Sinh viên đi làm thêm sẽ mất quyền lợi nếu bỏ qua những điều này

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với tâm lý đi làm chỉ để kiếm thêm thu nhập, nhiều sinh viên bỏ qua những vấn đề pháp lý nên không thể tiếp cận những quyền lợi của mình trong công việc.

Sinh viên làm việc bán thời gian tại một quán cà phê ở TP.HCM. Ảnh: Phạm Hữu
Sinh viên làm việc bán thời gian tại một quán cà phê ở TP. HCM. Ảnh: Phạm Hữu
Quyền lợi đến tay, không hề hay biết
Đa số những sinh viên trao đổi với người viết đều cảm thấy bất ngờ khi biết thông tin về mức lương tối thiểu theo nghị định mới của Chính phủ.
Bên cạnh đó, những sinh viên này được trả mức lương theo giờ thấp hơn so với mức được quy định trong nghị định mới của Chính phủ. Cụ thể, theo nghị định 38/2022/NĐ-CP, ở TP.HCM, mức lương tối thiểu giờ áp dụng từ ngày 01.07.2022 tại vùng I (gồm các quận, TP.Thủ Đức và huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè) là 22.500 đồng/giờ và 20.000 đồng/giờ tại vùng II (gồm H.Cần Giờ).
Chẳng hạn, N.M.T, sinh viên năm nhất của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, đang làm thêm tại một quán cà phê tại TP.Thủ Đức (TP.HCM) được trả 20.000 đồng/giờ và không hề biết gì về nghị định mới của Chính phủ liên quan đến mức lương tối thiểu. “Lúc được nhận vào làm, tôi chỉ nghĩ rằng đây là một mức lương ổn”, M.T chia sẻ.
Do quán rất đông khách nên M.T đang phải kiêm nhiều việc từ pha chế, bưng rót nước cho đến dọn dẹp vệ sinh quán cùng việc lặt vặt khác. Trước môi trường làm việc áp lực về lượng và chất, nam sinh viên chia sẻ: “Tôi nghĩ tăng lương sẽ là phương án phù hợp với lượng công việc mình phải làm hiện tại”. Hiện M.T có ý định xin nghỉ việc để tìm một môi trường làm việc thích hợp hơn hoặc chọn một công việc khác phù hợp với khả năng.
Còn N.T.T.L, nhân viên bán thời gian tại một quán cà phê và đồ ăn nhẹ khu vực trung tâm Q.1 (TP.HCM), không khỏi thắc mắc khi sau nửa năm làm việc vẫn chưa được ký hợp đồng lao động. Giữ vai trò đứng bếp, mỗi buổi sáng T.L có nhiệm vụ kiểm kho và làm đầy các nguyên vật liệu, nếu thiếu thì sắp xếp lại quầy bếp và tủ lạnh, làm thức ăn và đồ uống khi được yêu cầu. “Mức lương khởi điểm của tôi là 18.000 đồng/giờ, đến khi đã đạt đủ yêu cầu chất lượng bếp sẽ được thêm 2.000 đồng. Để được đứng bếp thì nhân viên ở đây đều phải đi học và thi”, T.L kể.
Trong khi đó, V.T.L, sinh viên năm hai tại Trường ĐH Văn Lang, đang làm thêm tại một quán cà phê ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM), cho biết mỗi ca làm việc là từ 17 - 22 giờ. “Mức lương khởi điểm là 17.000 đồng/giờ; sau 5 tháng được tăng lên 20.000 đồng/giờ, chưa kể được thưởng nếu làm tốt”, T.L chia sẻ. Ngoài ra, T.L còn làm thêm một việc khác là dạy kèm tiếng Anh để có thêm nguồn thu nhập.
Hợp đồng lao động, có cần không?
Ngoài mức lương, nhiều sinh viên còn quan tâm đến việc ký kết hợp đồng với chủ sử dụng lao động khi đi làm thêm, nhưng cũng không ít bạn phớt lờ hoặc không quan tâm. “Khi phỏng vấn, tôi nhận được một tờ giấy hướng dẫn sơ qua về quán. Nội dung tờ giấy đó có đề cập đến việc sẽ ký kết hợp đồng nhưng khi chính thức được nhận vào làm thì không có ký hợp đồng. Tôi nghĩ mình là sinh viên, có việc làm cũng đã may mắn rồi nên cũng không muốn hỏi về chuyện ký kết hợp đồng”, N.M.T, sinh viên năm nhất của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, chia sẻ.
Nói về vấn đề này, thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Quyên, khoa Luật Trường ĐH Văn Lang (TP.HCM), lưu ý: “Sinh viên làm việc bán thời gian vẫn được coi là có mối quan hệ hợp đồng lao động với chủ sử dụng lao động. Quyền lợi của sinh viên làm thêm cũng được quy định rõ trong Nghị định 38 của chính phủ”.
Vì thế, thạc sĩ Quyên nhấn mạnh: “Người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng với người lao động, bất kể làm việc trọn thời gian hay không trọn thời gian. Khi xác lập quan hệ lao động mà không giao kết hợp đồng thì điều này đồng nghĩa sinh viên đang bỏ qua các quyền lợi pháp lý vốn được pháp luật bảo hộ”

Sinh viên làm việc bán thời gian, phụ trách pha chế tại một quán cà phê ở TP.HCM. Ảnh: Phạm Hữu
Sinh viên làm việc bán thời gian, phụ trách pha chế tại một quán cà phê ở TP.HCM. Ảnh: Phạm Hữu
Theo thạc sĩ Quyên, khi tìm công việc làm thêm, sinh viên cần được tư vấn và hiểu rõ về mối quan hệ lao động, thay đổi suy nghĩ cho rằng đi làm thêm ngoài giờ học chỉ mang tính chất tạm bợ nên không cần thiết phải ràng buộc về pháp lý.
“Sinh viên cũng cần trao đổi thẳng thắn với đơn vị sử dụng lao động về việc ký hợp đồng. Khi chúng ta tham gia vào một quan hệ lao động, thậm chí là bất kỳ quan hệ pháp luật nào cũng nên cần hiểu rằng pháp luật bảo vệ quyền lợi cho chúng ta như thế nào trong mối quan hệ đó, để từ đó dự phòng trường hợp khi có tranh chấp phát sinh”, thạc sĩ Quyên lưu ý.
Theo quy định tại Nghị định 12/2022/NĐ-CP, hành vi không giao kết hợp đồng lao động có thể bị phạt tiền từ 2 - 25 triệu đồng đối với người sử dụng lao động là cá nhân vi phạm; từ 4 - 50 triệu đồng nếu người sử dụng lao động là tổ chức, mức phạt cụ thể tùy theo việc vi phạm đối với bao nhiêu người lao động.
Ngoài bị phạt tiền thì người sử dụng lao động còn bị buộc phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là phải giao kết đúng loại hợp đồng lao động cho từng lao động sử dụng cụ thể.
Theo Thành Công (TNO)
 

Có thể bạn quan tâm