Trong báo cáo "Khảo sát lương 2022: Thực trạng thu nhập và kỳ vọng của người lao động" vừa được Navigos công bố, khảo sát từ hơn 6.800 ứng viên đang làm việc chủ yếu trong 27 ngành nghề khác nhau, có những thông tin đáng chú ý, phản ánh sâu sát hiện thực cuộc sống.
Chẳng hạn có đến 57,59% người tham gia cho biết họ đã không đề xuất tăng lương trong năm 2021 do tình hình dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến tình hình kinh doanh, trong khi 11,59% đã đề xuất tăng lương nhưng không thành công và gần 28% đã thành công trong việc đề xuất tăng lương. Đây cũng là thông tin cho thấy thiện chí đóng góp xây dựng doanh nghiệp (DN) của người lao động (NLĐ). Họ sẵn sàng đồng cam cộng khổ, san sẻ khó khăn, tạm quên quyền lợi riêng vì sự tồn tại, phát triển của DN.
Trong 10 phúc lợi hàng đầu, ngoài lương tháng 13 được xem là phúc lợi cao nhất, thì thứ tự ưu tiên 2 và 3 thuộc về sức khỏe (phúc lợi về sức khỏe, y tế và chương trình chăm sóc sức khỏe). Bên cạnh đó là thời gian, chế độ làm việc linh hoạt, cơ hội học tập và làm việc ở nước ngoài được quan tâm nhiều.
Những yếu tố này chứng tỏ mối quan tâm về sức khỏe, môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến đã ngày càng trở thành những vấn đề thiết thân. Những tác động của đại dịch Covid-19 lên đời sống thể chất, tinh thần của NLĐ ngày càng sâu sắc. Hơn bao giờ hết, sức khỏe, tính mạng trở thành mối quan tâm hàng đầu, nhất là những ngày cao điểm của biến chủng Delta hoành hành, gây tai ương cho nhân loại. Làm việc tại nhà trở thành một phương cách, loại hình phù hợp, từ đó linh hoạt về thời gian làm việc là một nhu cầu.
Đây cũng là những kỳ vọng và mong ước chung của đông đảo lao động xã hội. Bên ngoài khảo sát này, khi nhìn vào thực tế ở những DN lớn, có bề dày truyền thống, sẽ thấy NLĐ không chỉ được bảo đảm việc làm, thu nhập mà nhiều phúc lợi khác còn được chăm lo rất tốt qua thỏa ước lao động tập thể, qua hợp đồng lao động. Khoản thưởng Tết (âm lịch và dương lịch), chế độ tham quan nghỉ dưỡng trong nước và nước ngoài, khám sức khỏe định kỳ, các khoản thưởng những ngày lễ, ngày kỷ niệm... cùng những chăm lo khác thì quyền lợi và phúc lợi NLĐ được hưởng còn cao hơn nhiều NLĐ làm việc trong những tập đoàn đa quốc gia.
Ở những DN đang trên đường phát triển, khẳng định vị thế trên thương trường, phúc lợi và môi trường làm việc cũng là yếu tố cạnh tranh bên cạnh mức lương tương xứng trả cho NLĐ. Những NLĐ có năng lực chuyên môn, kỹ năng tốt, làm việc giỏi, đóng góp nhiều cho sự phát triển của DN thì việc được đãi ngộ bằng quyền lợi vật chất, tinh thần là đương nhiên. Những đãi ngộ này cũng nhằm giữ chân lao động giỏi ở lại với DN, không để "chảy máu chất xám" sang đơn vị khác.
Để giữ quan hệ lao động lành mạnh, lâu dài, thiện chí luôn đến từ hai phía; cả hai cùng mục tiêu là xây dựng, phát triển đơn vị. NLĐ không chỉ biết đòi hỏi mà phải nỗ lực làm việc, cống hiến; đáp lại DN phải tạo điều kiện, chăm sóc bằng phúc lợi tốt hơn để giữ chân NLĐ. Điều lớn lao khác cần nói đến là tình người, mối quan hệ đối xử với nhau trân trọng, có văn hóa, luôn bền chặt hơn cả những khoản lương cao, bổng nhiều mà thiếu tình người.
Theo HIỀN MINH (NLĐO)