Thủ lĩnh Đoàn "2 giỏi"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí, cơ sở nuôi nai lấy nhung của anh Nguyễn Thanh Phương (xã Ia Pia, huyện Chư Prông, Gia Lai) được đánh giá là mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu. Không những thế, với vai trò Bí thư Đoàn xã, anh Phương cũng luôn đồng hành với đoàn viên, thanh niên trong mọi hoạt động.
Điển hình phát triển kinh tế
Chúng tôi đến tham quan cơ sở nuôi nai lấy nhung của anh Nguyễn Thanh Phương (31 tuổi) tại làng Pốt (xã Ia Pia) khi anh vừa vệ sinh chuồng trại và chuẩn bị cho nai ăn. Anh Phương khoe: “Tôi mới xuất bán 20 con nai giống cho các khách hàng ở huyện Chư Pah, Chư Prông và tỉnh Kon Tum. Có thời điểm đàn nai lên đến 47 con nhưng hiện tại chỉ còn 15 con”.
Nhìn đàn nai đang gặm lá keo, anh Phương kể câu chuyện khởi nghiệp của mình: “Năm 2011, tôi khởi nghiệp từ cây hồ tiêu và cà phê. Bỏ ra bao nhiêu công sức và mong chờ đến ngày thu hoạch, thế mà đến năm 2015, vườn hồ tiêu xanh tốt tự nhiên đổ bệnh rồi chết sạch. Vườn cà phê hơn 500 cây cũng không đem lại hiệu quả kinh tế cao”. Đang loay hoay chưa biết nuôi con gì, trồng cây gì thì tình cờ vào đầu năm 2016, trong một lần vào tỉnh Bình Phước chơi ở nhà người anh họ, anh biết đến mô hình nuôi nai lấy nhung mang lại hiệu quả kinh tế cao. Được anh họ chia sẻ kinh nghiệm, anh Phương gom góp tiền để mua 3 con nai (1 con đực, 2 con cái) với giá 63 triệu đồng về nuôi. May mắn là cả 3 con nai đều thích nghi với khí hậu và phát triển tốt. 5 tháng sau, 2 con nai cái đã bắt đầu sinh sản.
 Anh Nguyễn Thanh Phương (thứ 2 từ phải sang) cùng đoàn viên, thanh niên tham quan mô hình nuôi dê của anh Nay Jon (bìa trái). Ảnh: P.L
Anh Nguyễn Thanh Phương (thứ 2 từ phải sang) cùng đoàn viên, thanh niên tham quan mô hình nuôi dê của anh Nay Jon (bìa trái). Ảnh: P.L
Thấy khởi đầu khá thuận lợi, anh vay mượn để mua thêm 5 con nai giống. Theo anh Phương, nuôi nai không tốn quá nhiều thời gian bởi chúng vốn là động vật hoang dã, sức đề kháng tốt. Thức ăn của nai chủ yếu là lá keo, cỏ voi, rơm khô; vào mùa sinh sản hay bắt đầu lấy nhung thì bổ sung thêm tinh bột bắp. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho vật nuôi, anh Phương dùng 3 sào đất lúc trước trồng hồ tiêu để trồng cỏ voi. Đàn nai gồm 15 con, mỗi ngày ăn hết khoảng 90 kg cỏ. Chuồng nuôi nai khá đơn giản nhưng phải chắc chắn, mỗi con chỉ cần diện tích vài mét vuông, có mái che mưa nắng, đủ ấm vào mùa đông và thoáng mát vào mùa hè. Vì nai là loài có tập tính hoang dã nên anh Phương đã dành một khoảng đất trống có rào xung quanh để nai chạy nhảy. Phân nai được anh tận dụng bón cho cây trồng.
Anh Phương cho biết thêm: Nai con bắt đầu cho thu hoạch nhung khi đủ 3 tuổi, từ đó cho thu hoạch đều đặn trong khoảng 20 năm. Con trưởng thành mỗi năm thu nhung 2 lần khoảng vào tháng 4 và tháng 5 Âm lịch, mỗi đợt cắt nhung cách nhau khoảng 55 ngày. Bình quân mỗi cặp nhung nai nặng 1-3 kg, giá hiện tại là 10-12 triệu đồng/kg. Khi được hỏi về đầu ra sản phẩm, anh Phương vui vẻ chia sẻ: “Nhung nai là một loại dược phẩm quý nên sản phẩm luôn trong tình trạng cháy hàng, cung không đủ cầu. Ngoài cung cấp nhung, tôi còn cung ứng giống ra thị trường, tùy theo tuổi nai mà mỗi cặp có giá từ 20 đến 40 triệu đồng”. Nhờ dám nghĩ dám làm, việc chuyển đổi mô hình nuôi nai đã giúp gia đình anh Phương thu nhập khá, trung bình hơn 200 triệu đồng/năm. Chưa kể anh còn có thêm thu nhập từ gần 500 cây dừa, 100 cây bơ và 70 cây bưởi da xanh.
Đồng hành với thanh niên
Không chỉ là điển hình thanh niên phát triển kinh tế, anh Phương còn là một cán bộ Đoàn năng nổ, nhiệt huyết. Đảm nhận vai trò Bí thư Đoàn xã Ia Pia từ năm 2012, với sự gần gũi, anh Phương luôn được đoàn viên, thanh niên yêu mến, tin tưởng.
Từ kinh nghiệm của bản thân, anh Phương hiểu rằng, con đường để đoàn viên, thanh niên thoát nghèo ngay tại địa phương chính là xây dựng mô hình phát triển kinh tế phù hợp. Đầu năm 2018, anh thành lập Câu lạc bộ “Thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế” xã Ia Pia với 16 thành viên. Hàng tháng, các thành viên thống nhất đóng góp mỗi người 100.000 đồng, sau 3-4 tháng mua 1 cặp dê (4-6 triệu đồng/cặp) tặng thành viên có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, Câu lạc bộ đã hỗ trợ 6 con dê cho 3 thành viên. Anh Nay Jon-Bí thư chi đoàn làng Ngó-người được Câu lạc bộ tặng dê từ tháng 3-2019-chia sẻ: “Đàn dê của mình vừa mới tăng thêm 2 con dê con. Mình sẽ chăm sóc dê thật tốt để tăng đàn, yên tâm phát triển kinh tế gia đình và tích cực tham gia hoạt động Đoàn”. Nhận thấy nghề nuôi nai mang lại lợi nhuận ổn định, anh Phương hướng dẫn cho nhiều thanh niên trong xã làm theo và sẵn sàng cho mua nai trả góp. Tuy nhiên, do giá con giống đắt nên nhiều thanh niên vẫn còn e ngại.
Để gây quỹ hoạt động Đoàn-Hội, anh Phương cùng đoàn viên, thanh niên xin quỹ đất trống của xã để trồng mì và thu được 6,6 triệu đồng; thành lập các tổ nhân công nhận hái cà phê thuê, thu hút 150 lượt đoàn viên tham gia, thu được 8 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, Đoàn xã có thêm kinh phí hoạt động, tạo sự hào hứng để đoàn kết tập hợp thanh niên vào tổ chức.
Bên cạnh đó, anh Phương cùng Ban Chấp hành Đoàn xã phối hợp các ban ngành, đoàn thể trong xã kết nối với các tổ chức từ thiện để quyên góp, trao quà cho bà con nghèo trên địa bàn như: phối hợp với Hội từ thiện Nghĩa tình quê hương (TP. Hồ Chí Minh) và Hội từ thiện thanh niên Chư Prông trao 600 suất quà cho học sinh và hộ nghèo; phối hợp với chùa Minh Quang (tỉnh Bình Định) trao 280 suất quà cho các hộ nghèo và cận nghèo; cùng tịnh xá Phước Lộc (tỉnh Đồng Nai) trao 284 suất quà cho người nghèo…
Anh Lê Thế Đô-Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Chư Prông-nhận xét: Anh Nguyễn Thanh Phương là người nhiệt tình, sôi nổi, luôn quan tâm và đồng hành với thanh niên khó khăn trên địa bàn xã. Cơ sở nuôi nai của anh Phương cũng là một mô hình mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cuối tháng 10 vừa qua, anh là một trong 50 thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp tiêu biểu giai đoạn 2014-2019 được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh tặng bằng khen.
PHAN LÀI

Có thể bạn quan tâm