Trước bối cảnh khó khăn hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật 3 kịch bản tăng trưởng GDP cả năm gồm 5%, 5,5% và 6%. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lựa chọn kịch bản tăng trưởng GDP cả năm khoảng 6% để tiếp tục phấn đấu đạt kết quả cao nhất có thể. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này là điều không hề dễ dàng. Theo tôi, kịch bản tăng trưởng phù hợp nhất của Việt Nam năm nay có thể khoảng 5%-5,5% - thấp hơn kỳ vọng của Chính phủ.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất siêu hơn 21,6 tỉ USD nhưng tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm. Nguyên nhân là do nhu cầu trên thị trường thế giới yếu đi, nhất là ở những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu... Cầu nội địa cũng suy giảm bởi nền kinh tế những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn. Dường như chưa khi nào nền kinh tế nước ta chịu tác động bất lợi từ cả diễn biến quốc tế lẫn tình hình trong nước như vậy.
Chưa hết, tăng trưởng tín dụng thấp cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế nước ta chưa cao. Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, giúp lãi suất cho vay giảm xuống. Thế nhưng, doanh nghiệp không có đầu ra nên không vay vốn tín dụng hoặc một bộ phận khác không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn mới. Như vậy, mũi tên giảm lãi suất chưa được bắn ra trúng đích. Cùng với tình hình doanh nghiệp giải thể còn ở mức cao, "sức khỏe" nhiều doanh nghiệp yếu đi, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% cả năm nay cũng là một thách thức.
Trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, để kích thích nền kinh tế tăng trưởng, cần thực hiện song song giải pháp tăng cầu nội địa và cầu ngoại thương. Trong đó, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ xúc tiến, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới hoặc giúp doanh nghiệp tháo gỡ rào cản để đưa hàng vào các thị trường trọng điểm.
Lĩnh vực sản xuất - kinh doanh được kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong dịp cuối năm song rất khó bù đắp mức tăng trưởng thấp của 3 quý trước. Do đó, cần động thái hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ phía các tổ chức tín dụng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn, thay vì phải có tài sản thế chấp.
Dù Ngân hàng Nhà nước yêu cầu không hạ chuẩn tín dụng nhưng ngân hàng thương mại có thể linh hoạt cho vay tín chấp dựa vào dòng tiền. Bởi lẽ, tài sản thế chấp của doanh nghiệp đang giảm mạnh giá trị do thị trường bất động sản đóng băng; nhiều doanh nghiệp có khoản vay hiện hữu trên sổ sách cao hơn giá trị thực của tài sản bảo đảm... Nếu không có giải pháp thực tế nhằm tháo gỡ vướng mắc này - chẳng hạn tăng cường vai trò của Quỹ Bảo lãnh tín dụng quốc gia với quy mô đủ lớn, sẽ rất khó vực doanh nghiệp dậy.
Liên quan chính sách tài khóa, Chính phủ có thể duy trì thuế suất thuế GTGT ở mức 8% hoặc giảm mạnh tay hơn xuống 5%, kéo dài đến hết năm 2024 để kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo Thái Phương ghi (NLĐO)