Sáng tạo từ... phế liệu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ những vật liệu bỏ đi như vỏ chai nước, bánh xe, thùng xốp, dây diện… nhiều học sinh đã sáng tạo, tái chế thành những vật dụng hữu ích phục vụ việc học tập, vui chơi. Càng ý nghĩa hơn khi đây là những hoạt động chung tay chống rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường.

 

Trường THPT chuyên Hùng Vương là một trong những đơn vị đi đầu trong việc tạo điều kiện để phát huy sự sáng tạo của học sinh. “Nhà trường luôn khuyến khích các em sáng tạo, nghiên cứu, đặc biệt là sử dụng những vật liệu bỏ đi nhằm giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường. Khi học sinh có ý tưởng, nhà trường sẽ cử giáo viên hướng dẫn, hỗ trợ các em để biến ý tưởng thành hiện thực”-cô Mai Thị Vui-Phó Hiệu trưởng nhà trường-cho biết.

 Sản phẩm xe đạp tập thể dục chuyển hóa cơ năng thành điện năng tích hợp máy đánh giá tình trạng sức khỏe của nhóm tác giả Nguyễn Nhật Hoàng và Nguyễn Thị Mai Anh (Trường THPT chuyên Hùng Vương). Ảnh: P.L
Sản phẩm xe đạp tập thể dục chuyển hóa cơ năng thành điện năng tích hợp máy đánh giá tình trạng sức khỏe của nhóm tác giả Nguyễn Nhật Hoàng và Nguyễn Thị Mai Anh (Trường THPT chuyên Hùng Vương). Ảnh: P.L



Một trong những nghiên cứu được đánh giá cao bởi tính khả thi là “Sử dụng nguồn nguyên liệu phế thải để thiết kế xe đạp tập thể dục chuyển hóa cơ năng thành điện năng tích hợp máy đánh giá tình trạng sức khỏe” của nhóm tác giả Nguyễn Nhật Hoàng và Nguyễn Thị Mai Anh (lớp 10C4). Nhật Hoàng và Mai Anh chia sẻ về ý tưởng của mình như sau: Thấy những chiếc xe đạp tập thể dục ở công viên hay trong phòng tập chỉ có tác dụng chính là rèn luyện sức khỏe chứ chưa tận dụng được nguồn cơ năng quay của chiếc xe vào mục đích khác, 2 em đã lên ý tưởng sáng tạo ra chiếc xe tương tự nhưng có thêm công dụng chuyển hóa cơ năng thành điện năng. Cả 2 tìm mua các vật liệu như: thép hộp đen, máy phát điện 1 chiều, linh kiện điện tử, cảm biến, bình ắc quy khô… từ nhiều cơ sở phế liệu với giá khoảng 2 triệu đồng. Để hoàn thành sản phẩm, Nhật Hoàng và Mai Anh phải mất hơn 2 tháng lắp ráp dưới sự hướng dẫn của giáo viên môn Vật lý. Khi sử dụng, hoạt động đạp xe sẽ chuyển hóa cơ năng thành điện năng sạch, đủ để thắp sáng một bóng đèn 25 W hoặc sạc bình ắc quy.

Điểm đặc biệt của sản phẩm này là có thể đo các thông số sinh lý như nhịp tim, thân nhiệt, tốc độ đạp xe của người sử dụng qua một phần mềm được cài đặt ở xe. Sản phẩm này cũng có thể tùy chỉnh kích thước sao cho phù hợp với nhu cầu của người sử dụng. “Những chiếc xe tập thể dục ở trong phòng tập có giá bán khá cao, còn sản phẩm của chúng em thu mua từ đồ cũ nên giá thấp, phù hợp với khả năng chi tiêu của nhiều người. Tuy nhiên, mẫu mã sản phẩm vẫn chưa được đẹp mắt”-Nhật Hoàng cho biết.

Nhờ sự cổ vũ tinh thần của thầy cô, các em học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương còn chủ động lên ý tưởng và vận dụng kiến thức để sáng tạo các đồ dùng học tập từ phế thải như mô hình “Biểu diễn đường đi của thức ăn trong hệ tiêu hóa” (nhóm học sinh Đào Thị Thùy Trang, Huỳnh Diệp Mỹ Phụng, Lê Nhật Minh). Ngoài ra, nhóm học sinh này còn biến các chai nhựa, lon nước, ống hút nhựa thành túi xách thời trang, ví đựng tiền, vòng đeo tay, bình hoa. “Khi hoàn thành sản phẩm, chúng em khảo sát ý kiến của các bạn cùng trường và người dân thông qua phiếu trắc nghiệm và đều nhận được sự ủng hộ, tán thành. Qua những sản phẩm này, chúng em muốn gửi gắm thông điệp “Mọi người hãy hạn chế sử dụng rác thải nhựa và tái sử dụng để tạo ra những sản phẩm hữu ích, góp phần bảo vệ môi trường sống của chúng ta”-Trang chia sẻ.

2Từ vật liệu tái chế, nhóm học sinh Đào Thị Thùy Trang, Huỳnh Diệp Mỹ Phụng, Lê Nhật Minh đã sáng tạo mô hình học tập “Biểu diễn đường đi của thức ăn trong hệ tiêu hóa”
Từ vật liệu tái chế, nhóm học sinh Đào Thị Thùy Trang, Huỳnh Diệp Mỹ Phụng, Lê Nhật Minh đã sáng tạo mô hình học tập “Biểu diễn đường đi của thức ăn trong hệ tiêu hóa”. Ảnh: P.L


Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh: Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức đã thu hút đông đảo học sinh trên địa bàn tỉnh tham gia. Qua những sản phẩm từ vật liệu tái chế, các em đã thể hiện đam mê nghiên cứu khoa học, sự khéo léo, khả năng làm việc nhóm để sáng tạo những vật dụng hữu ích phục vụ việc học tập, vui chơi. Điều này đã góp phần nâng cao ý thức của mọi người trong việc giảm thiểu rác thải, góp phần bảo vệ môi trường.
 

Cũng tái chế vật liệu bỏ đi thành mô hình học tập “Cấu trúc ty thể ứng dụng trong dạy và học môn Sinh học” là sáng tạo của nhóm học sinh Nguyễn Bá Trường Thành, Nguyễn Duy Anh, Lê Công Tuấn (lớp 10A7, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Chư Sê). Mô hình làm từ những vật dụng như: xốp, que xiên thịt, thùng nước rỗng, dây điện, hạt xốp, đèn led. “Để làm mô hình này chỉ cần 159.000 đồng. Các bạn học sinh có thể tự thiết kế, sử dụng vật liệu phế thải để phục vụ việc học tập, tiếp thu các kiến thức về cấu trúc ty thể của con người một cách trực quan nhất”-Thành cho hay.

Thời gian qua, phong trào sáng tạo từ vật liệu tái chế đã tạo được sự thích thú, say mê cho nhiều học sinh. Có thể kể thêm một số sản phẩm như: mô hình học tập quá trình nguyên phân bằng nguyên liệu phế thải (nhóm học sinh Phan Thị Huyền Vy, Bùi Minh Thy của Trường THPT chuyên Hùng Vương); chế phẩm xua muỗi truyền bệnh từ các phế thải (nhóm học sinh Đinh Nguyễn Yến Vi, Phạm Lê Ngọc Hân của Trường THPT chuyên Hùng Vương); mô hình học tập sự giảm phân (nhóm học sinh Lê Nhật Minh, Phan Lê Khánh Dương, Phan Lê Thùy Trang của Trường THCS Nguyễn Du, TP. Pleiku)… Những sản phẩm này khi tham gia cuộc thi Sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh đều đạt giải, được Hội đồng giám khảo đánh giá cao.

 THỦY BÌNH

Có thể bạn quan tâm