Để tìm câu trả lời cho câu hỏi 'Tôi là ai, tôi có thể làm được gì và đi được bao xa?', 'thiếu gia' 8X Hoàng Ngọc Lâm đã thực hiện cuộc xuyên Việt trong 89 ngày với phương tiện di chuyển là… đôi chân.
Sau khi cán đích tại Mũi Cà Mau vào ngày 8-1-2013, Lâm dành 2 ngày để nghỉ ngơi cho lại sức rồi tiếp tục chuyến xuyên Việt kép trở về Hà Nội trong vòng 16 ngày bằng chiếc Vespa cổ độc đáo mang tên “người bạn Máy Kày” do người bạn lớn tuổi ở Đồng Hới tặng cho Lâm làm kỷ niệm |
Hoàng Ngọc Lâm (28 tuổi), hiện đang là chủ một Trại chó cảnh tại Hà Nội. Kể về chuyến đi “để đời”, anh cho biết: “Mình đã thực hiện hành trình xuyên Việt này cách đây 5 năm, không hiểu tại sao gần đây lại thu hút sự quan tâm của nhiều người đến như vậy”.
Lâm là con trai út trong gia đình lao động tay chân ở quận Long Biên, Hà Nội. Ngay từ thuở nhỏ, cậu bé Lâm đã thích được đi đây đi đó và luôn có niềm đam mê đặc biệt với những cuộc phiêu lưu.
Hành trình đi bộ xuyên Việt của Lâm được chia làm 8 chặng chính trải dài khắp 3 miền Bắc – Trung – Nam, giữa 2 điểm cực trên đất liền của đất nước |
“Mình nghĩ vậy, mỗi người chỉ được sống một lần mà thôi, vậy tại sao chúng ta không tự cho chính mình cơ hội được tìm hiểu sâu hơn về cuộc sống? Đối với riêng bản thân Lâm, việc lưu giữ những khoảnh khắc trong đời có ý nghĩa vô cùng”, 8X chia sẻ.
Và Lâm đã chọn cách “đi”, chọn rong ruổi trên những nẻo đường bất tận, giao lưu cùng những nền văn hóa xa lạ, khám phá những con người mới, những vùng đất mới… Năm đó Ngọc Lâm vừa tròn 23 tuổi.
Nói về những ngày đầu lên kế hoạch cho chuyến đi xuyên Việt, Lâm cho biết: “Ban đầu khi mình manh nha ý định thì mọi người trong nhà tưởng đùa nên không để ý lắm. Cho đến 1 ngày mình tổ chức 1 buổi họp gia đình gồm ba mẹ và anh chị để thông báo sự kiện ấy”.
Anh chàng hài hước kể, chính vì đoán trước được ba mẹ sẽ phản đối và đặt nhiều câu hỏi về việc ăn uống, đường đi như thế nào… nên Lâm đã “chuẩn bị sẵn loạt đề cương các câu trả lời”.
Chàng trai 8X lấy tâm là Quốc lộ 1A nhưng di chuyển theo những con đường nhỏ liên xã hoặc đường ven biển để đảm bảo an toàn và được ngắm nhìn nhiều cảnh đẹp hơn trên đường đi |
Vào một ngày cuối tháng 10-2012, ngay tại đỉnh Cột cờ Lũng Cú (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang), chàng trai trẻ Ngọc Lâm chính thức bắt đầu hành trình xuyên Việt bằng chân của mình.
Suốt 89 ngày trèo đèo, lội suối, 8X đã trải qua rất nhiều những khó khăn, vất vả. Song, dù phải đi dưới trời nắng rát hay ướt sũng người vì những cơn mưa bất chợt, Lâm vẫn tự hào vì bản thân đã “không thất hứa với ý chí của chính mình”.
Muốn có câu trả lời thỏa đáng, hãy tự đi tìm!
Nhớ lại thời điểm cách đây 5 năm, chàng phượt thủ bắt đầu kể: “Thời gian từ lúc mình lên kế hoạch cho đến khi thực hiện là khoảng 20 ngày. Trong thời gian đó, tất cả mọi thứ phải được chuẩn bị kỹ càng. Đầu tiên là kinh phí, mình chuẩn bị được 15 triệu đồng, rồi đến các vật dụng, đồ dùng cá nhân, thuốc men cơ bản, socola…”.
89 ngày với những chặng đường từ rừng ra đến biển, từ thành thị về tới nông thôn của Lâm |
Ngoài ra, Lâm cũng nói thêm, nếu muốn đi xuyên Việt thì phải xác định được thể lực của mình ở mức nào, từ đó mới áp dụng vào lịch trình cụ thể, chia nhỏ quãng đường cho phù hợp.
“Việc tìm hiểu về văn hóa, thời tiết, địa lý trên đường di chuyển và rèn luyện kỹ năng sinh tồn, vạch sẵn lộ trình chi tiết về từng chặng đường và quan trọng nhất chính là có sức khỏe và ý chí”, Lâm chia sẻ.
Với Hoàng Lâm, chuyến đi này mãi là quãng thời gian ngọt ngào nhất, khi mắt môi thấm đượm vạn ngàn những cung bậc cảm xúc giản dị được cuộc sống trao tặng |
Từ điểm cực Bắc của đất nước, 8X đã đi bộ quãng đường dài gần 500 km và mất hơn 8 ngày để về đến Hà Nội. Dĩ nhiên, chặng đường đầu tiên không bao giờ là dễ dàng, và vì chưa quen với việc di chuyển liên tục bằng sức người nên Lâm thường xuyên rơi vào tình trạng kiệt sức.
“Đi được 6 ngày thì mình tới ngay thị trấn Tân Quang (huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang - P.V). Lúc đó quá mệt rồi, người thì nhếch nhác, lả đi vì đói và say nắng. May sao có một thầy giáo dạy tại trường Tân Quang cho mình ở tạm trong khu nội trú của trường. Thầy ấy đã nhường giường, gối và chăn cho mình, cuộc sống có những người tốt như vậy thật sự đẹp, phải không?”, Lâm kể bằng một giọng biết ơn.
Cuộc hành trình của tuổi trẻ sống hết mình, dám ước mơ và biến mơ ước thành hiện thực |
Anh chàng còn nói vui rằng, có thể đếm được tổng số bữa ăn trong suốt cuộc hành trình bởi “nhiều đoạn đường không có quán ăn, rồi đôi lúc mình cũng cố đi cho kịp nên không dám dừng ăn, hoặc do mệt quá nên chẳng nuốt nổi thứ gì”.
Dù chỉ nói qua điện thoại, nhưng tôi vẫn nhận ra sự hào hứng trong giọng nói của “chàng trai có đôi chân ngàn dặm”. Anh nói về Việt Nam, quê hương mình đẹp lắm, đi mãi không chán, đi mãi vẫn đượm lòng.
“Lúc mình đến Mũi Né, ngay giữa nơi mênh mông cát bụi thì có hồ Bàu Trắng nước xanh ngắt, hoa sen nở vô cùng đẹp. Hay như lần mình lên tới Đà Lạt, nhìn khu nhà kính sáng rực, bỗng dưng mình chảy nước mắt. Cảm xúc đôi khi cứ dâng trào như thế, chả biết đâu mà lần”, anh cười hiền.
Hành trình bằng chân của Lâm là những chặng đường không có điểm dừng, đi từ sớm tinh mơ đến khuya mịt, từ nơi thành thị đến cồn cát gió hú, những bãi đất hoang thấp thoáng nơi bìa rừng… Đã hơn 1 lần Lâm có ý định bỏ cuộc vì “mệt mỏi quá, có quá nhiều thứ mới mẻ mà mình không kiểm soát được”.
“Để biết chuyện sẽ xảy đến ra sao, chẳng còn cách nào khác là hãy đón nhận” |
Thế nhưng, Lâm đã nghĩ lại và cố gắng tiếp tục lên đường vì “nếu hôm nay từ bỏ dễ dàng vậy, thì sau này mình cũng chẳng bao giờ theo đuổi cái gì đến cùng được”. Bởi trên suốt hành trình 1 mình dài đằng đẵng đó, Lâm không hề cô độc.
Dù chuyến đi diễn ra cách đây đã 5 năm nhưng những câu chuyện của Lâm vẫn khiến rất nhiều người quan tâm |
“Khi mình đến đèo Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã được những người dân không hề quen biết cho mượn xe máy để đi mua đồ ăn. Thậm chí có rất nhiều người chị, người mẹ ở miền Nam vô cùng hiền lành, chất phác, họ mến khách và họ quý mình như con cháu trong gia đình”, 8X bồi hồi nhớ lại.
Đừng biến “phượt thủ” thành “những đứa trẻ lố bịch”
Kết thúc cuộc hành trình kép (89 ngày đi bộ và 16 ngày đi xe máy trở về - PV) Lâm đã tìm ra cho mình câu trả lời thỏa đáng. “Hàng ngày cùng đi, cùng trò chuyện, mình được nhìn thấy mọi sự việc, mọi cuộc đời mọi số phận khác nhau, thấy được cái sướng của người này và cái khổ của người khác. Nhân sinh quan về cuộc sống trong mình cũng tự hình thành và thay đổi tích cực hơn”.
"Trên đường đi, nếu lỡ có gặp cướp thì điều đầu tiên là phải bình tĩnh, không sợ sệt cũng không manh động. Mục đích của cướp là tiền, còn mục đích của mình là giữ mạng sống. Hãy đàm phán với tên đó là mình có bao nhiêu tiền, và xin tên đó nếu lấy hãy chừa lại cho mình 1 ít để đi đường. Muốn tên cướp tin thì tốt nhất là mang theo ít tiền mặt trong người thôi, còn lại hãy để hết trong thẻ ATM và giấu thật kín"-Hoàng Ngọc Lâm |
Khi tôi hỏi Lâm cảm thấy sao về việc giới trẻ ngày nay hầu hết đều có đam mê và muốn thử sức với những chuyến “phượt”. Chàng trai trẻ thẳng thắn nêu quan điểm: “Việc “đi” của thế hệ “phượt thủ” đầu tiên trong thời kì đất nước mở cửa có 1 góc nhìn khác. Họ giản dị, chân thật, và thực sự cầu thị sự trưởng thành”.
Lâm cũng nói thêm, những năm trở lại đây, đặc biệt là từ năm 2012, khái niệm “phượt” được nhiều người biết tới, “họ vô tình biến nó thành một thứ trào lưu màu mè, đầy hình thức, và nhiều sự xấu xí trong mắt cộng đồng đam mê xê dịch diễn ra như: đua tốc độ, lừa đảo, xả rác bừa bãi, gây mất trật tự cho người dân bản địa... Đó không phải là “phượt thủ” mà chỉ là những đứa trẻ lố bịch” 8X khẳng định.
Lần đi này, Lâm cũng muốn tự khẳng định bản thân, đồng thời muốn gia đình hiểu: “Mình đâu thể nào làm một đứa trẻ mãi, cũng không thể cứ sống như đã chết ở tuổi 25 mà đến năm 70 tuổi mới được chôn cất. Từ đây chúng ta đều là những người trưởng thành và tự có trách nhiệm với cuộc đời mình. Đó không phải là ích kỷ, đó là tình yêu với gia đình. Hãy để bố mẹ nghỉ ngơi và tận hưởng cuộc sống. Cuộc chiến của các cụ đã dừng rồi”.
Ừ thì, Lâm có thể nói đúng, cũng có thể không, thế nhưng rõ ràng chuyện này liên quan đến gần như tất cả các bạn trẻ ở Việt Nam. Chúng ta đừng sống kiểu 30 tuổi mới trưởng thành. Nếu muốn bay cao hãy nên tập vung cánh.
Hệt như điều mà chàng trai trẻ muốn gửi gắm đến “chúng ta”: “Cuộc đời vốn dĩ đã là 1 hành trình dài bất tận, 1 cuộc hành trình thực sự được tính không phải bằng dặm, mà bằng những người bạn, những trải nghiệm trên đường bạn gặp, thứ khiến bạn trưởng thành và có 1 trái tim cởi mở”.
Sau khi cán đích tại Mũi Cà Mau vào ngày 8-1-2013, Lâm dành 2 ngày để nghỉ ngơi cho lại sức rồi tiếp tục chuyến xuyên Việt kép trở về Hà Nội trong vòng 16 ngày bằng chiếc Vespa cổ độc đáo mang tên “người bạn Máy Kày”, do người bạn lớn tuổi ở Đồng Hới tặng Lâm làm kỷ niệm.
Lưu Trân (thanhnien)