Trở thành công dân toàn cầu: Cơ hội trong tầm tay học sinh Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Diễn ra trong vòng 2 ngày, Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy tiếng Anh và ngoại khóa với chủ đề “Tôi muốn trở thành công dân toàn cầu” được tổ chức tại Trường THPT Pleiku, tỉnh Gia Lai đã tạo ra hiệu ứng tích cực. Nhiều bạn trẻ đã thay đổi cách nghĩ và bắt đầu chuẩn bị hành trang cần thiết để trở thành công dân toàn cầu (CDTC) trong tương lai.
Ai cũng có cơ hội
Mới đây, tại Trường THPT Pleiku, diễn giả David John Whitehead-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Mavin, một nhà giáo dục đến từ Úc đã chia sẻ với hơn 800 học sinh và giáo viên một số vấn đề cơ bản về CDTC, về du học; đồng thời giao lưu, trao đổi những kinh nghiệm, kỹ năng để học và giao tiếp tốt tiếng Anh. Từ những bỡ ngỡ ban đầu, các em đã dần tự tin tương tác với diễn giả khiến không khí buổi ngoại khóa trở nên náo nhiệt và cuốn hút. Những thắc mắc liên quan đến các nội dung trên cũng được ông David giải đáp cụ thể, qua đó đã góp phần truyền cảm hứng học tập cho đông đảo học sinh.
 Nhiều học sinh đã tự tin giao tiếp với diễn giả David John Whitehead bằng tiếng Anh. Ảnh: M.T
Nhiều học sinh đã tự tin giao tiếp với diễn giả David John Whitehead bằng tiếng Anh. Ảnh: M.T
Em Trương Nguyễn Thanh Trúc (lớp 10B5) chia sẻ: “Em và nhiều bạn khác từng nghĩ rằng, chỉ những người giàu có mới có khả năng đi du học hoặc trở thành CDTC. Thế nhưng sau khi tham gia buổi ngoại khóa, em mới nhận ra quan niệm của mình hoàn toàn sai lầm. Bởi lẽ, bất kỳ ai cũng có thể trở thành CDTC nếu dám ước mơ và hành động, nhất là nỗ lực học tiếng Anh và rèn luyện kỹ năng mềm chứ việc này không hoàn toàn phụ thuộc vào độ tuổi, giới tính, hoàn cảnh gia đình… Theo phân tích của ông David, tiếng Anh là công cụ rất hữu ích trong cuộc sống và không quá khó để học như nhiều người vẫn nghĩ”. Trúc cho hay, trước mắt, em sẽ hoàn thiện chứng chỉ IELTS vào năm sau và bắt tay vào việc gửi luận văn để xin học bổng tại các trường đại học danh tiếng ở Úc.
Vừa kết thúc phần trao đổi bằng tiếng Anh với diễn giả, em Lê Hữu Trọng (lớp 11D1) cũng hào hứng nói: “Cách truyền đạt của ông David khá gần gũi, dễ hiểu và xác thực nên chúng em không ngần ngại bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình về vấn đề CDTC. Mục tiêu của em là thi đỗ vào Học viện Ngoại giao để có thể trở thành một phiên dịch viên cấp cao hoặc nhà ngoại giao giỏi, góp phần vào việc giải quyết những vấn đề nóng mà cả thế giới đang quan tâm”.
Trao đổi với P.V, ông David John Whitehead đánh giá, thông qua buổi ngoại khóa, ông nhận thấy trình độ tiếng Anh của học sinh Trường THPT Pleiku khá tốt. Ông cũng hy vọng rằng mình đã truyền được cảm hứng cho các em trong việc học tập tiếng Anh cũng như trên hành trình trở thành một CDTC. “Ai cũng có thể trở thành CDTC và bước đầu tiên là bạn cần có kỹ năng kết nối, giao tiếp tốt. Phải sử dụng mạng xã hội, internet vào những mục đích chính đáng, chẳng hạn tìm hiểu một số vấn đề nóng trong xã hội không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam mà còn trên toàn thế giới như: sự nghèo đói, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, những bất công trong xã hội… Tiếp đến, bạn cần làm gì đó để tạo ra lợi ích xã hội và nếu đủ trình độ thì bạn có thể đề xuất những chiến lược với chính quyền địa phương để làm thay đổi tình huống, sự việc theo hướng tích cực hơn”-ông David cho hay.
Khơi dậy đam mê học ngoại ngữ
Tại hội thảo về kinh nghiệm giảng dạy tiếng Anh cho giáo viên, ông David John Whitehead chủ yếu chia sẻ xoay quanh các nội dung: làm thế nào để giảng dạy bộ môn Tiếng Anh một cách hiệu quả; cách tổ chức các hoạt động để khuyến khích và truyền cảm hứng học tiếng Anh trong học sinh (ngoại khóa, gameshow, trình chiếu video clip…); chiến lược dạy các kỹ năng nghe-nói-đọc-viết trong tiếng Anh; hành trang của giáo viên trong giai đoạn hiện nay để giúp học sinh trở thành CDTC… “Để học tốt môn học này, trong giảng dạy nên chú trọng vào kỹ năng hơn là ngữ pháp. Ở Úc, giáo viên chỉ dành khoảng 10% thời lượng để truyền đạt ngữ pháp cho học sinh, 90% còn lại là rèn luyện và cải thiện kỹ năng hàng ngày, trong khi ở Việt Nam tôi thấy dường như ngược lại. Đa phần học sinh chưa thể thoát ly được sách giáo khoa. Qua hội thảo, tôi mong muốn các giáo viên có thể truyền cảm hứng cho học sinh, giúp các em hiểu được giá trị của việc học tiếng Anh và tổ chức nhiều hơn nữa những hoạt động trải nghiệm để học sinh tự tin, mạnh dạn hơn trước đám đông”-ông David nhắn nhủ.
Học sinh hào hứng giao lưu, trao đổi với diễn giả bằng tiếng Anh về vấn đề CDTC. Ảnh: Mộc Trà
Học sinh hào hứng giao lưu, trao đổi với diễn giả bằng tiếng Anh về vấn đề CDTC. Ảnh: Mộc Trà
Tham gia hội thảo, cô Nguyễn Thị Ngọc Uyên-Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi (TP. Pleiku) bày tỏ: “Tôi nắm được khá nhiều thông tin bổ ích từ ông David về phương pháp giảng dạy tiếng Anh, chương trình, cách học, tài liệu, thời gian học và những hoạt động thiết thực cho học sinh… Từ đó, tôi nhận thấy rằng việc học ngoại ngữ của học sinh mình khá hạn chế trong ngữ cảnh không có môi trường giao tiếp với người nước ngoài, mặc dù giáo viên cũng luôn cố gắng thiết kế chương trình học để các em tương tác với nhau bằng tiếng Anh. Bên cạnh đó, trên cơ sở những chia sẻ của ông David về giáo dục định hướng CDTC, chúng tôi cũng tích lũy được cho mình vốn kiến thức nhất định để trang bị cho học sinh trở thành những công dân thời kỳ hội nhập”.
Cô Nguyễn Thị Nhớ-giáo viên Trường THPT Pleiku-cũng chia sẻ: “Thật ra, việc giảng dạy tiếng Anh ở tỉnh ta cũng còn khá hạn chế do nhiều nguyên nhân khách quan như: lớp học quá đông nên khó quan tâm sâu sát đến từng học sinh; thiếu dịp gặp gỡ những chuyên gia giáo dục, đặc biệt là người bản ngữ; thiếu cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn thường xuyên… Từ thực trạng này, ông David cũng gợi mở cho chúng tôi những giải pháp hay để khích lệ, động viên và kích hoạt kỹ năng học tiếng Anh cho học sinh gắn với định hướng trở thành CDTC”.
 MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm