Phương pháp “phạt” trên được bắt đầu triển khai từ tháng 4.2023. Khi bị “phạt”, học sinh sẽ được yêu cầu lên thư viện, tìm một cuốn sách để đọc, sau đó viết lại cảm nhận của mình.
Những cuốn sách được nhà trường chọn khi học sinh bị “phạt” như: Hạt giống tâm hồn; Học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ; Người con hiếu thảo…
Tại sao từ “phạt” này lại để trong dấu ngoặc kép? Đơn giản là vì ai cũng hiểu, từ “phạt” này nó không như ý nghĩa thông thường, mà nó đang mang một giá trị rất lớn.
Chỉ cần nghe qua thôi, là ai cũng thấy thích thú với hình phạt này, vì nó mang giá trị nhân văn và giá trị giáo dục.
Bất cứ hình thức xử phạt nào được áp dụng trong nhà trường thì mục đích chính cũng là giáo dục học sinh. Vì vậy, hình “phạt” này sẽ khuyến khích và phát triển văn hoá đọc trong trường học, từ đó giúp các em học sinh biết cảm thụ những điều tốt đẹp từ những cuốn sách mang lại.
Giáo dục có nghĩa là phải làm những điều xấu trở nên tốt hơn, có nghĩa là khi học sinh vi phạm, bị phạt thì làm sao để các em nhận ra sai lầm của mình và không còn tái phạm.
Thực tế cho thấy, mặc dù bị “phạt”, nhưng các em rất thích thú với hình “phạt” này. Và cũng qua bị “phạt”, các em được trưởng thành hơn thông qua nền tảng nhận thức cùng tri thức.
Đối với giáo dục, cái gì tốt hơn cho học sinh thì hãy nên vận dụng và áp dụng, và hình “phạt” này là một cách như thế. Từ những sai phạm các em mắc phải trong quá trình học tập tại nhà trường, có thể dạy cho các em những điều tích cực hơn.
Trong bối cảnh “bạo lực học đường” đang gây nhức nhối, thì những biện pháp như Trường THPT Bùi Thị Xuân áp dụng sẽ mang lại tính hiệu quả sâu sắc. Những vi phạm sẽ được đẩy lùi bằng tình yêu thương, tình yêu cuộc sống, kỹ năng điều chỉnh hành vi. Tất cả bắt đầu từ việc đọc sách qua những hình “phạt” mang tính nhân văn và giáo dục như thế.
Không ai muốn phạm lỗi, muốn bị kỷ luật cả; và có ham đọc sách đến đâu đi nữa, cũng không học sinh nào muốn vi phạm để được… đọc sách. Cái cần là cho các em có được tư duy, khơi dậy niềm vui đọc sách, chịu khó đọc sách. Kỷ luật không phải là trừng phạt, mà là cơ hội để giáo dục các em được tốt hơn.
Cũng trong bối cảnh áp lực thành tích như hiện nay, việc học thêm chiếm hết thời gian các em học sinh nên việc đọc sách đôi khi thành thứ yếu. Vậy nên hình thức “phạt” này là phương pháp hữu hiệu nhằm khuyến khích và phát triển văn hóa đọc cho học sinh.
Và cũng nên chăng, không chỉ việc “phạt” đọc sách, mà còn phải khen thưởng đọc sách, tặng sách khi các em làm được nhiều việc tốt.
Đọc sách không chỉ là phạt, mà còn là thưởng.