Thanh niên dân tộc thiểu số có nhu cầu học nghề

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trường Cao đẳng Gia Lai vừa tiến hành điều tra nhu cầu học nghề của thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh để kịp thời nắm bắt nguồn lao động trong thời gian tới. Cùng với đó, nhà trường tăng cường liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo nghề theo đơn đặt hàng, giới thiệu việc làm cho học viên sau khi ra trường.
Nhóm điều tra của Trường Cao đẳng Gia Lai chọn 25 xã, phường trên địa bàn 10 huyện, thị xã, thành phố để tiến hành điều tra nhu cầu học nghề với hơn 400 thanh niên DTTS. Kết quả điều tra cho thấy, 83,6% thanh niên DTTS có nhu cầu học nghề. Trong đó, 57,2% ý kiến mong muốn học trình độ sơ cấp, 24,6% học trình độ trung cấp. Những trường hợp muốn học trình độ sơ cấp vì thấy thời gian đào tạo phù hợp với năng lực của bản thân. Ngành nghề lựa chọn cũng đa dạng, có 36,8% chọn học các ngành công nghệ kỹ thuật, nông nghiệp. Mong muốn lớn nhất của các thanh niên DTTS là sau khi tốt nghiệp ra trường có việc làm ổn định, lương cao, được đào tạo kiến thức phù hợp để làm việc và phát triển bản thân.
Trò chuyện với chúng tôi, em Ksor Loan (làng Doch Kuế, xã Ia Krai, huyện Ia Grai) cho biết: “Em vừa trở về từ Bình Dương và đang muốn học nghề để có việc làm ổn định. Tuy nhiên, em chưa biết học ở đâu và làm thủ tục đăng ký như thế nào. Nếu được, em sẽ chọn học nghề may”. Qua khảo sát, nhóm nghiên cứu thấy rằng, nhiều thanh niên DTTS mong muốn đơn giản hóa thủ tục đăng ký học nghề, chính quyền địa phương nên mở nhiều lớp đào tạo nghề...
Nhóm điều tra của Trường Cao đẳng Gia Lai lấy ý kiến thanh niên DTTS tại xã Gào (TP. Pleiku) về nhu cầu học nghề. Ảnh: Tạ Ngọc Điệp
Nhóm điều tra của Trường Cao đẳng Gia Lai lấy ý kiến thanh niên DTTS tại xã Gào (TP. Pleiku) về nhu cầu học nghề. Ảnh: Tạ Ngọc Điệp
Ông Lê Lợi-Bí thư Đảng ủy xã Lơ Pang (huyện Mang Yang) cho hay: “Xã định hướng mở lớp đào tạo nghề cho khoảng 20 thanh niên DTTS, kết nối việc làm sau đào tạo để họ có cơ hội thay đổi nghề nghiệp, phát triển kinh tế. Để có việc làm ổn định, đào tạo nghề là giải pháp căn cơ đối với thanh niên DTTS”.
Trao đổi với chúng tôi, Thạc sĩ Phạm Văn Điều-Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Gia Lai-chia sẻ: “Toàn tỉnh có 884.298 người trong độ tuổi lao động đang làm việc, chiếm 98,38% tổng nguồn lao động. Xác định tầm quan trọng của đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhà trường đã tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của thanh niên DTTS trên địa bàn tỉnh. Qua đó, chúng tôi nắm bắt kịp thời nhu cầu học nghề, nhanh chóng đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực, khai thác tối đa tiềm năng lao động của địa phương. Cùng với đó, nhà trường liên kết với các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo để các em học xong có thể đi làm ngay với mức lương 7-13 triệu đồng/tháng theo cam kết của doanh nghiệp. Chính vì vậy, chúng tôi rất mong muốn sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong động viên thanh niên DTTS đi học nghề, nắm bắt cơ hội phát triển bản thân và chuyển đổi nghề nghiệp”.
TẠ NGỌC ĐIỆP

Có thể bạn quan tâm