Sài Gòn giãn cách nhưng không... xa cách: Mọi người yêu thương đùm bọc lẫn nhau

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sài Gòn đáng yêu, mọi người yêu thương đùm bọc lẫn nhau, khi “bị ốm”, giãn cách xã hội vì Covid-19, nhưng bao người vẫn đang san sẻ cho nhau, cùng nhau vượt qua lúc gian nan.
 
Vợ chồng chị Nhi nấu chè gửi tặng các bác sĩ, nhân viên y tế những ngày thành phố giãn cách xã hội. Ảnh: NVCC
Vợ chồng chị Nhi nấu chè gửi tặng các bác sĩ, nhân viên y tế những ngày thành phố giãn cách xã hội. Ảnh: NVCC
Vợ chồng nấu chè tặng nhân viên y tế
Sáng 9.7, ngày đầu tiên TP.HCM giãn cách xã hội toàn thành phố, việc mua bán đồ ăn mang về cũng phải dừng hoàn toàn. Quán chè phải đóng cửa, nhân viên cũng phải nghỉ việc, nhưng vợ chồng chị Lương Thị Nhi (31 tuổi) và anh Lê Văn Quang (34 tuổi), chủ quán chè bưởi Mẹ Siêu Nhân (đường Chu Văn An, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), không có thời gian để lo lắng. Chị Nhi kết nối với những người bạn của mình, hỏi đầu mối từ các trung tâm y tế, bệnh viện để gửi các món chè, bánh, tiếp sức cho các chiến sĩ áo trắng ngày đêm chống dịch. 
 
Chuyển chè đến trung tâm y tế. Ảnh: NVCC
Chuyển chè đến trung tâm y tế. Ảnh: NVCC
Vừa hỏi được nơi nhận, hai vợ chồng bắt tay nấu chè. Cô bé nhân viên đang “mắc kẹt” ở lại Sài Gòn do giãn cách xã hội cũng phụ nấu, đóng gói. Chiều 9.6, hơn 90 phần vừa chè sâm bổ lượng, chè khoai dẻo, bánh flan đã lên đường, anh Quang chở tới Trung tâm y tế Q.Bình Thạnh…
Sáng sớm 10.7, 100 phần chè bưởi, chè khoai dẻo do vợ chồng chị Nhi nấu đã chuyển tới tay tặng các y bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Quân y 175, Q.Gò Vấp. Đến chiều, hai vợ chồng lại hối hả với khoai, cùi bưởi, chuẩn bị cho những phần chè ngày hôm sau nữa gửi tặng các bác sĩ đang điều trị các ca F0 chưa có diễn biến nặng tại khu tái định cư Q.12. Vợ chồng chị Nhi cho hay họ sẽ tiếp tục nấu chè tặng lực lượng y tế trong suốt 15 ngày giãn cách.
 
 
“Khi tôi gọi điện tới, các bác sĩ nói muốn xin được gửi tặng chè, có bác nói dí dỏm mà thương lắm: từ lúc chống dịch đến giờ chưa được ăn chè. Hay có những nhân viên y tế ăn chè xong nhắn tin cảm ơn: chúng em đang mệt được ăn ly chè tỉnh người để lấy sức làm việc tiếp càng khiến tôi rưng rưng”, chị Nhi bộc bạch.
Không chỉ tặng chè cho các chiến sĩ áo trắng chống dịch, hôm trước khi đi ngang chốt trực ở Cầu Bông, vợ chồng chị Nhi thấy các anh trực ở đó vất vả đã tặng mọi người mấy ly, ai cũng mừng vui cảm ơn. Thế là tối đó, hai vợ chồng làm thêm 30 phần chè sâm bổ lượng mang tới gửi các anh ở các chốt trực Q.Bình Thạnh.
Những hộp cơm chay ấm áp tình người
Những ngày đầu tiên Sài Gòn giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16, nhóm Thiện nguyện tuổi trẻ của Nguyễn Thanh Tâm (25 tuổi), vừa tốt nghiệp sư phạm âm nhạc, Học viện âm nhạc TP.HCM, và những người bạn Pháp Minh (22 tuổi), Hoa Tâm (30 tuổi) đã gửi tặng hàng chục phần quà nhu yếu phẩm như gạo, dầu ăn, nước mắm, trứng… tới những người có hoàn cảnh khó khăn tại Q.6.
Sáng 10.7, Thanh Tâm cũng là tình nguyện viên chạy nhiều chuyến xe tới chùa Phổ Minh (P.9, Q.8) để nhận những phần rau miễn phí của nhà chùa tặng, rồi mang về chia cho những bà con không có việc làm, không có thu nhập trong dịch này ở Q.6.
 
Nhóm anh Nguyễn Thanh Tâm nấu cơm gửi tặng bà con khó khăn trong giãn cách xã hội. Ảnh: NVCC
Nhóm anh Nguyễn Thanh Tâm nấu cơm gửi tặng bà con khó khăn trong giãn cách xã hội. Ảnh: NVCC
Còn trước đó, 23 ngày liên tiếp khi Sài Gòn giãn cách theo Chỉ thị 10, Chỉ thị 15, những người trẻ này đã đi chợ, nấu nướng, giao hàng ngàn phần cơm chay thơm ngon gửi những cô bác bán vé số, chạy xe ôm, giao hàng… trong khắp thành phố.
“Ban đầu chúng tôi tùy tâm đóng góp để nấu cơm, hy vọng giúp được ai đó thêm một phần cơm chay cũng quý trong lúc dịch bệnh. Nhưng sau đó, nhiều người cùng chung tay, người góp tiền, người góp sức nên chúng tôi nấu cơm liên tiếp được tới 23 ngày, trung bình mỗi ngày phát 200 phần cơm, có ngày phát được tới 400 - 600 phần cơm”, Thanh Tâm kể.
Tình người như hương hoa thơm
Sài Gòn giãn cách nhưng không cách lòng, mọi người đùm bọc, chia sớt nhau từng hộp cơm, quả trứng, ly chè. Anh Nguyễn Thanh Tâm xúc động: “Tôi sống ở Sài Gòn 6 năm, TP này cho tôi trưởng thành, sự nghiệp và tinh thần hào sảng, tương thân tương ái. Điều tuyệt vời nhất là tình người như hương hoa thơm, cứ lan tỏa, người này giúp người kia. Để người kia khi có điều kiện lại tiếp tục giúp đỡ những người gian khó khác. Như chính chúng tôi, ban đầu nghĩ mình chỉ nấu vài trăm phần cơm chay tặng người nghèo, nhưng sau đó những người không quen biết chạy tới cùng ủng hộ để nấu thêm hàng ngàn phần cơm nữa”.
Còn chị Lương Thị Nhi, chủ tiệm chè bưởi nấu chè ủng hộ các bác sĩ chống dịch, khiêm tốn nói chị chỉ là một trong bao nhiêu người đang ngày đêm nấu cơm, cháo, tặng đồ ăn, thực phẩm, góp sức cùng Sài Gòn chống dịch. Như hôm qua, biết chị đi tặng chè cho bác sĩ, một chị chưa từng quen biết đã nói chị có tiệm cà phê, xin đi cùng chị Nhi để tặng những phần cà phê mát lạnh tới các bác sĩ tuyến đầu. Sài Gòn giãn cách nhưng không... xa cách. Tình người vẫn nở hoa ở thành phố này, để sự bao dung, chia sẻ với nhau luôn ngát hương thơm…
Theo Thúy Hằng (TNO)

Có thể bạn quan tâm