"Ông đồ" 9x và thư pháp Việt hệ chữ quốc ngữ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Võ Tuấn Xuân Thành, là gương mặt 9X nổi bật trong giới thư pháp ở TPHCM với 7 triển lãm cá nhân (trong đó có triển lãm “Biến Họa Trường Thư” kỷ niệm 12 năm thư pháp Xuân Thành tổ chức tại Hội Mỹ Thuật TPHCM) và nhiều triển lãm thư pháp lớn cả nước (triển lãm kỷ niệm 1010 Thăng Long Hà Nội, triển lãm thư pháp tại Festival Huế, Festival biển Nha Trang, thư pháp 3 thế hệ tại Hội An năm 2019…). 
Ông đồ” 9x Võ Tuấn Xuân thành.
Ông đồ” 9x Võ Tuấn Xuân thành.
Học thư pháp từ năm 8 tuổi, đến nay bạn là một nghệ sĩ thư pháp trẻ có tên tuổi ở Sài Gòn, đâu là dấu ấn sáng tạo để tạo nên sự khác biệt cho bạn trong một lĩnh vực nhiều người theo đuổi?
- Theo cá nhân Thành tự đánh giá, điểm mạnh để tạo nên dấu ấn của bản thân trong lòng nhiều người mộ điệu chính là bản lĩnh trong tư duy sáng tạo, tìm tòi cái mới và luôn không ngừng học hỏi. Bản thân Thành luôn muốn tạo nên sự khác biệt và cá tính riêng của mình trong nghệ thuật, không ngại thử sức và thất bại. 
Là một người trẻ, bạn thích sự nghiêm cẩn, tuân theo quy tắc của một nghệ nhân, hay sự phá cách, ngẫu hứng của một nghệ sĩ?
- Thiết nghĩ, trong bất kỳ lĩnh vực nghệ thuật nào cũng vậy, việc cân bằng cả 2 yếu tố gìn giữ cái cũ và phát huy cái mới luôn luôn là yếu tố quan trọng. Đặc biệt trong nghệ thuật thư pháp, buộc lòng chúng ta phải tuân theo những quy tắc bất di bất dịch của nghệ thuật thư pháp truyền thống một cách nghiêm túc, song song đó, để phát triển một thế hệ thư pháp quốc ngữ còn mới mẻ, đòi hỏi người trẻ phải không ngừng tìm tòi, phá cách, sáng tạo nên những cách thức viết, đường nét, bố cục mới mà không đi ngược lại với những quy ước chuẩn mực ban đầu, thì khi đó, cá tính nghệ thuật trong mỗi một nghệ sĩ mới trở nên có giá trị! 
Chữ nào trong thư pháp viết khó nhất và chữ nào viết dễ nhất? Có chữ nào tưởng viết dễ mà khó không bạn?
- Thật ra, chữ khó viết nhất trong thư pháp chính là điều mà bản thân chúng ta chưa thực sự làm được hay chưa thực sự được trải nghiệm trong cuộc đời này. Bởi lẽ, Thư pháp là nghệ thuật viết chữ từ tâm thức của người dụng bút! Giả dụ như để viết được một chữ Hiếu tròn đầy, có thần khí thì buộc lòng, chúng ta phải là một người con có hiếu với cha mẹ của chúng ta trước đã! Hay bản thân là một người có tính khí nóng nảy, dễ nản chí thì khi cầm bút thảo chữ Nhẫn sẽ khó lòng viết ra được một chữ Nhẫn hội tụ được tâm, ý, khí và lực. Và có một điển hình rất dễ dàng nhất thấy, đó là chữ An! Thoạt nhìn chỉ với 2 ký tự “A” và “N” đơn giản nhưng nếu bản thân ta không cảm thấy được sự an tĩnh trong tâm thức thì khó có thể viết được một chữ An trọn vẹn thoát ra được cảm xúc và khí chất! 
Dịch bệnh đã tác động đến sáng tạo của Thành như thế nào? 
- Thời gian qua có thể nói là giai đoạn khó khăn nhất không chỉ với Thành mà là tất cả mọi người. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh tích cực mà nói, chính khoảng thời gian giãn cách xã hội này, đã cho Thành một khoảng trống trong cuộc mưu sinh để bản thân kịp nhìn lại những gì đã qua, chiêm nghiệm cuộc đời để lấy đó làm chất liệu cho vô vàn ý tưởng độc đáo, giúp Thành sáng tác nên những tác phẩm thư pháp ưng ý nhất, chuẩn bị cho những dự án trong tương lai! Chắc có lẽ, chữ “Bình An” sẽ là chữ mà theo Thành nghĩ, ai ai cũng mong muốn sở hữu không chỉ là trên mặt giấy với mực tàu mà còn là sự Bình An trong chính cuộc sống giữa thời dịch bệnh! 
Bạn còn là một ca sĩ tự do hay biểu diễn ở phòng trà. Có sự kết nối nào giữa âm nhạc và thư pháp không? Và bạn còn sở thích, đam mê gì khác?
- Thành thường kết hợp 2 bộ môn này vào những chương trình biểu diễn của mình. Ví dụ như tặng chữ ở những đêm nhạc, hay biểu diễn viết chữ trên nền ca khúc mình sẽ hát,v.v... nhằm đưa thư pháp đến gần hơn với khán giả, để thư pháp được xuất hiện nhiều hơn trong đời sống thưởng ngoạn nghệ thuật và giải trí của mọi người. Ngoài đam mê thư pháp, hội họa và âm nhạc thì Thành còn thích chụp ảnh, nuôi thú cưng như rùa, mèo… và sưu tập mô hình nữa! Cũng trẻ trung như bao bạn cùng trang lứa khác thôi! (Cười) 
Khát vọng của Xuân Thành là gì? Trong giấc mơ của bạn, 5 năm, 10 năm nữa sẽ là một Xuân Thành như thế nào?
- Khát vọng lớn nhất của Xuân Thành lúc này có lẽ là cầu mong cho dịch bệnh nhanh chóng qua đi để chúng ta được sống lại cuộc sống bình thường mới một cách đúng nghĩa. 
Còn xa hơn, thì có lẽ là mong rằng thư pháp Việt hệ chữ quốc ngữ trong tương lai sẽ sớm được công nhận là một phân môn nghệ thuật chính thống, có lý luận, có tổ chức nghiêm túc và có trường học hoặc trung tâm đào tạo chính quy dành riêng cho bộ môn này. 5 năm, 10 năm hay nhiều năm sau hơn nữa, mình vẫn mong Xuân Thành vẫn là Xuân Thành. Vẫn giữ được khí chất và bản lĩnh, cá tính nghệ thuật riêng biệt với nhiều thành tựu cống hiến cho nền thư pháp Việt Nam Quốc Ngữ hơn nữa! 
Với một người trẻ thì giá trị cuộc sống nào là quan trọng nhất?
- Theo quan điểm của Thành, với một người trẻ, giá trị quan trọng nhất trong cuộc sống chính là sự trải nghiệm và cống hiến. 
Cảm ơn Xuân Thành và chúc cho bạn luôn sống đầy đam mê với ngọn lửa trong tim.
VIỆT VĂN (THỰC HIỆN/LĐO)
https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/ong-do-9x-va-thu-phap-viet-he-chu-quoc-ngu-978731.ldo

Có thể bạn quan tâm