Thời sự - Bình luận

Công bằng thuế

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Đó là yêu cầu mà dư luận, người dân và doanh nghiệp đặt ra khi ngành thuế đẩy mạnh phạt, cưỡng chế đặc biệt là hoãn xuất cảnh với lãnh đạo doanh nghiệp nợ thuế.

Gần đây, ngành thuế liên tục công khai tên các lãnh đạo các doanh nghiệp nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh. Thậm chí, có đơn vị nợ chưa tới 1 triệu đồng, người đại diện ra đến sân bay vẫn phải quay lại như thường. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng mới yêu cầu tăng áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với cá nhân, đại diện doanh nghiệp (DN) nợ thuế bị cưỡng chế. Nghĩa là thời gian tới sẽ còn nhiều người rơi vào tình trạng này bởi khó khăn kéo dài mấy năm trời nên số đơn vị nợ thuế quá hạn đã tăng mạnh.

Về cơ bản, dư luận đồng tình các biện pháp vừa nêu, bởi nợ 1 triệu, 1 tỉ hay 100 tỉ đều là nợ, nghĩa vụ thuế quan trọng nhất là sự công bằng, không phân biệt nợ nhiều nợ ít.

Nhưng cũng chính vì thế, người dân, DN cũng đòi hỏi sự công bằng trong trường hợp cơ quan quản lý chậm hoàn thuế cho họ. Bởi trên thực tế, đang có sự thiếu công bằng trong nghĩa vụ và trách nhiệm liên quan đến thuế. Đơn cử DN nợ thuế thì bị tính lãi, cưỡng chế bằng cách bêu tên, ngừng sử dụng hóa đơn, hoãn xuất cảnh... thì chiều ngược lại, cơ quan quản lý hiếm, thậm chí rất hiếm khi phải chịu bất cứ hình thức xử phạt nào khi chậm hoàn thuế cho cá nhân, DN. Trong khi theo quy định hiện hành, nếu quá thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế mà việc chậm hoàn trả do lỗi của cơ quan quản lý thuế thì ngoài số tiền thuế phải hoàn trả, cơ quan quản lý thuế còn phải trả tiền lãi với mức 0,03%/ngày tính trên số tiền phải hoàn trả và số ngày chậm hoàn thuế.

Thế nhưng, bao năm qua, dù rất nhiều DN bị găm tiền hoàn thuế vì đủ các lý do thì hầu như chưa thấy đơn vị nào được trả lãi suất, chưa cơ quan thuế nào chịu phạt. Nên nhớ, việc bị găm tiền hoàn thuế vẫn, đã và đang khiến nhiều công ty rơi vào khó khăn, ngưng hoạt động, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản. Vấn đề này đã được nói nhiều lần, các kiến nghị đề xuất cơ quan thuế phải trả lãi chậm hoàn thuế cũng không ít thế nhưng luôn rơi vào im lặng. DN, cá nhân dù ấm ức, bức xúc nhưng trong tư thế nắm đằng lưỡi nên hoàn được thuế là mừng lắm rồi, không dám nghĩ tới lãi lờ hay công bằng.

Nhưng nếu cứ duy trì tình trạng thiếu công bằng, thiếu sòng phẳng như thế này không chỉ thiệt thòi các đối tượng nộp thuế, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh nói chung mà còn khiến các cơ quan thuế không có động lực để cải cách, nâng cao năng lực, nghĩa vụ, trách nhiệm trong thực thi công tác quản lý thuế.

Ở thời điểm hiện tại, rất nhiều DN trong ngành cao su, gỗ, thủy sản vẫn chưa được hoàn thuế dù kiến nghị cả năm, thậm chí 2 - 3 năm. Có đơn vị đã tạm ngưng hoạt động, có đơn vị hồ sơ trước chưa đi, hồ sơ sau không được xét... Vậy nên ngành thuế đẩy mạnh hoãn xuất cảnh với cá nhân, đại diện lãnh đạo DN nợ thuế thì cũng cần đẩy mạnh hoàn thuế cũng như áp dụng trả lãi, xử lý những đơn vị chậm hoàn trả tiền thuế cho cộng đồng DN. Thế mới công bằng và sòng phẳng trong nghĩa vụ và trách nhiệm liên quan đến thuế.

Có thể bạn quan tâm