(GLO)- Chia sẻ với những trường hợp khó khăn trên địa bàn xã biên giới Ia O (huyện Ia Grai, Gia Lai), thời gian qua, Đồn Biên phòng Ia O đã nhận hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe cho người già neo đơn, không nơi nương tựa và giúp hộ nghèo bằng nhiều việc làm cụ thể.
Như thường lệ, trong khoảng thời gian từ ngày 10 đến 15 hàng tháng, Đồn Biên phòng Ia O đều cử cán bộ Đội Vận động quần chúng và quân-dân y kết hợp mang gạo đến hỗ trợ từng hộ neo đơn trên địa bàn xã, đồng thời khám bệnh định kỳ. Đại úy Lê Minh Hải-Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ia O-cho hay: Hiện tại, đơn vị đang nhận giúp đỡ 7 hộ neo đơn trên địa bàn. Mỗi tháng, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong đơn vị đều trích một phần lương để mua 30 kg gạo hỗ trợ các gia đình theo hình thức xoay vòng, tháng này 3 hộ, tháng sau 4 hộ và ngược lại.
Cán bộ Đồn Biên phòng Ia O hướng dẫn người dân trên địa bàn kỹ thuật chăm sóc bò. Ảnh: P.D |
Nhận gạo từ tay cán bộ Đồn Biên phòng Ia O, bà Rơ Mah Yem (làng Cúc) cứ luôn miệng “Cảm ơn! Cảm ơn!”. Chồng chết, không con cái nên ở tuổi gần 60, bà Yem phải sống cô đơn trong ngôi nhà được Nhà nước hỗ trợ xây dựng từ nhiều năm trước trên mảnh đất do anh chị chồng cho mượn. Bị mù mắt bên phải, mắt bên trái nhìn không rõ, cánh tay trái lại bị teo cơ nên bà Yem chẳng thể làm lụng gì. Hàng ngày, từ việc đi lấy nước, lượm củi, thậm chí là nhóm lửa nấu cơm... bà đều phải nhờ vào sự giúp đỡ của gia đình người anh bên chồng. “Mình sống ngay bên cạnh nhà anh chị chồng, vì vậy hàng ngày may mắn được anh chị giúp đỡ. Hàng tháng, mình còn được Bộ đội Biên phòng khám bệnh. Khi đau ốm, Bộ đội Biên phòng đều xuống tận nhà khám, cho thuốc uống nên không còn thấy cô đơn nữa”-bà Yem bộc bạch.
Rời nhà bà Yem, chúng tôi cùng cán bộ Đồn Biên phòng Ia O tiếp tục ghé thăm nhà bà Siu Đợi, cũng ở làng Cúc. Tháng trước, bà Đợi đã được nhận gạo hỗ trợ nên đợt này, cán bộ quân-dân y của Đồn chỉ ghé thăm hỏi sức khỏe, khám bệnh định kỳ. Vừa thấy cán bộ quân-dân y, bà mừng rỡ: “Mấy bữa nay, tay chân mình nhức mỏi không ngủ được. Cán bộ cho mình thuốc gì uống để ngủ được ấy”. Sau khi kiểm tra sức khỏe, cán bộ quân-dân y kê cho bà một toa thuốc, dặn dò rất kỹ về cách sử dụng. Bà Đợi có 2 người con, 1 trai, 1 gái nhưng con trai “bắt vợ” tận Campuchia, con gái “bắt chồng” ở làng xa. Vì vậy, bà đang sống một mình. Bà kể: “Cách đây vài tháng, đang ngồi chơi với mấy đứa trẻ trong làng, mình bị tăng huyết áp, khó thở. May nhờ mấy đứa nhỏ chạy về nhà nói người lớn gọi điện thoại cho cán bộ quân-dân y của Đồn Biên phòng Ia O xuống khám, cho thuốc uống kịp thời, mình mới khỏi”.
Bên cạnh việc hỗ trợ, nhận chăm sóc sức khỏe cho người già neo đơn, không nơi nương tựa trên địa bàn, Đồn Biên phòng Ia O còn đang nhận “Nâng bước em đến trường” 2 học sinh nghèo gồm: Rơ Lan HLy (làng Mít Jep)-mồ côi mẹ, bố lấy vợ ở làng khác nên đang sống cùng bà ngoại; Puih Hiếu (làng Kloong)-mồ côi cha và hiện đang ở với mẹ. “Đơn vị đang khảo sát, tiếp tục nhận 1 cháu làm con nuôi theo kế hoạch của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh. Cháu này sẽ được đơn vị chăm sóc và nuôi ăn học cho đến khi trưởng thành”-Đại úy Lê Minh Hải cho hay. Còn hộ mà đơn vị nhận giúp đỡ thoát nghèo trong năm 2019 theo Đại úy Hải là gia đình ông Rơ Châm Thứ (làng O). Có hơn 1,4 ha đất trồng điều và cà phê song do chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật, đa số cây trồng chưa cho thu hoạch nên gia đình ông Thứ vẫn thuộc diện hộ nghèo. “Đồn đã giao cho cán bộ Đội Công tác địa bàn thường xuyên xuống gia đình hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và hỗ trợ ngày công lao động để nâng cao năng suất cây trồng. Riêng với hộ đã giúp thoát nghèo trước đó là ông Puih Sem (làng O), đơn vị vẫn cử cán bộ tiếp tục xuống hướng dẫn kỹ thuật trồng mì, cách chăm sóc bò”-Đại úy Hải thông tin. Ngoài ra, cán bộ của Đồn cũng thường xuyên phối hợp với các hội, đoàn thể của địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn thay đổi nếp nghĩ, cách làm; chi tiêu hợp lý, bố trí thời gian lao động cho hiệu quả; xen canh cây mì trong diện tích điều mới trồng để tăng thu nhập.
PHƯƠNG DUNG