Từ hiệu quả ban đầu của việc trồng bần góp phần phòng chống sạt lở, Thành đoàn Cần Thơ tiếp tục duy trì hoạt động này và sẽ trồng thêm 35.000 cây.
Đưa cây bần ra sông nhằm phòng chống sạt lở là hoạt động thường xuyên của thanh niên TP.Cần Thơ ẢNH: THANH DUY |
Năm 2020, Thành đoàn Cần Thơ triển khai trồng 28.000 cây bần ven sông gia cố bờ bao, chống sạt lở tại 6 quận, huyện Ô Môn, Phong Điền, Ninh Kiều, Bình Thủy, Thốt Nốt, Cờ Đỏ. Ý nghĩa cấp thiết của chương trình này tạo được sự hưởng ứng tích cực của người dân.
Thiên tai về sạt lở là nỗi lo của nhiều người dân TP.Cần Thơ, trong đó Q.Ô Môn là địa phương có nguy cơ sạt lở cao, với hơn 40 điểm đen được báo động. Năm 2020, toàn quận xảy ra 4 vụ sạt lở, làm giao thông đứt gãy, cản trở việc đi lại và lao động, sản xuất của người dân. Đặc biệt, hai bên bờ sông Ô Môn và các nhánh sông phụ hiện hữu, bà con luôn phập phồng lo sợ vì có thể bị sạt lở nuốt chửng nhà cửa, tài sản bất cứ lúc nào.
Sau một năm triển khai, đến nay, ven nhiều tuyến sông ở P.Trường Lạc (Q.Ô Môn) chen xen nhiều cây bần đã lớn là những cây bần nhỏ đã cao được khoảng 1 - 1,5 m. Chị Dương Thị Diệu, Bí thư Đoàn phường Trường Lạc, cho biết sau khi trồng, việc gia cố công trình được thực hiện thường xuyên. Chỗ hao hụt thì nhanh chóng trồng bổ sung, cắm cọc cố định để cây không bị bật rễ, cuốn trôi theo dòng nước.
Anh Nguyễn Phương Tùng, Trưởng ban Thanh niên công nhân đô thị và nông thôn, Thành đoàn Cần Thơ, cho biết: “Trồng bần chống sạt lở đã trở thành hoạt động thường xuyên của các cơ sở Đoàn trực thuộc và năm 2021 dự kiến trồng thêm 35.000 cây. Khi ra quân, đoàn viên thanh niên luôn kết hợp với việc tuyên truyền, vận động người dân trồng thêm cây xanh ở cận sông để tăng cường khả năng chống sạt lở, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu”.
Theo Thanh Duy (TNO)