Thầy giáo trẻ hết lòng vì học sinh nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Hơn 8 năm giảng dạy tại Trường THPT Lê Hoài Đôn (xã Bình Thạnh, H.Thạnh Phú, Bến Tre), thầy Trương Đăng Khoa luôn đồng hành với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Thầy Khoa (thắt cà vạt) cùng các em học sinh trong Ngày nhà giáo Việt Nam 20.11
Thầy Khoa (thắt cà vạt) cùng các em học sinh trong Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11
Bỏ tiền túi đưa học sinh đi thi
Thầy Khoa (33 tuổi) là con út trong một gia đình nghèo ở xã Cẩm Sơn (H.Mỏ Cày Nam, Bến Tre). Năm 2005, cậu học trò Trương Đăng Khoa thi đỗ vào ngành sư phạm vật lý và công nghệ Trường ĐH Cần Thơ. Trọ học xa thêm nhà nghèo nên thời sinh viên của thầy Khoa là những ngày tháng rất khó khăn. Tuy nhiên, với lòng yêu nghề, thầy đã vượt mọi khó khăn để hoàn thành chương trình học.
Sau khi tốt nghiệp, thầy Khoa về dạy tại Trường THPT Lê Hoài Đôn cho đến nay. Tuy sống xa nhà với đồng lương giáo viên ít ỏi nhưng hơn 8 năm qua, thầy Khoa luôn đồng hành cùng các em học sinh nghèo hiếu học. “Mỗi khi thấy học sinh nào có hoàn cảnh quá khó khăn, tôi lại như thấy mình trong đó, nên phải nhín chút chi tiêu để hỗ trợ các em. Thật ra đồng lương của tôi mỗi tháng chưa tới 5 triệu đồng nên cũng chưa giúp được gì to tát cho ai”-thầy Khoa chia sẻ.
Hằng năm, cứ đến mùa tuyển sinh, thầy Khoa lại tất bật lo chi phí đi lại cho gần 10 học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Mấy năm trước, thầy trò còn đạp xe hơn 40 cây số lên bến xe Mỏ Cày Nam rồi bắt xe đò qua Cần Thơ đi thi. Qua tới nơi, thầy gởi các em vào ký túc xá của trường cho tiết kiệm chi phí. Nếu học trò lên TP.HCM thi thì lương tháng của thầy chỉ đủ dắt một em. Cứ thế, mấy năm qua, gần 100 học sinh của Trường THPT Lê Hoài Đôn đã được thầy Khoa dắt đi thi.
Đánh thức niềm đam mê sáng tạo của học sinh
Ngoài việc giúp đỡ học sinh nghèo, thầy Khoa còn đi đầu trong phong trào kêu gọi các em vận dụng sáng tạo ra sản phẩm khoa học kỹ thuật thiết thực trong đời sống. Áp dụng phương pháp dạy học tích hợp liên môn, thầy Khoa biên soạn chuyên đề “Sự nguy hại của rác thải công nghiệp” và dạy cho học sinh trong giờ công nghệ của mình. Chuyên đề này đã đánh thức niềm đam mê nghiên cứu khoa học của Nguyễn Phi Long và Phạm Xuân Nhuận, nhờ đó hai em đã cho ra đời mô hình “Cánh tay robot gắp vật 3 bậc tự do và xử lý ảnh qua internet”. Chính thầy Khoa là người ủng hộ, hướng dẫn kỹ thuật lập trình cũng như hỗ trợ mua sắm thiết bị cho Long và Nhuận.
Năm 2017, sản phẩm này giành giải ba Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật do Bộ GD-ĐT tổ chức và giải khuyến khích Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng toàn quốc. Riêng Nguyễn Phi Long còn đạt giải khuyến khích Cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn giải quyết vấn đề thực tế của Bộ GD-ĐT.
Không chỉ giúp Long và Nhuận trong suốt quá trình hoàn thành sản phẩm, thầy Khoa còn quan tâm tới hoàn cảnh từng em. Biết được gia đình Long rất nghèo, nhà cách trường hơn 15 cây số, mỗi ngày em phải đạp xe 4 lượt đi về rất vất vả, thầy Khoa đã hỗ trợ Long 10 triệu đồng mua xe đạp điện. “Em đã khóc khi biết số tiền thầy cho em mua xe là tiền lãnh chế độ 17 triệu đồng/năm dành các giáo viên ở xã khó khăn”, Long chia sẻ.
Theo thầy Nguyễn Văn Tâm-Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hoài Đôn, các giải thưởng cấp quốc gia về sáng tạo khoa học kỹ thuật của thầy Trương Đăng Khoa và 2 học sinh khối 12 năm học 2017 - 2018 là duy nhất từ khi thành lập trường đến nay. 
Thầy Khoa cũng là giáo viên đi đầu trong phong trào triển khai phương pháp dạy học tích hợp liên môn của trường, là tấm gương cho các thầy cô khác noi theo. “Việc thầy Khoa tổ chức cho nhóm học sinh có hoàn cảnh khó khăn đi thi vào mỗi kỳ tuyển sinh đã phần nào giảm bớt gánh nặng cho nhà trường cũng như gia đình các em”, thầy Tâm cho biết.
Bắc Bình (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm