Sinh viên chế tạo máy lọc không khí giảm ô nhiễm môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với sản phẩm máy lọc không khí, các bạn trẻ nhóm Air Mask đã giành giải nhất cuộc thi Bách khoa Innovation 2020. Cuộc thi do Trường ĐH Bách khoa TP.HCM tổ chức.
Máy lọc không khí do các bạn sinh viên sáng tạo Ảnh: TẤN ĐẠT
Máy lọc không khí do các bạn sinh viên sáng tạo Ảnh: TẤN ĐẠT

Giới thiệu thêm công năng của máy lọc không khí, Trần Phi Long, SV ngành Kỹ thuật giao thông, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM (trưởng nhóm Air Mask) đã làm thí nghiệm cho chúng tôi xem.

Phi Long cẩn thận cho chiếc máy lọc không khí dạng trụ, nhỏ gọn vào tủ kính, sau đó đốt thuốc lá để khói bay vào rồi đậy nắp tủ lại. Vài phút sau, mở nắp tủ ra, chúng tôi không còn thấy khói và mùi của thuốc lá.
Nói về nguyên lý hoạt động của máy, Phi Long chia sẻ không khí bẩn, có mùi sẽ được thu vào nhờ quạt hút và đi qua các màng lọc cacbon than hoạt tính rồi đến màng lọc tẩm TiO2. Lúc này những vi khuẩn, nấm mốc độc hại và mùi sẽ bị tiêu diệt nhờ cơ chế quang xúc tác giữa TiO2 và đèn UV để đưa ra một nguồn không khí sạch.
“Hiện nay ứng dụng xúc tác quang TiO2 được sử dụng rộng rãi trong việc lọc nước, từ đó mình nghĩ nếu dùng để xử lý không khí thì sẽ thế nào? Và kết quả là máy lọc không khí đã ra đời”, Phi Long nói.
Máy lọc không khí nhỏ gọn hoạt động bằng điện với công suất chỉ 12 V ẢNH: TẤN ĐẠT
Máy lọc không khí nhỏ gọn hoạt động bằng điện với công suất chỉ 12 V ẢNH: TẤN ĐẠT
Trần Phi Long còn cho biết thêm, hệ thống lọc không khí sử dụng TiO2 có thể khử các loại khói bụi ô nhiễm từ xe buýt và các loại phương tiện khác, sản phẩm còn xử lý các loại mùi khó chịu trong không gian xe, phòng như mùi thức ăn, mùi cơ thể, mùi xăng xe, mùi thuốc lá, các loại bụi, đặc biệt là bụi mịn PM2.5... Thông qua đó, góp phần hạn chế các tác nhân gây dị ứng, phòng chống say xe.
Bên trái là chiếc máy lọc không khí đầu tiên mà các bạn nhóm Air Mark làm ra, được bao bọc bằng chất liệu nhựa mica khá ô nhiễm. Sau đó, nhóm quyết định thay thế bằng chất liệu nhựa PLA (hình bên phải), đồng thời thiết kế gọn và nhẹ hơn ẢNH: PHI LONG
Bên trái là chiếc máy lọc không khí đầu tiên mà các bạn nhóm Air Mark làm ra, được bao bọc bằng chất liệu nhựa mica khá ô nhiễm. Sau đó, nhóm quyết định thay thế bằng chất liệu nhựa PLA (hình bên phải), đồng thời thiết kế gọn và nhẹ hơn ẢNH: PHI LONG
Kể về quá trình thực hiện sản phẩm, Trương Quang Tiến, thành viên nhóm Air Mask, cho biết nhóm theo dõi thời sự thì thấy vấn đề ô nhiễm môi trường do các phương tiện tham gia giao thông gây ra hầu như nước nào cũng gặp phải, nhóm mong muốn tạo ra một sản phẩm có thể làm giảm tác hại trên. Khi có ý tưởng, nhóm bắt đầu đi khảo sát và kết quả hơn 50% người được khảo sát cho biết nên gắn thiết bị lọc không khí trên xe buýt với nhiều lý do như: cảm thấy khó chịu với mùi đồ ăn, mùi cơ thể, ngộp thở…
“May mắn sản phẩm đầu tiên nhóm làm ra được chú tài xế trên xe buýt cho thử nghiệm, thế là một tuần trôi qua, nhóm mình nhận được ý kiến rất tích cực", Quang Tiến bộc bạch.
Trần Phi Long (giữa), cô Võ Thanh Hằng (áo hồng) cùng các bạn ở nhóm Air Mask ẢNH: NVCC
Trần Phi Long (giữa), cô Võ Thanh Hằng (áo hồng) cùng các bạn ở nhóm Air Mask ẢNH: NVCC
Cô Võ Thanh Hằng, giảng viên Khoa Môi trường và tài Nguyên, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết: nhà trường sẽ cố gắng hỗ trợ nhóm trong việc khởi nghiệp với sản phẩm "máy lọc không khí" vì thấy được tính ứng dụng rất cao, không chỉ được lắp đặt trên xe buýt mà còn có thể dùng trên xe ô tô, văn phòng, nhà vệ sinh… “Hiện tại sản phẩm được nhà trường đưa đi khảo sát kiểm nghiệm cũng như đo đạt hiệu suất hoạt động, chất lượng không khí được lọc ra để có thể giúp các em yên tâm hơn nếu đưa ra thị trường”, cô Thanh Hằng chia sẻ.
Theo Tấn Đạt (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm