Với thành tích đồ sộ nhưng những anh chàng điển trai, “siêu” giỏi không dám nhận mình là người tài năng mà chỉ thừa năng lượng. Nguồn năng lượng đó giúp họ gặt hái nhiều thành công và làm được nhiều điều ý nghĩa cho cộng đồng.
Những chia sẻ của 4 chàng điển trai, “siêu” giỏi ấy trong chương trình giao lưu trực tuyến các ứng viên Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2021 diễn ra vào sáng 25.2 khiến nhiều bạn trẻ như muốn “rụng tim”. Một bạn đọc có tài khoản tên Lan Hoàng đã gửi bình luận: “Mấy anh giỏi quá, như là siêu nhân ở đời thực. Gửi thật nhiều yêu thương”.
Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu là phần thưởng cao quý của T.Ư Đoàn, nhằm tôn vinh những bạn trẻ tiêu biểu, dưới 35 tuổi, có thành tích xuất sắc và tạo sự lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng.
Luôn luôn thử và sửa đổi phương pháp học
Ở tuổi 19, Đồng Ngọc Hà, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, đã có bảng thành tích đồ sộ: HCV Olympic Y học quốc tế năm 2021; Giải xuất sắc trong kỳ thi dự án nghiên cứu nhóm quốc tế; Huân chương Lao động hạng ba ghi nhận thành tích xuất sắc trong kỳ thi Olympic quốc tế 2020… Thế nhưng mở đầu chương trình giao lưu, Hà cho rằng thành tích này cũng khá khiêm tốn so với các anh chị khác, và không dám nhận mình là người tài năng hay quá giỏi giang.
“Nhưng mình có thừa một thứ, đó là thừa năng lượng, cả trong việc học và các hoạt động xã hội”, chàng sinh viên điển trai hài hước chia sẻ.
Nhiều người cứ lầm tưởng với thành tích đáng nể như vậy thì ắt hẳn chàng sinh viên này suốt ngày cặm cụi “dùi mài kinh sử”, nhưng thực tế thì ngoài việc học và nghiên cứu, Hà còn tham gia rất nhiều hoạt động cộng đồng.
Các ứng viên Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu. Từ trái sang: Đồng Ngọc Hà, Hồ Xuân Vinh, Trương Thanh Tùng, Vũ Gia Luyện. Ảnh: NVCC |
Hà thành lập và tổ chức dự án phi lợi nhuận Biology For All Vietnam đã hợp tác với 23 trường THPT chuyên trên toàn quốc, nhằm bồi dưỡng miễn phí các em học sinh giỏi. Nhiều em trong số đó đến từ các miền quê nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, đã gặt hái được nhiều thành công, có em còn được đi du học…
Với khối lượng công việc học tập và các hoạt động xã hội nhiều như vậy, Hà làm thế nào để cân bằng được và bí quyết thành công là gì? Anh chàng chia sẻ: “Mình tham gia rất nhiều hoạt động từ hồi học THPT nhưng không thấy quá tải, vì khi làm bất cứ việc gì mình luôn dành trọn tình yêu và đam mê vào đó, nên ít khi cảm thấy áp lực” và “bật mí”: “Bản thân mình rất ít khi giới hạn trong một vài quy tắc, vì thế theo mình mỗi người nên tự hình thành những phương pháp riêng và không nên cố định, mà thử những phương pháp mới, phương pháp nào phù hợp thì áp dụng. Bí quyết của mình là luôn luôn thử và sửa đổi phương pháp học, nghiên cứu”.
Những nghiên cứu nhiều ý nghĩa
Được đề cử ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học, anh Trương Thanh Tùng, giảng viên, Trưởng nhóm nghiên cứu thuốc mới, thuộc Khoa dược, Trường ĐH Phenikaa (Hà Nội), nổi bật với công trình nghiên cứu về phương pháp tổng hợp thuốc xanh, bảo vệ môi trường.
Nói rõ hơn về công trình này, anh Tùng cho biết để có được những viên thuốc chúng ta sử dụng thì phải trải qua quá trình tổng hợp hóa học và tổng hợp hữu cơ, mà thông thường quá trình tổng hợp đó các nhà sản xuất phải sử dụng các loại dung môi hữu cơ, các hóa chất độc hại. Các chất này có thể gây ung thư, ảnh hưởng đến môi trường sống. Không những thế, khi các nhà máy sử dụng những dung môi đó thì phải tốn rất nhiều chi phí để xử lý chất thải ra môi trường, nên phải tăng giá bán thuốc.
“Phương pháp tổng hợp thuốc xanh là phương pháp không sử dụng dung môi hữu cơ, các hóa chất độc hại mà sử dụng 100% môi trường nước. Môi trường nước sau khi đã tổng hợp được thuốc thì cũng rất dễ xử lý, vừa an toàn cho người sử dụng vừa giảm giá thành, đem lại lợi ích lớn cho người dân”, anh Tùng chia sẻ.
Ngoài công trình này, trong năm 2021, công trình về phát triển các chất thay thế kháng sinh mới của anh Tùng và nhóm nghiên cứu cũng mang lại nhiều ý nghĩa thực tiễn.
Theo anh Tùng, ở Việt Nam trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, nhiều người mua và sử dụng kháng sinh rất nhiều, bừa bãi, dẫn đến việc kháng kháng sinh rất nguy hiểm. Anh nêu dẫn chứng có khi chỉ bị đứt tay thôi và nhiễm phải một loại vi khuẩn nào đó mà chúng ta không có kháng sinh nào để điều trị thì dễ gây nhiễm trùng máu và tử vong rất nhanh.
“Nghiên cứu của mình tìm ra được chất mới có thể thay thế kháng sinh, sẽ không kháng chéo với kháng sinh. Hoặc những kháng sinh đã bị kháng rồi khi kết hợp với thuốc của mình thì có thể tạo lại kháng sinh đó. Nghiên cứu này giúp cứu được những người bệnh đang kháng hết các loại kháng sinh, nhất là những người bị suy giảm miễn dịch…”, anh Tùng chia sẻ.
Luôn hướng đến cộng đồng
4 chàng trai trong 20 đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021 tại buổi giao lưu đều có chung một vẻ đẹp, không chỉ là ngoại hình, tài năng mà còn mang trái tim nhân ái, luôn hướng đến lợi ích cộng đồng.
Là Giám đốc điều hành Công ty CP Giải pháp công nghệ quốc tế ITS, Công ty CP Phát triển thương hiệu Việt Nam BDS chuyên về công nghệ, dẫu trong dịch cũng gặp nhiều thử thách nhưng khi chứng kiến khó khăn chung của toàn xã hội, anh Vũ Gia Luyện đã lập tức cùng đội ngũ của mình tích cực triển khai những giải pháp công nghệ để cho ra đời nhiều sản phẩm ứng dụng hữu ích.
“Chúng tôi tham gia các chương trình hỗ trợ xã hội, cung cấp giải pháp tổng đài tự động phục vụ chống dịch cùng ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, thực hiện hàng triệu cuộc gọi tự động tới các F0, F1… để thực hiện truy vết và khảo sát sức khỏe. Đây cũng là chương trình rất ý nghĩa mà chúng tôi tham gia ngay từ đầu, sử dụng 70% nguồn lực của công ty để hướng đến cộng đồng và xã hội”, anh Luyện kể.
Hay như câu chuyện của anh Hồ Xuân Vinh, Phó giám đốc Công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu, Giám đốc Công ty TNHH ABACA Việt Nam, chuyên nghiên cứu phát triển các sáng chế về máy móc thiết bị phục vụ nông nghiệp, cũng như đời sống bà con nông dân ở vùng quê của mình. “Đó là những sáng chế trong ngành vật liệu xây dựng không nung, nhất là những dòng máy đúc gạch không nung. Những sáng chế do mình phát triển đều xuất phát từ nhu cầu thực tế của bà con nông dân, cũng như tận dụng những nguyên liệu sẵn có, rẻ tiền. Riêng đối với loại gạch không nung sẽ thay thế cho loại gạch đốt lò truyền thống, từ đó giảm được chất đốt gây ô nhiễm môi trường. Đó cũng là lý do mình đã được Ngân hàng Thế giới chọn làm chủ nhiệm dự án về sáng tạo ứng phó biến đổi khí hậu năm 2017”, anh Vinh cho biết.
Bên cạnh đó, anh Vinh còn ứng dụng công nghệ để phát triển ngành sợi chuối tại Việt Nam. Sợi chuối này có thể ứng dụng vào nhiều ngành khác nhau như may mặc, thủ công mỹ nghệ, thời trang…, tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp, giúp bà con có thêm công việc và thu nhập.
Anh Vinh, cũng như các ứng viên khác, khi được hỏi nếu trở thành một trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm nay sẽ có những dự định gì, đều cho rằng sẽ luôn hướng đến cộng đồng.
“Nếu trở thành một trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu, mình sẽ không chỉ sống cho bản thân mà còn sống cho cả cộng đồng và là một điển hình của giới trẻ. Nhưng giả sử nếu không được, thì mình vẫn luôn tiếp tục phát triển công việc hiện tại để duy trì công ăn việc làm cho bà con nông dân, gắn bó và phát triển kinh tế cho vùng nông thôn, cũng như mong muốn thanh niên nông thôn ly nông nhưng không ly hương”, anh Vinh tâm sự.
Theo Nữ Vương (TNO)