Sáng kiến quấn cỏ nhựa lên cột điện, trụ đèn ở quận 5, TP HCM đang khiến dư luận chú ý thì ngày 22-9 đã được tháo ra. Nhiều người lo ngại những cột điện, trụ đèn này sớm muộn gì cũng trở thành nơi dán quảng cáo, rao vặt.
Theo cơ quan chức năng địa phương, sau 4 năm triển khai từ ý tưởng của Ủy ban MTTQ quận 5, việc quấn cỏ nhựa đã hạn chế phần nào tình trạng dán rao vặt, quảng cáo nhếch nhác lên cột điện, trụ đèn. Song, những người kém ý thức đã tìm cách dán chồng rao vặt, quảng cáo lên lớp cỏ nhựa. Không đạt hiệu quả như mong muốn nên cách thức này không thể nhân rộng và nay tạm ngưng để "chờ giải pháp cuối cùng từ chính quyền địa phương trong việc xử lý mạnh tay các đối tượng dán quảng cáo rác".
Quảng cáo, rao vặt tùy tiện ở đô thị ban đầu tưởng chừng là… chuyện vặt. Thế nhưng, qua một thời gian ngắn, "mô hình" này phát triển nhanh chóng. Tuy không gây hậu quả nghiêm trọng nhưng nó đã bôi bẩn bộ mặt đô thị, làm nhếch nhác không gian công cộng mà các cơ quan chức năng và người dân mất rất nhiều công sức, tiền bạc xây dựng, tu bổ.
Không bức xúc sao được khi cột điện, trụ đèn trên đường phố sạch đẹp bên cạnh công viên xanh tươi lại xuất hiện hàng loạt quảng cáo "bán đất mặt đường chính chủ", "rượu đế nhà nấu", "cho thuê phòng trọ"… Nhiều tuyến đường khang trang nhưng cột điện, trụ đèn thì nhan nhản "trĩ nặng cần chữa gấp", "rút hầm cầu", "yếu sinh lý"…
Khôi hài hơn, một phòng khám tim mạch khang trang vừa khai trương ở quận 4, TP HCM thì hôm sau, trên bức tường trắng tinh đã xuất hiện bảng rao vặt "triệt lông vĩnh viễn", "trị hôi nách bằng thuốc gia truyền"… Bà Tuệ Lan, giám đốc phòng khám, cho biết bà bị sốc khi chứng kiến cảnh này.
Quảng cáo, rao vặt bôi bẩn không gian công cộng ở nhiều nơi. Ảnh: HOÀNG TRIỀU |
"Đến phòng khám, tôi chưa dằn được bức xúc thì có người vào hỏi: "Ở đây trị hôi nách hả? Thấy có quảng cáo phía trước". Tốn cả chục tỉ đồng mở phòng khám chuyên khoa, khi nghe khách hàng hỏi vậy, tôi dở khóc dở cười" - bà Lan ngao ngán.
Tình trạng này diễn ra khắp các đô thị trên cả nước chứ không riêng TP HCM. Tại TP HCM, ngoài việc vận động người dân tham gia ngăn chặn các đối tượng quảng cáo, rao vặt bôi bẩn, cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần xử phạt hành chính, buộc gỡ toàn bộ, dọn rửa sạch sẽ nơi đã dán. Nhưng xem ra, lực lượng này khá đông, thường dán rao vặt, quảng cáo vào những giờ rất khuya, địa bàn lại quá rộng nên cơ quan chức năng khó xử lý triệt để.
Tại Đà Nẵng, trước tình trạng quảng cáo nhếch nhác, chính quyền địa phương từng cho lắp đặt 100 bảng lớn tại các khu dân cư để dành cho những người có nhu cầu rao vặt. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng tăng cường xử phạt, kêu gọi người dân chung tay ngăn chặn. Các số điện thoại nóng cũng được phổ biến đến người dân để kịp thời phản ánh việc dán quảng cáo, rao vặt trái phép.
Các biện pháp trên đã phát huy tác dụng được một thời gian rồi tình trạng quảng cáo, rao vặt trên trụ đèn, cột điện, tường nhà vẫn tái diễn. Người dân rất bức xúc nên tại kỳ họp thứ 7, HĐND TP Đà Nẵng khóa X (năm 2022), các đại biểu một lần nữa chất vấn giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao. Lãnh đạo sở hứa và đưa ra lộ trình xử lý nhưng hơn 1 năm qua, tình trạng quảng cáo, rao vặt bôi bẩn vẫn chưa giảm.
Trong khi đó, có một nơi có cách xử lý khá hiệu quả, đó là TP Đà Lạt. Từ năm 2022, UBND TP Đà Lạt có văn bản đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ khóa 2 chiều đối với hơn 200 thuê bao điện thoại quảng cáo, rao vặt trái quy định. Những thuê bao này đã được Phòng Văn hóa - Thông tin kiểm tra, xác minh là thực hiện các dịch vụ quảng cáo, rao vặt.
Biện pháp nêu trên khá hiệu quả và đã có nhiều địa phương thực hiện. Tuy nhiên, sau đó một thời gian, do không được duy trì nên quảng cáo, rao vặt trái phép tiếp tục lộng hành.