Tiếp nối truyền thống cha anh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 30-4-1975, miền Nam được giải phóng, nước nhà thống nhất. Với niềm tự hào được sinh ra vào thời khắc lịch sử này, nhiều người đã nỗ lực cống hiến để xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha ông. 

 

Sinh ngày 30-4

Trò chuyện với chúng tôi, Thượng tá Đinh Văn Thê-Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh luôn tự hào vì được sinh ra đúng ngày đất nước thống nhất. Anh là con trai của Thiếu tướng Kpă Thìn-nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai-Kon Tum và mẹ là bà Đinh Thị Chớ-nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh. Thượng tá Đinh Văn Thê bồi hồi nhớ lại: Sinh thời, những dịp kỷ niệm 30-4, Thiếu tướng Kpă Thìn thường ngồi nói chuyện với cậu con trai về ngày sinh đặc biệt này. Ông nói: “Mỗi người dân Việt Nam đều mong ngày đất nước sạch bóng quân thù. Chính vì thế, ngày 30-4 chính là thời khắc hạnh phúc nhất, đặc biệt là với người lính xông pha nơi chiến trận. Lúc con ra đời, bố không được ở bên cạnh mẹ và con. 2 ngày sau, bố mới nhận được tin con chào đời vào khoảng 14 giờ ngày 30-4. Sinh ra vào đúng ngày trọng đại của đất nước, con hãy nhớ phải sống sao cho xứng đáng”.

Thượng tá Đinh Văn Thê (bìa phải) kiểm tra mô hình học cụ để chuẩn bị cho công tác ra quân huấn luyện. Ảnh: P.L
Thượng tá Đinh Văn Thê (bìa phải) kiểm tra mô hình học cụ để chuẩn bị cho công tác ra quân huấn luyện. Ảnh: P.L



Yêu màu áo lính, biết ơn sự truyền lửa từ người cha, Thượng tá Đinh Văn Thê luôn nỗ lực học tập, rèn luyện. Những câu chuyện về một thời chiến đấu ác liệt và sự sáng tạo, trách nhiệm trong dẫn dắt lực lượng quân đội ở thời bình của Thiếu tướng Kpă Thìn đã ảnh hưởng khá nhiều đến tính cách của anh. Trong công việc, anh được đánh giá là người quyết đoán, thẳng thắn, luôn hoàn thành nhiệm vụ do cấp trên giao phó và được cấp dưới kính trọng. Nhiều người nghĩ, anh khó gần khi nắm giữ vai trò Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Thế nhưng, khi tiếp xúc, ai cũng cảm nhận được sự gần gũi, khiêm tốn trong quan hệ với đồng chí, đồng đội. Một phần cũng nhờ lợi thế của anh là có thể nghe và nói được cả tiếng Jrai và Bahnar. 

Trải qua quá trình rèn luyện và học tập, đảm nhận nhiều chức vụ khác nhau và công tác ở nhiều địa phương, nhưng Thượng tá Đinh Văn Thê vẫn luôn cho rằng bản thân cần tu dưỡng, phấn đấu nhiều hơn nữa. Những ngày này, khi cả dân tộc hân hoan chào mừng kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thì tuổi anh cũng vừa tròn 45. Điều ấy khiến anh vô cùng xúc động và không giấu được niềm tự hào. “Gia Lai là địa bàn chiến lược về quốc phòng-an ninh. Vì thế, lực lượng vũ trang tỉnh phải làm tốt công tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, trau dồi kỹ năng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống. Là người chỉ huy, tôi thấy mình phải cố gắng gấp bội, tu rèn phẩm chất để tiếp nối truyền thống cha anh, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội”-Thượng tá Đinh Văn Thê tự hào chia sẻ.

Tên gọi nhắc nhớ lịch sử

Dù không sinh ra đúng ngày 30-4 nhưng anh Cù Lịch Sử (thôn 6, xã Gào, TP. Pleiku) luôn tự hào về cái tên ấn tượng của mình. Anh Sử cho biết: “Tôi sinh ngày 26-7-1975, thời điểm cả đất nước hân hoan niềm vui được sống trong hòa bình. Bố mẹ tôi vì vậy đã quyết định đặt tên tôi là Lịch Sử để không bao giờ quên dấu mốc quan trọng đó”.

Anh Cù Lịch Sử (bìa phải) luôn tự hào về cái tên ý nghĩa của mình và luôn nỗ lực để phát triển kinh tế. Ảnh: Phan Lài
Anh Cù Lịch Sử (bìa phải) luôn tự hào về cái tên ý nghĩa của mình và luôn nỗ lực để phát triển kinh tế. Ảnh: Phan Lài



Trước năm 1975, gia đình anh Cù Lịch Sử sống ở phường Hội Phú (thị xã Pleiku). Thực hiện chính sách giãn dân của tỉnh vào năm 1976, gia đình anh cùng nhiều hộ dân di cư vào xã Gào để khai khẩn đất hoang, phát triển kinh tế. Đã 44 năm trôi qua nhưng anh vẫn còn nhớ như in những ngày tháng gian khó nơi đất mới. Lúc ấy, xã Gào còn rất hoang sơ, khó khổ, nhiều gia đình vì không trụ nổi nên đã phải rời đi. Người dân đã đói ăn, thiếu mặc lại còn bị bệnh sốt rét hành hạ. Bố anh Sử vốn có chút kiến thức về y học nên đã giúp nhiều người dân vượt qua bạo bệnh. Với quyết tâm bám trụ lại nơi này, bố mẹ anh Sử cùng các con đã lần hồi khai khẩn, biến đất cằn thành vườn cây xanh tốt.

Đất không phụ công người, những vườn cây trái của gia đình anh cho năng suất cao, kinh tế gia đình ngày càng ổn định. Sau khi tốt nghiệp THPT, anh Sử ở nhà phụ giúp bố mẹ làm vườn. Nhờ chịu khó, anh tiếp thu rất nhanh những kỹ thuật chăm sóc cây trồng. Sau khi lập gia đình, với 1 ha đất bố mẹ cho, vợ chồng anh chăm chỉ làm lụng và tích góp mua thêm đất rẫy. Đến nay, quy mô vườn hồ tiêu và cà phê của gia đình anh Sử đã tăng lên 15 ha, trung bình mỗi năm gia đình anh thu nhập hơn 2 tỷ đồng sau khi trừ chi phí. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, anh Sử còn tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động tại địa phương, hỗ trợ nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Gào vay vốn phát triển sản xuất. “Chúng tôi sinh ra vào đúng thời điểm đất nước mới giải phóng, chứng kiến những giai đoạn khó khăn rồi phát triển, cuộc sống của người dân ngày càng đủ đầy, đường sá đi lại thuận lợi hơn. Tôi luôn tự nhủ phải cố gắng, nỗ lực hết sức để làm giàu trên quê hương, đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước”-anh Sử tâm niệm.

Còn rất nhiều người sinh ra vào đúng thời điểm đất nước được giải phóng và đã có những thành công, đóng góp nhất định cho xã hội, chỉ tiếc rằng, chúng tôi chưa thể tiếp cận hết. Dù làm việc ở những ngành nghề, lĩnh vực khác nhau nhưng họ đều luôn nỗ lực hết mình để xứng đáng với truyền thống và sự hy sinh của cha ông. Họ chính là thế hệ khép lại quá khứ đau thương và hào hùng, mở ra một giai đoạn phát triển mới của đất nước.

 PHAN LÀI

 

Có thể bạn quan tâm