Thu nhập hàng trăm triệu đồng nhờ nuôi dúi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 2 năm nuôi dúi, từ số vốn đầu tư ban đầu là 10 triệu đồng, hiện anh Lê Đức Linh (thôn Phú Bình, xã Ia Le, huyện Chư Pưh) đã có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Sau khi tốt nghiệp THPT năm 2012, dù thi đậu Trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin TP. Hồ Chí Minh nhưng Linh quyết định không đi học mà tình nguyện lên đường làm nghĩa vụ quân sự. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, anh tích cực tham gia các phong trào của địa phương. Trước khi được bầu làm Phó Bí thư Đoàn xã Ia Le, anh từng giữ chức Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã.

 

Mô hình nuôi dúi của anh Lê Đức Linh . Ảnh: L.T
Mô hình nuôi dúi của anh Lê Đức Linh. Ảnh: L.T

Dù tham gia công tác xã hội nhưng Linh luôn nung nấu quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất nơi anh lớn lên. Năm 2015, trong chuyến sang thăm anh trai tại tỉnh Đak Lak, thấy mô hình nuôi dúi của anh trai đem lại hiệu quả kinh tế cao, Linh quyết định làm theo. Được anh trai hướng dẫn kỹ thuật, Linh dốc hết 10 triệu đồng tiết kiệm được đầu tư làm chuồng và nuôi thử nghiệm 2 cặp dúi sinh sản. Gần 1 năm sau, khi đã có kinh nghiệm, Linh mạnh dạn vay thêm vốn mở rộng mô hình nuôi dúi. Đến nay, anh đã có 25 cặp dúi sinh sản. Khi được hỏi tại sao lại chọn khởi nghiệp bằng cách nuôi dúi, Linh cho biết: “Tôi chọn nuôi dúi vì đây là loại động vật dễ nuôi, thức ăn đơn giản, dễ kiếm. Bên cạnh đó, giá dúi sinh sản và dúi thương phẩm trên thị trường khá cao mà vốn đầu tư lại ít, rất thích hợp với những đoàn viên thanh niên ít vốn”.

Theo Linh, khó khăn lớn nhất khi nuôi dúi là nguồn vốn đầu tư, kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh. Đặc biệt, khâu phối giống cho dúi rất quan trọng. Để biết thời điểm thích hợp cho dúi phối giống, anh đã dành nhiều thời gian quan sát, ghi chép đầy đủ quy luật sinh sản của loài vật này. Từ đó, anh có chế độ cho ăn và chăm sóc kịp thời. Dúi sau thời gian sinh trưởng 8-9 tháng sẽ bước vào giai đoạn sinh sản. Mỗi năm, dúi đẻ 3-4 lứa, mỗi lứa 2-5 con. Do đặc tính tự nhiên tương đối giống loại chuột nên dúi mẹ nuôi con ít hao hụt, tỷ lệ con sống đến giai đoạn trưởng thành lên tới trên 90%. Thức ăn của dúi chủ yếu là thân cây tre và thân cây mía. Nếu cung cấp khẩu phần ăn đúng, đầy đủ cho dúi mẹ thì sau 40-45 ngày tuổi, dúi con có thể tách đàn. Với giá bán trên thị trường hiện nay là 5 triệu đồng/cặp dúi sinh sản và 350-400 ngàn đồng/kg dúi thương phẩm, Linh thu lời trên 100 triệu đồng/năm. Anh chia sẻ: “Nếu được chính quyền hỗ trợ vốn, tôi sẽ tiếp tục mở rộng mô hình để không chỉ cung cấp dúi sinh sản mà còn cung cấp cả dúi thương phẩm cho khách hàng có nhu cầu trên địa bàn xã và các tỉnh khác. Cùng với đó, tôi sẽ hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi dúi cho các đoàn viên thanh niên trong xã có nhu cầu để phát triển kinh tế gia đình”.

Trao đổi với P.V, chị Nguyễn Thị Hằng-Bí thư Đoàn xã Ia Le, cho biết: Thời gian qua, trên địa bàn xã có rất nhiều mô hình khởi nghiệp của thanh niên như mô hình nuôi dê, heo rừng… Tuy nhiên, mô hình nuôi dúi thì trên địa bàn xã chỉ có anh Lê Đức Linh làm. Tôi thấy mô hình này  đem lại hiệu quả cao, nguồn vốn đầu tư thấp. Tôi sẽ vận động thanh niên trong xã học hỏi và đầu tư nuôi dúi để phát triển kinh tế gia đình.

Lê Trang

Có thể bạn quan tâm