Khí tượng Thủy văn - Trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường
Tiến sĩ Trương Vân Anh - Phụ trách Khoa Khí tượng Thủy văn - Trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường
Đam mê nghiên cứu khoa học
TS Trương Vân Anh đã có thời gian theo học tại Trường Đại học Thủy lợi và tốt nghiệp chuyên ngành Thủy văn Môi trường vào năm 2004.
Khi mới ra trường, cô công tác và làm việc tại Viện Quy hoạch Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn. Đến năm 2008, cô quyết tâm theo đuổi con đường học tập, nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khi vừa tròn 34 tuổi.
Nhớ lại khoảng thời gian hơn 10 năm qua, cô Vân Anh chia sẻ:
"Thực sự rất khó khăn. Có những khoảng thời gian tham gia nghiên cứu, dự án, tôi cứ thế cuốn theo công việc không kể giờ giấc. Khó khăn nhất phải kể đến giai đoạn tôi học lên cao học và sau đó học lên tiến sĩ ở nước ngoài. Con tôi còn nhỏ, phải gửi ông bà chăm sóc nên cứ 4 tháng, tôi lại bay về nước thăm con.
Đến năm học cuối, tôi mang bầu bé thứ 2 và sinh con nơi đất khách quê người ngay trước thời điểm bảo vệ luận án tiến sĩ. Nhìn lại quãng thời gian ấy, tôi thấy mình thật may mắn vì được sự ủng hộ hết lòng từ gia đình để có động lực hoàn thành hết các nhiệm vụ quan trọng trong cùng thời điểm.

Nghiên cứu viên Trương Vân Anh nhận bằng Thạc sĩ. Ảnh: NVCC
Nghiên cứu viên Trương Vân Anh nhận bằng Thạc sĩ. Ảnh: NVCC
Với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, hằng năm TS Trương Vân Anh đã thực hiện nhiều đề tài khoa học, các bài báo. Trong đó, có khoảng 30 bài báo, kỷ yếu khoa học bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Ngoài ra, cô còn là chủ nhiệm, tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học cấp Bộ, cấp cơ sở.
"Hiện tại, tôi đang kết hợp với các nhà nghiên cứu ở các trường đại học bên Châu Âu, trong đó có Đại học Bách khoa Milano (Politecnico đi Milano), Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (ETH Zurich) và Viện công nghệ Karsruhe (IMK -KIT),… thực hiện đề tài nghiên cứu chung về quản lí tổng hợp tài nguyên nước cho lưu vực sông Hồng. Tôi tin rằng, kết quả của sản phẩm sẽ giúp tham vấn cho các nhà quản lí về tài nguyên nước ở Việt Nam. 
Mong muốn gieo mầm tri thức
Sinh ra và lớn lên trong gia đình trí thức ở vùng đất Nam Định, thời sinh viên, cô Vân Anh chưa từng nghĩ mình sẽ theo nghề giáo. Tuy nhiên, qua quá trình học tập, nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, cô đã yêu nghề giáo từ lúc nào không hay. Với cô "mỗi sinh viên là một hạt mầm", cô muốn đóng góp một phần sức lực và trí tuệ của mình vào quá trình gieo mầm trên nhiều mảnh đất.
"Chuyển từ nghiên cứu viên sang làm giảng viên là quyết định rất khó khăn. Thời gian đầu, tôi không rõ bản thân làm đúng hay sai. Nhưng đến thời điểm hiện tại, tôi hài lòng với quyết định đó.
Đi dạy thích lắm. Làm việc với sinh viên rất thú vị, các em ham học hỏi và năng động. Trong quá trình dạy có những bạn xuất sắc cũng có những bạn cá biệt, nhưng tôi khá kiên trì, tạo kỳ vọng và cùng các em gắn kết. Đến nay, tôi đã giảng dạy được 5 năm và có nhiều khóa sinh viên thành công, cống hiến cho sự phát triển của nước nhà" - cô Vân Anh chia sẻ.
Nữ tiến sĩ trẻ cũng tâm sự, có 1 câu nói của Steven Job: "Stay Hungry, Stay Foolish" (hãy luôn khát khao – hãy luôn dại khờ) mà cô rất tâm đắc và thường xuyên nhắn nhủ tới học trò. Các em có thời gian, có tuổi trẻ, hãy hoài bão, ước mơ và kiên định theo con đường các em đã lựa chọn, thành công sẽ đến với các em.
Và khi đó, cuộc sống không chỉ là “có một công việc để kiếm sống” mà sẽ là "làm việc và cống hiến vì đam mê và hạnh phúc".
Trong tương lai, TS Trương Vân Anh vẫn tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà và dành thời gian nghiên cứu về lĩnh vực quản lý tổng hợp tài nguyên nước và quản lý rủi ro thiên tai.
"Tôi đã theo đuổi đam mê của chính mình, vì vậy không có bất cứ lý do nào khiến tôi chùn bước hoặc từ bỏ. Tôi sẽ tiếp tục nỗ lực giảng dạy và nghiên cứu, đặc biệt là lĩnh vực quản lý rủi ro thiên tai. Điều duy nhất tôi trăn trở nhất là làm làm sao để cân đối thời gian cho việc giảng dạy, gia đình và theo đuổi đam mê nghiên cứu." - cô Vân Anh cho biết.
Những điều còn trăn trở
Say mê nghiên cứu khoa học, nhiệt huyết trong mỗi lần đứng trước giảng đường, TS Trương Vân Anh luôn trăn trở, mong ước có thêm thật nhiều quỹ thời gian để vừa nghiên cứu khoa học, vừa thực hiện tốt công tác giảng dạy, gieo mầm đam mê đến các thế hệ sinh viên và tạo môi trường để các sinh viên phát triển tốt nhất.
"Đối với học trò, tôi luôn trăn trở nhiều hơn để có thể có được môi trường học tập tốt nhất cho các bạn, để có thể trang bị cho các bạn đủ kiến thức, kỹ năng và phẩm chất đáp ứng nhu cầu xã hội và phát triển sự nghiệp của các bạn ấy sau này. Trăn trở để tìm kiếm những cơ hội việc làm giúp các bạn ấy khi ra trường. Mặc dù ít sinh viên, nhưng mỗi sinh viên đều là những đứa con khoa học của các thầy cô Khoa KTTV.
Để sau này, tôi sẽ có thật nhiều đồng nghiệp tương lai giỏi giang, thành đạt để cùng giải quyết những thách thức của ngành khí tượng thuỷ văn: Cùng nhau dự báo, cùng nhau phòng chống thiên tai, cùng nhau phát triển các đô thị xanh sạch đẹp… những thách thức gắn với ngành trong quá trình phát triển đất nước” – nữ tiến sĩ bày tỏ.
VÂN TRANG (LĐO)
https://laodong.vn/giao-duc/nu-tien-si-tre-dam-me-nghien-cuu-khoa-hoc-va-uoc-mo-gieo-mam-the-he-tre-965415.ldo

Có thể bạn quan tâm