(GLO)- Về xã biên giới Ia Mơr (huyện Chư Prông, Gia Lai), hỏi từ người già cho đến trẻ nhỏ, từ cán bộ làng cho đến cán bộ xã, tất thảy đều dành những lời ngợi khen đối với Thượng úy Rơ Ô Thuy-Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ia Mơr. Bởi trong suốt 12 năm gắn bó với nơi này, anh luôn gần gũi, chia sẻ, giúp đỡ bà con”.
Tháng 10 vừa qua, tại Hà Nội, Thượng úy Rơ Ô Thuy vinh dự là một trong 50 cá nhân điển hình trong toàn quân được Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo giai đoạn 2013-2018.
Nói dân nghe, làm dân tin
Nói về những ngày đầu về nhận nhiệm vụ tại Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ia Mơr, Thượng úy Rơ Ô Thuy chia sẻ: “Hơn 10 năm trước, Ia Mơr chỉ có khoảng 300 hộ, chủ yếu là người dân tộc Jrai. Bà con vẫn trồng lúa rẫy bằng phương pháp chọc, trỉa và chưa biết đến cây điều, cây mì, cây đậu... nên đời sống còn nhiều khó khăn”. Với suy nghĩ “mình là người dân tộc thiểu số, đang công tác trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên phải có trách nhiệm với đơn vị, với người dân nơi công tác”, anh đã không quản ngại khó khăn, vất vả, cứ khi nào, ở đâu người dân cần, anh đều có mặt kịp thời. Bởi anh luôn cho rằng, muốn nói dân nghe, làm dân tin thì trước hết phải lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân và kịp thời giúp đỡ khi người dân cần.
Thượng úy Rơ Ô Thuy trao đổi tình hình với già làng Ksor H'Blâm. Ảnh: P.D |
Bằng phương pháp “mưa dầm thấm lâu”, ngày ngày, Thượng úy Rơ Ô Thuy đều sắp xếp thời gian xuống làng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng địa phương” với người dân. Rồi chẳng biết từ khi nào, người dân các làng: Khôi, HNáp, Klă, Krông đều tìm đến anh như một thói quen. Từ chuyện tranh chấp đất đai, mâu thuẫn vợ chồng cho đến chuyện mất lúa, trộm bò, đứt dây điện, thậm chí vợ đẻ khó cũng gọi cho anh. Kể lại câu chuyện cách đây đã lâu, Thượng úy Rơ Ô Thuy cười nói: “Chị Siu Phen (làng Klă) sắp lâm bồn nhưng vì thai quá lớn, đẻ khó mà chẳng hiểu anh chồng quýnh quáng thế nào không gọi bác sĩ, y sĩ, lại cứ bắt mình phải có mặt. Mà dân cần họ mới gọi nên dù không có chuyên môn mình vẫn ghé nhà, sau đó gọi điện thoại cho cán bộ y tế xã và cán bộ y tế Bệnh xá Trung đoàn 710 (Binh đoàn 15) đến hỗ trợ...”.
Đặc biệt, để từng bước giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm vươn lên phát triển kinh tế, năm 2013, Đồn Biên phòng Ia Mơr triển khai mô hình trình diễn lúa nước tại địa bàn và Thượng úy Rơ Ô Thuy được giao phụ trách mô hình. Hiểu được suy nghĩ của người dân nên ngay từ khâu khai hoang, làm đất đến gieo hạt, bón phân, gặt lúa... anh đều phối hợp với các ban ngành, đoàn thể mời bà con đến để tuyên truyền, phổ biến. Đồng thời anh cũng vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất đồi không thể trồng lúa nước sang trồng cây lương thực ngắn ngày như đậu, bắp, mì... để có nguồn thu nhập ổn định. “Đến nay, 100% hộ dân trong xã đã biết làm lúa nước 1 vụ và nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nên cuộc sống của người dân đã dần được cải thiện”-Thượng úy Rơ Ô Thuy nói.
Sau 10 năm gắn bó với xã Ia Mơr, cuối năm 2014, Thượng úy Rơ Ô Thuy được điều động sang làm Đội trưởng Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai). Nhưng chưa đầy 1 năm sau, chính Bí thư Đảng ủy xã Ia Mơr đã đề xuất với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh điều anh quay trở lại địa bàn, vì đó cũng là mong muốn, nguyện vọng của người dân. Bà Ksor HBlâm-già làng làng Krông-khen ngợi: “Rơ Ô Thuy xứng đáng là cán bộ của nhân dân. Thuy luôn gần gũi, lắng nghe bà con nói và biết cách giải quyết hài hòa các vụ việc nên bà con rất tin tưởng, yêu quý. Ở đây, nếu làm không tốt thì dân người ta không nghe, không nhớ và không tin đâu”.
Luôn có mặt khi dân cần
Thượng úy Rơ Ô Thuy hướng dẫn người dân làm lúa nước. Ảnh: P.D |
Không chỉ giúp nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, Thượng úy Rơ Ô Thuy còn thường xuyên xuống từng làng, lên tận các nương rẫy tuyên truyền để nhân dân nắm, hiểu rõ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là nội quy, quy chế ra vào khu vực biên giới... Nhờ đó, quần chúng nhân dân trên địa bàn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, không nghe theo lời tuyên truyền, kích động của các thế lực thù địch, khi phát hiện người lạ mặt ra vào làng đã kịp thời báo cho lực lượng chức năng. Cũng theo Thượng úy Rơ Ô Thuy, nhờ làm tốt công tác rà soát, tuyên truyền và giải thích đến từng hộ gia đình nên người dân đã tự nguyện giao nộp vũ khí tự chế, góp phần giữ vững ổn định chính trị-trật tự an toàn xã hội trên địa bàn khu vực biên giới.
Trong vai trò Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Thượng úy Rơ Ô Thuy còn tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm các vấn đề, vụ việc xảy ra trên địa bàn, không để tạo thành điểm nóng. Trao đổi thêm về vấn đề này, anh cho hay: “Mỗi khi trên địa bàn có tình trạng tranh chấp, mâu thuẫn, Đội đều phối hợp với già làng, trưởng thôn, cán bộ hòa giải của xã đến tận nơi để gặp gỡ, lắng nghe và giải quyết sao cho thấu tình đạt lý”. Mới đây, anh đã tham gia hòa giải thành công mâu thuẫn giữa gia đình bà Rơ Mah Bênh và ông Kpă Oách (làng Klă) liên quan đến việc ông Oách phun thuốc xịt cỏ bên diện tích đất nhà mình nhưng chẳng may gió tạt làm chết vài vạt lúa nhà bà Bênh. Theo giải thích của bà Bênh, để có ruộng lúa xanh tốt, bà đã phải cúng một con trâu xin với Yang nên bây giờ ông Oách phải trả trâu để bà cúng tạ lỗi nếu không Yang sẽ trách phạt, không cho năng suất nữa... Sau khi nghe hai bên trình bày, Thượng úy Rô Ô Thuy đã đứng ra giải thích để bà Bênh hiểu đây chỉ là lỗi do sơ ý và gia đình ông Oách sẽ đền bằng cách trồng lại những vạt lúa đã chết rồi mua phân về bón, hoặc tính năng suất diện tích lúa đã bị chết để quy ra tiền nộp phạt. Còn việc đền trâu để cúng tạ lỗi với Yang có thể thay bằng con gà...
Nhận xét về Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ia Mơr, ông Nguyễn Tuấn Anh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr-nhấn mạnh: “Bà con các làng đều rất yêu quý đồng chí Rơ Ô Thuy. Đồng chí Thuy luôn tích cực tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương trong vấn đề giữ gìn an ninh trật tự thôn làng và nhiệt tình hướng dẫn nhân dân làm lúa nước, vận động bà con giữ gìn vệ sinh môi trường, làm chuồng trại nuôi nhốt gia súc, tham gia xây dựng nông thôn mới...”.
Phương Dung