Sinh viên nghiên cứu khử độc tố gây ung thư gan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đó là nghiên cứu của Nguyễn Bảo Trân, Trần Minh Thư và Nguyễn Ngọc Gia Bảo, cùng là sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.

 

 Từ trái sang: Trân, Bảo, Thư, nhóm tác giả của nghiên cứu - Ảnh: Nữ Vương
Từ trái sang: Trân, Bảo, Thư, nhóm tác giả của nghiên cứu - Ảnh: Nữ Vương



Nghiên cứu vừa đoạt giải nhất Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp bộ năm 2019, giúp khử được nấm mốc sinh độc tố gây ung thư gan trong hạt giống cây trồng.

Xử lý loại nấm khó khử nhất

Khi học về môn vi sinh ứng dụng, nhóm sinh viên khá thích thú về vi sinh và vi nấm, trong đó có vi khuẩn lactic như Lactobacillus spp, không chỉ an toàn, thân thiện với con người mà còn ức chế nhiều vi khuẩn vi nấm gây bệnh khác, trong đó có nấm Aspergillus flavus - là loại nấm khó khử nhất và còn sinh độc tố aflatoxin B1 gây ung thư gan.

“Theo thống kê gần nhất của WHO, ung thư gan chiếm tỷ lệ chết người cao nhất trong các bệnh ung thư ở VN và đứng thứ 4 trong các bệnh ung thư trên thế giới, nên tụi mình mới tìm đến giảng viên với mong muốn làm việc với vi khuẩn lactic và nghiên cứu thêm về những tiềm năng mới của chúng”, Trân chia sẻ.


 

Nhóm tác giả giới thiệu về nghiên cứu
Nhóm tác giả giới thiệu về nghiên cứu

 

Theo Trân, ngoài rượu bia, một trong những nguyên nhân gây ung thư gan là con người ăn phải ngũ cốc chứa độc tố aflatoxin B1 do nấm mốc Aspergillus flavus sinh ra. Để giảm thiểu aflatoxin trong ngũ cốc, cần giảm mầm bệnh qua phương pháp xử lý hạt giống và bảo quản hạt giống thích hợp, không ảnh hưởng xấu lên môi trường và sức khỏe con người.

Đậu phộng là đối tượng cụ thể mà nhóm chọn nghiên cứu, vì theo nhóm đậu phộng là loại nông sản mang lại nguồn kinh tế cao, có thể sử dụng với nhiều mục đích khác nhau và đồng thời dễ nhiễm nấm mốc nếu không bảo quản thích hợp. Nhưng mục tiêu của nhóm là ức chế và tiêu diệt bào tử nấm mốc trong hạt giống, đặc biệt nấm mốc sinh aflatoxin, không chỉ riêng ở hạt đậu phộng.

Hiện tại, người dân thường xử lý hạt giống theo phương pháp vật lý (ngâm nước nóng, thổi khí nóng...) hoặc phương pháp hóa học như thuốc diệt nấm, hormone tăng trưởng thực vật...

“Nhóm muốn hướng đến phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, không sử dụng thuốc hóa học bảo vệ thực vật nên đã nghiên cứu sử dụng vi khuẩn lên men lactic có khả năng kháng nấm sinh aflatoxin và hoạt tính hỗ trợ tăng trưởng cây trồng xử lý hạt giống đậu phộng, nhằm loại trừ mầm bệnh từ gốc và tăng khả năng ra củ”, Thư chia sẻ.

Dùng bắp cải nuôi cấy vi khuẩn

Nói về những ưu điểm vượt trội của nghiên cứu, Trân cho biết nhóm sử dụng các chủng vi khuẩn lên men lactic phân lập từ nem chua Lactobacillus plantarum để xử lý hạt giống. Khi ứng dụng các vi khuẩn lên men lactic sẽ vừa có hoạt tính kháng nấm vừa có hoạt tính hỗ trợ tăng trưởng cây trồng như phân giải lân, sinh hormone tăng trưởng thực vật IAA, tạo màng biofilm để bảo vệ rễ khỏi stress môi trường, kể cả tác nhân gây bệnh. Bên cạnh đó, sử dụng biện pháp xử lý hạt giống với vi khuẩn sống để đưa vi sinh vào đất sẽ tiết kiệm và hiệu quả hơn so với bón phân vi sinh truyền thống.


 

 Nhóm tác giả nhận giải tại cuộc thi
Nhóm tác giả nhận giải tại cuộc thi


Kết quả hạt giống được xử lý vi khuẩn lactic làm tăng tỷ lệ nảy mầm, 100% hạt giống đều nảy mầm và độ khỏe mầm tăng từ 615 lên 1.151. Sau 75 ngày từ khi trồng, cây đậu phộng được xử lý vi khuẩn lactic có chiều dài tăng trung bình 22%, khối lượng tăng 100% so với đối chứng và số tia củ tăng 2,5 lần.

Trân chia sẻ: “Vừa khử được nấm Aspergillus flavus sinh độc tố aflatoxin B1 gây ung thư gan bằng vi khuẩn lên men lactic an toàn, vừa giúp cho cây tăng trưởng tốt và tăng năng suất nông sản là điều nhóm rất tự hào vì đã có thể tích hợp được tính năng “2 trong 1” trong nghiên cứu này”.

Đặc biệt, với mong muốn nghiên cứu có thể giúp được tất cả các hộ nông dân, nhóm đã thay thế môi trường nuôi cấy vi khuẩn lactic truyền thống MRS bằng môi trường bắp cải.

“Môi trường MRS rất xa lạ với người nông dân, thay vào đó tụi mình sử dụng bắp cải vừa gần gũi vừa hợp túi tiền. Vì MRS là môi trường nuôi cấy vi khuẩn lactic được dùng phổ biến trong các phòng thí nghiệm và khá đắt (100.000 đồng/lít), trong khi môi trường mới chỉ tốn khoảng 10.000 đồng/lít mà vẫn giữ được hoạt tính sinh học của vi khuẩn lactic. Từ đây người nông dân nào cũng có thể tự khử nấm mốc cho hạt giống để chủ động và tiết kiệm chi phí”, Bảo nói.

Theo Nữ Vương (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm