Thầy giáo trẻ biến trường học thành 'công trường tình nguyện'

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Để sinh viên có những trải nghiệm vì cộng đồng, các thầy giáo trẻ của Trường cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc đã đi xin xe đạp cũ về để dạy sinh viên “hồi sinh” thành xe mới, tặng học sinh nghèo.
 
Các sinh viên kỹ thuật tình nguyện sửa xe đạp cũ để tặng học sinh nghèo. ẢNH NHẬT NAM
Các sinh viên kỹ thuật tình nguyện sửa xe đạp cũ để tặng học sinh nghèo. ẢNH NHẬT NAM
Sinh viên khoa công nghệ ô tô tình nguyện sửa xe đạp
Đó là ý tưởng của thầy giáo Trương Văn Hùng, Bí thư Đoàn Trường cao đẳng kỹ thuật công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc. Trong tháng 1 vừa qua, anh Hùng cùng với 2 thầy giáo trong trường đi quyên góp xe đạp cũ về rồi cùng sinh viên, chủ yếu là khoa công nghệ ô tô, sửa chữa, tân trang thành 100 chiếc xe tốt, dành tặng cho 100 học sinh nghèo của H.Tương Dương (Nghệ An).
Chia sẻ về ý tưởng này, anh Hùng cho biết, trước đó, anh được truyền cảm hứng từ một dự án thiện nguyện hồi sinh xe đạp cũ để tặng học sinh nghèo. Từ đó, anh đã muốn nhân rộng chương trình thiết thực này.
 
Trường học trở thành công trường tình nguyện của sinh viên. ẢNH NHẬT NAM
Trường học trở thành công trường tình nguyện của sinh viên. ẢNH NHẬT NAM
“Ý nghĩa cộng đồng của chương trình là nguồn lực ít nhất nhưng mang lại nhiều niềm hạnh phúc nhất cho các em trẻ vùng cao. Vì vậy, tôi đã đứng ra kêu gọi quyên góp xe cũ. Lúc đầu là cá nhân, nhưng sau đó được sự đồng ý, tạo điều kiện của Ban giám hiệu nhà trường, Đoàn trường đứng ra kêu gọi và nhận được sự đồng hành của rất nhiều cá nhân, tập thể, các nhà hảo tâm ủng hộ, quyên góp. Chúng tôi đã xin được hơn 130 bộ khung xe và xe đạp cũ, hơn 60 triệu đồng bao gồm cả tiền mặt và vật tư sửa chữa, lắp ráp xe”, anh Hùng chia sẻ.
Vậy là trong những ngày cuối năm, mặc dù thời tiết lạnh buốt, có những hôm xuống 8 độ C nhưng các thầy trò vẫn làm việc liên tục từ 7 giờ 30 sáng tới 22 giờ đêm để hoàn thành 100 chiếc xe, kịp chuyến đi trao tặng trước tết Nguyên đán. Có những sinh viên đã bỏ cả làm thêm để tham gia chương trình. Các xe cũ được tháo ra sửa chữa, sơn lại, lắp ráp thành xe mới. Trường học như một công trường tình nguyện.
“Chỉ trong 4 ngày, chúng tôi đã hoàn thành 100 chiếc xe. Trường học không khác nào một công xưởng chuyên nghiệp, thành quả quá sức tưởng tượng, đến cả đội làm xe chuyên nghiệp cũng phải bất ngờ với sự nỗ lực của nhóm”, anh Hùng phấn khởi nói.
 
Thầy giáo Trương Văn Hùng (áo xanh) trong buổi trao tặng xe đạp - thành quả của thầy trò Trường cao đẳng kỹ thuật công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc, cho học sinh nghèo. ẢNH NHẬT NAM
Thầy giáo Trương Văn Hùng (áo xanh) trong buổi trao tặng xe đạp - thành quả của thầy trò Trường cao đẳng kỹ thuật công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc, cho học sinh nghèo. ẢNH NHẬT NAM
Giữa tháng 1, Đoàn trường cùng với các tổ chức của nhà trường như công đoàn, ban nữ công, các phòng, khoa... đã tới các trường học của H.Tương Dương (Nghệ An) tặng quà là xe đạp và nhu yếu phẩm cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 9. Đây là những em có hoàn cảnh khó khăn, nhà nghèo.
"Có em mẹ bỏ đi, có em mồ côi bố hoặc mồ côi me, có những em ở xa trung tâm phải vượt 5 - 15 km để đến trường. Vì vậy, khi nhận được món quà này, nhà trường và các em đều xúc động nghẹn ngào. Đoàn thiện nguyện của trường thấy hoàn cảnh và ánh mắt của các em, không ít người đã rơi nước mắt", anh Hùng nhớ lại.
Hướng đi mới trong công tác Đoàn
Sau khi thực hiện hoạt động ý nghĩa này, anh Hùng cho biết, đây là chương trình đạt được nhiều mục đích, cao nhất là mục đích vì cộng đồng. Bên cạnh đó là sự kết nối của nhiều “cánh tay” nhà hảo tâm, giáo viên có tay nghề. Đồng thời, đã phát huy được nhiệt huyết của tuổi trẻ, tinh thần sáng tạo, xung kích, tiên phong đi đầu của Đoàn thanh niên.
“Đối với Đoàn trường, đã lan tỏa được mục đích của chương trình tới các bạn sinh viên. Chương trình đã chạm vào được trái tim của các chàng trai sinh viên kỹ thuật. Bên cạnh đó, phát huy thế mạnh của những người trẻ được đào tạo về kỹ thuật. Các bạn sinh viên được tìm hiểu, được trải nghiệm những vấn đề kỹ thuật cơ bản, nhưng mang tính thực tiễn, qua đó hình thành được những tư duy giải quyết vấn đề”, anh Hùng đúc kết.
 
Các sinh viên ngành công nghệ ô tô được học sửa xe đạp cũ. ẢNH NHẬT NAM
Các sinh viên ngành công nghệ ô tô được học sửa xe đạp cũ. ẢNH NHẬT NAM
Theo anh Hùng, đối với các sinh viên, bên cạnh những trải nghiệm gần với ngành nghề của mình, các bạn được làm việc với cường độ cao, kỹ năng làm việc độc lập, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng sắp xếp công việc, sắp xếp dụng cụ, tính logic trong kỹ thuật.
“Các bạn có được trải nghiệm quý báu, sự vất vả của bản thân chẳng là gì khi thành quả đạt được rất tuyệt vời. Cả thầy lẫn trò có lẽ là lần đầu tiên được lắp ráp hoàn thiện một chiếc xe từ đầu đến cuối, từ đơn lẻ đến hàng loạt, được hiểu và cách xử lý về những vấn đề kỹ thuật, các lỗi trong quá trình sản xuất khó nhất và mất nhiều thời gian nhất. Qua hoạt động, các bạn sinh viên cũng yêu hơn, hiểu hơn về nghề của mình đã chọn, sự liên kết giữa các nhóm nghề khác nhau…”, anh Hùng chia sẻ.
Đặc biệt anh Hùng cho rằng, đây là hướng đi mới trong hoạt động Đoàn ở các đơn vị giáo dục. Bởi đó là sự sáng tạo vừa thu hút được sinh viên tham gia công tác xã hội vừa là môi trường thực hành nghề nghiệp, phát huy kiến thức của sinh viên.
Theo Vũ Thơ (TNO)

Có thể bạn quan tâm