(GLO)- Gần đây, nhiều thanh niên ở tổ dân phố Plei Ktoh (thị trấn Kông Chro) tham gia học nghề đan lát truyền thống. Bằng bàn tay khéo léo, họ đã biến những thanh lồ ô, tre nứa thành vật dụng chắc chắn, đẹp mắt phục vụ nhu cầu sinh hoạt thường ngày.
Theo ông Đinh Phol-già làng Plei Ktoh, nghề đan lát đã có từ lâu đời. Người làng quan niệm rằng, tiêu chí để đàn ông có vợ là phải đan được nhiều sản phẩm, đặc biệt là chiếc gùi. Chàng trai nào đan được gùi có nhiều hoa văn, màu sắc rực rỡ sẽ dễ dàng thu hút các cô gái. Mặt khác, người Bahnar quanh năm sống trên nương rẫy nên rất cần có những dụng cụ từ đan lát. “Những năm gần đây, nhiều vật dụng hiện đại, tiện lợi ra đời nhưng thanh niên trong làng vẫn tìm đến với nghề đan lát”-già làng Đinh Phol tự hào chia sẻ.
Buổi chiều, khi mọi việc trên nương rẫy đã xong, từng nhóm thanh niên ở tổ dân phố Plei Ktoh tụ họp ở nhà rông để học đan lát. Người biết rồi thì chỉ dạy lại cho người chưa biết. Cứ như thế, những sản phẩm đan lát truyền thống lần lượt ra đời. Vừa cẩn thận chỉnh sửa lại chiếc gùi, anh Đinh Văn Nhói vui vẻ kể: “Từ nhỏ, tôi đã biết đến nghề đan lát qua người cha của mình. Trong một lần cùng cha vào rừng để tìm kiếm các vật liệu làm gùi, tôi đã bị hấp dẫn bởi những câu chuyện xung quanh nghề đan lát mà cha kể lại. Từ đó, tôi đã kiên trì học đan lát”.
Thanh niên tổ dân phố Plei Ktoh (thị trấn Kông Chro) học đan lát. Ảnh: Mai Ka |
Anh Đinh Văn Hlinh-Bí thư Chi Đoàn tổ dân phố Plei Ktoh-cho biết: Đan lát là việc không mất quá nhiều công sức, cũng không quá khó nên thanh niên có thể nhanh chóng tiếp cận. Những lúc nông nhàn, họ tranh thủ thời gian để đan lát. Để có được những sản phẩm đẹp phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi kinh nghiệm và sự khéo léo từ khâu chuẩn bị nguyên liệu. Thanh niên trong làng thường cùng nhau lên núi chọn lồ ô, tre, nứa có độ tuổi từ 2 năm trở lên. Vì nếu cây non rất giòn, dễ gãy và bị mọt. Đồng thời, cây phải thẳng đều và khoảng cách giữa 2 mắt dài thì mới cho ra sợi nan suôn mượt. “Hiện nay, sản phẩm không chỉ dùng trong gia đình mà còn bán ra thị trường. Tùy kích thước, mỗi sản phẩm có giá 150-300 ngàn đồng”-anh Hlinh cho biết thêm.
Anh Đinh Công Xuân-quyền Bí thư Huyện Đoàn Kông Chro-nhận xét: “Từ đôi bàn tay khéo léo, thanh niên tổ dân phố Plei Ktoh đã “thổi hồn” vào tre nứa để tạo ra những sản phẩm hữu dụng và mang đậm dấu ấn văn hóa của người Bahnar. Thời gian tới, Huyện Đoàn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để đoàn viên, thanh niên chung tay gìn giữ nghề đan lát truyền thống của dân tộc mình”.
MAI KA