Phú Thiện: Chú trọng giáo dục vận động cho trẻ mầm non

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm giúp trẻ ở độ tuổi mầm non phát triển cơ thể một cách cân đối, từ đó thúc đẩy phát triển  trí não, thời gian qua, các đơn vị trường học trên địa bàn huyện Phú Thiện chú trọng công tác giáo dục vận động cho trẻ 3-6 tuổi, nhất là tại các trường vùng dân tộc thiểu số.
Chú trọng vận động cho trẻ
Chuyền bóng, mèo đuổi chuột, vượt chướng ngại vật, chinh phục độ cao... là những trò chơi vận động tập thể được các cháu nhỏ tại Trường Mẫu giáo Sơn Ca (xã Chrôh Pơnan) yêu thích, trở thành một trong những lý do khiến các cháu chăm chỉ đến trường. Là trường vùng khó khăn, khuôn viên trường lớp nhỏ hẹp, thiết bị dạy học thiếu thốn nhưng với sự nỗ lực của tập thể sư phạm, nhà trường đã quan tâm tôn tạo cảnh quan, quy hoạch thành nhiều khu trò chơi vận động cho trẻ từ những vật liệu sẵn có như: lốp xe, tre, nứa và nhiều phế phẩm khác.
Cô Trần Thị Mỹ Quyên-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: Chương trình giáo dục phù hợp bối cảnh địa phương được triển khai trong vài năm gần đây là cơ hội để nhà trường xây dựng phương pháp giáo dục chú trọng vận động cho trẻ. Theo đó, cùng với những hoạt động phát triển các kỹ năng xã hội khác, nhà trường luôn  khuyến khích trẻ tham gia vận động phát triển thể chất, đạt được nhiều kết quả trong công tác vận động trẻ 3-4 tuổi đến trường và duy trì sĩ số ở các lớp 5 tuổi, đặc biệt đối với hơn 53% học sinh dân tộc thiểu số.
Trẻ ở Trường Mẫu giáo Sơn ca vui chơi trong khu vận động ngoài trời. Ảnh: N.G
Trẻ ở Trường Mẫu giáo Sơn ca vui chơi trong khu vận động ngoài trời. Ảnh: N.G
Tại Trường Mẫu giáo Họa Mi (xã Ia Hiao), giáo dục vận động cho trẻ cũng rất được quan tâm. Khu vui chơi thể chất với cầu trượt, xích đu, cầu thang, bập bênh, khu vận động tinh với cát... được nhà trường ưu tiên bố trí dưới những bóng cây rợp mát giúp trẻ có thể vừa học vừa chơi bất kể giờ nào. Để tạo điều kiện cho trẻ được tham gia nhiều trò chơi vận động bổ ích, hấp dẫn, giáo viên phối hợp với phụ huynh thường xuyên làm đồ chơi ngoài trời cho trẻ bằng những vật liệu sẵn có. Nhờ đó, ngôi trường vùng sâu này đã duy trì được tỷ lệ chuyên cần của 290 học sinh ở độ tuổi 3-5, trong đó có 208 học sinh dân tộc thiểu số đạt gần 100%.
Ý nghĩa lớn, hiệu quả cao
Nhận định về hiệu quả trong phương pháp giáo dục chú trọng vận động cho trẻ, cô Rcom HDuit-giáo viên Trường Mẫu giáo Họa Mi-nói: “Khi được vận động nhiều, trẻ sẽ trở nên hoạt bát, từ đó tiếp thu nội dung học tập khác hiệu quả hơn. Đối với trẻ em dân tộc thiểu số, những vận động tập thể sẽ giúp các em dễ hòa đồng, dễ bắt chước sự nhanh nhẹn, khéo léo của bạn. Về lâu dài, sự học theo ấy sẽ trở thành kỹ năng của riêng các em. Bên cạnh đó, thông qua các nội dung học linh hoạt với những vật dụng, vật liệu quen thuộc, không gian học tập chủ yếu ngoài trời đã góp phần thu hút học sinh dân tộc thiểu số đến trường”.

Bà Nguyễn Thị Hoa-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Thiện: Chúng tôi thường xuyên tổ chức các hội thi như: xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, trò chơi dân gian, Aerobic bậc học mầm non... Qua đó nhằm góp phần phát triển thể chất và tinh thần của trẻ, giúp trẻ mầm non phát triển hài hòa về thể lực, trí lực và tâm lực; giảm thiểu nguy cơ béo phì và suy dinh dưỡng thấp còi. Bên cạnh đó, tuyên truyền tới các bậc phụ huynh về vai trò của giáo dục thể chất đối với sự phát triển của trẻ, từ đó có sự phối hợp với giáo viên hỗ trợ trẻ phát triển toàn diện...


Về phía phụ huynh, họ cũng dễ dàng nhận thấy sự thay đổi tích cực của con em mình. Chị Rơ Châm H'Mến (phụ huynh Trường Mẫu giáo Sơn Ca) chia sẻ: “Con gái tôi 5 tuổi đã được vào đội văn nghệ thiếu nhi của trường, của xã. Cháu nói chuyện bằng tiếng Việt rất rõ ràng và thường xuyên kể cho tôi nghe những gì học được ở trường. Cháu rất thích những trò chơi chung với các bạn như: ném bóng, mèo đuổi chuột”. Còn ông Trần Văn Hùng (phụ huynh Trường Mẫu giáo Họa Mi) thì cho rằng, nhờ thường xuyên hoạt động thể chất, cháu nội của ông đã ăn uống ngon miệng, tinh thần vui vẻ, hòa đồng với bạn bè cùng trang lứa.
Theo bà Trương Thị Kim Thái-chuyên viên bậc học mầm non (Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Thiện), 100% trường học, kể cả các nhóm lớp tư thục trên địa bàn huyện đã và đang tích cực triển khai chương trình giáo dục chú trọng vận động cho trẻ bằng nhiều hình thức phù hợp bối cảnh địa phương. “Bám sát sự chỉ đạo nội dung chương trình của Sở Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi tăng cường các hoạt động phát triển vận động, qua đó giúp trẻ phát triển các kỹ năng vận động thô (như: bò, chạy, trườn, trèo, bước dồn ngang, bật nhảy, ném  chuyền, bắt…) và kỹ năng vận động tinh (như: phối hợp các nhóm cơ nhỏ ở tay, chân, mắt, kỹ năng thăng bằng, kiểm soát cơ thể), qua đó giúp các bé có sức khỏe thể chất cũng như tinh thần tốt. Vì vậy, tạo điều kiện cho trẻ vận động chính là cho trẻ không gian để phát triển bản thân, thể hiện tính tự lập đang dần định hình ở lứa tuổi này”-bà Thái cho hay.  
NGUYỄN GIANG

Có thể bạn quan tâm