Thanh niên làng Kép 1 chăm lo phát triển kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Với quyết tâm thay đổi nếp nghĩ và cách làm, nhiều thanh niên ở làng Kép 1 (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai) đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tiên phong thực hiện những mô hình sản xuất hiệu quả nhằm phát triển kinh tế gia đình, góp phần tạo chuyển biến về nhận thức cho bà con địa phương.
Chị Rơ Châm Hwuơ-Bí thư Đoàn xã Ia Mơ Nông-cho biết: Làng Kép 1 có 70 thanh niên, trong đó có khoảng 25 người có thu nhập 50-100 triệu đồng/năm, khoảng 10 người có thu nhập từ 150 triệu đồng trở lên. Chính lực lượng này đã tiên phong trong việc vận động dân làng thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tập trung lao động để vươn lên phát triển kinh tế gia đình. 
Để chứng minh, chị Hwuơ dẫn chúng tôi đến thăm gia đình chị Rơ Châm Hênh. Tiếp chúng tôi trong căn nhà xây kiên cố với chi phí hơn 500 triệu đồng mới hoàn thành cách đây không lâu, chị Hênh vui mừng cho biết: “Gia đình mình hiện có 2 ha cà phê và đàn bò gồm 9 con. Thu nhập trung bình mỗi năm hơn 150 triệu đồng. Nhờ tích góp dần dần nên mình mới có tiền xây dựng căn nhà này”.
Chồng chị Hênh là cán bộ xã Ia Kreng (huyện Chư Pah) nên bận rộn nhiều công việc. Một mình chị chăm chỉ gánh vác việc nương rẫy. Lập gia đình năm 2012, được bố mẹ cho 2 ha cà phê trồng lâu năm, chị Hênh đã tái canh giống mới năng suất cao hơn. Bên cạnh đó, chị tập trung chăm sóc, bón phân, cung cấp đủ nước tưới, đắp bồn, vệ sinh vườn cà phê sạch sẽ. Chị còn tham gia một số lớp tập huấn chăm sóc, tái canh cây cà phê do Đoàn xã phối hợp tổ chức. Nhờ siêng năng, chịu khó, làm chủ kỹ thuật, vườn cà phê của chị Hênh cho năng suất khá cao.
Homestay của anh Rơ Châm Xế (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah). Ảnh: Thủy Bình
Homestay của anh Rơ Châm Xế (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah). Ảnh: Thủy Bình
Một trong những gia đình làm kinh tế giỏi khác là anh Rơ Châm Xế. Trước đây, với 3 ha đất, anh Xế chỉ trồng cà phê. Khi được Đoàn xã tạo điều kiện tham quan những mô hình đa cây, đa con, anh Xế quyết định trồng xen 50 cây sầu riêng, 50 cây bơ vào vườn cà phê. Việc đa dạng cây trồng đã giúp gia đình có thêm một khoản thu nhập đáng kể trên một đơn vị diện tích (hơn 250 triệu đồng/năm).
Đáng chú ý, anh Xế là người tiên phong làm homestay ở làng Kép 1. Anh Xế bộc bạch: “Nhà mình ở gần khu nhà mồ của làng. Nơi đây thỉnh thoảng diễn ra lễ pơ thi (bỏ mả). Thấy lượng du khách đến tham quan khu nhà mồ khá đông, mình đã sửa sang căn nhà thành homestay để khách nghỉ lại”.
Ngôi nhà sàn được anh Xế khéo léo trang trí bằng các loại gùi, thổ cẩm khá độc đáo. Từ ngôi nhà, du khách thỏa sức quan sát khu nhà mồ và cảnh quan cùng vườn cây xanh tốt quanh nhà. Khách đến nhà anh có thể cùng ăn cơm, tham gia thu hoạch trái cây, trải nghiệm cuộc sống thường nhật của gia đình.
Tuy nhiên, việc quảng bá và thu hút du khách vẫn là bài toán khó đối với anh. Nhiều du khách đến tham quan nhà mồ, ghé chân tại homestay của anh nhưng nhu cầu nghỉ lại chưa cao. “Tuy còn khó khăn nhưng mình sẽ không bỏ cuộc và cố gắng học hỏi từ các homestay khác để thu hút du khách”-anh Xế tâm sự.
Trao đổi với P.V, Trưởng thôn Rơ Châm Uenh chia sẻ: Làng Kép 1 hiện có 201 hộ, trong đó có 26 hộ nghèo. Dù tỷ lệ hộ nghèo còn cao nhưng với sự tiên phong của thanh niên trong phát triển kinh tế và các hoạt động tuyên truyền, tin rằng bà con sẽ dần thay đổi nhận thức, vươn lên thoát nghèo bền vững.
THỦY BÌNH

Có thể bạn quan tâm