Trường cũ, bạn xưa...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cả tháng trước, các bạn lớp tôi chợt nghĩ ra sáng kiến họp lớp, ồn ào thông báo cho nhau, hẹn hò bận mấy cũng phải về quê gặp mặt. Đứa Nam, đứa Bắc, người dưới biển, người trên rừng, có bạn bao năm chẳng mấy khi liên lạc, có người bặt vô âm tín bỗng điện thoại, email, Facebook, Zalo í ới, rộn ràng.
Trước đó, các bạn tôi lập tài khoản trên mạng xã hội Zalo và Facebook có logo của trường chúng tôi học khi xưa, giấy mời dự họp của Ban liên lạc, đề nghị bạn bè cùng lớp đăng ký tham dự, cập nhật “quân số”, công tác chuẩn bị, nội dung, quà lưu niệm... Nắm được số điện thoại, địa chỉ của nhau, chúng tôi thành ra có điều kiện “gặp” lại, hỏi han, chia sẻ, bốc phét trăm thứ bà rằn. Có cả những lời “mắng mỏ”, trách móc, giận hờn, tỷ như: “Mày làm đến gì rồi, ông to bà lớn gì mà sao khó gặp dữ”, “Mày khá lắm, cứ xa cách anh em đi”, “Mày cưới vợ hồi nào, giờ mấy đứa?”, “Con cái mày ra sao, cháu nội cháu ngoại thế nào?”, “Mày “up” ảnh gia đình lên Zalo tao coi”... Dồn dập, cấp tập, mày tao mi tớ. Những cảm giác thân thương, ấm áp cùng những kỷ niệm xưa cũ lại hiện về chập chờn, sống động.
   Tranh minh họa.
Tranh minh họa.
35 năm trời có lẻ, khóa III một trường cấp III lứa chúng tôi chưa một lần hội ngộ. Tôi cũng như bao bạn bè, gần như quên mất cái ngày rời xa trường. Cũng bởi với 2 bàn tay trắng, nghèo khổ như nhau, sự nghiệp trần ai, gánh nặng cơm áo gạo tiền và rồi một ngày tự thấy phải chậm lại, lắng lòng xa xôi. Lần họp lớp này có lẽ xuất phát từ suy nghĩ và tâm trạng đó. Duy có điều ban đầu tôi lấy làm bất ngờ nhưng sau thấy “có lý”, đó là quyết định họp vào dịp lễ 30-4 (đúng vào ngày 30-4) năm nay, một kỳ nghỉ kéo dài 5 ngày, chừng đó thời gian như ủng hộ để đám bạn tứ phương tụ họp đông đủ nhất.
Nhắc nhớ, mới vừa hôm qua, chị vợ anh bạn đồng nghiệp cũng cho biết vừa đi họp lớp về. Ngẫu nhiên, chị học trường vừa học vừa làm cùng huyện, trên tôi một khóa. Trường này sau đó đã giải thể. Khóa chị, học sinh kéo xuống trường tôi dự thi, còn khóa sau chúng tôi đùm túm lên trường chị thi tốt nghiệp. Lớp chị họp với những thành viên đang công tác tại Gia Lai và tôi có biết tên một số người như các anh: Bảy, Minh, Thọ... “Không nhiều nhưng để nhớ về nhau, về trường lớp, về một thời gian khó nhưng ắp đầy yêu thương, kỷ niệm”-giọng chị xúc động. Chị cũng cho biết, không riêng gì lớp chị mà nhiều lớp trung học, trung cấp, cao đẳng, đại học, hay hội đồng hương dịp này cũng lựa chọn tổ chức. Vậy là chẳng phải ngẫu nhiên? Có lẽ chọn ngày lễ lớn tụ họp là tốt nhất để nhớ về kỷ niệm xưa, để ngày họp mặt thêm phần ý nghĩa? Dịp lễ này cũng đã gần hè, phù hợp để nhớ một thời học sinh bận rộn thi cử và tốt nghiệp, ra trường?
Hóa ra, mọi sự lựa chọn đều có lý do xác đáng. Ngẫm lại, lồng ghép hay riêng lẻ kiểu như chúng tôi hay nhiều người chọn “mở” sự kiện dịp 30-4 này, ý nghĩa càng thêm nổi bật, ấn tượng, sâu sắc. Đó là vì sự kiện, sự việc trùng với một ngày trọng đại: đại thắng mùa Xuân năm 1975, mở ra một kỷ nguyên mới của cách mạng Việt Nam, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; là ngày vui thống nhất của cả dân tộc. Hiểu cách khác, nếu không có ngày lịch sử 30-4 thì đất nước ta làm sao có được thống nhất, độc lập, dân ta làm sao có được tự do, hạnh phúc, có thể “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” như lời Bác Hồ nói, làm sao có thể tự tin hội nhập và phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay?
Nói đến điều này xin có một liên hệ để thấy ý nghĩa của ngày thống nhất đất nước, giang sơn thu về một mối có giá trị và ý nghĩa lịch sử to lớn như thế nào. Là nơi diễn ra tranh chấp ác liệt trong chiến tranh, người quê tôi dù bám trụ hay tứ tán đều đau đáu một niềm hòa bình trên quê hương yêu dấu. Vừa ngưng tiếng súng, người quê lánh nạn khắp nơi đã vội vàng gồng gánh, cộ thồ dắt díu nhau trở về. “Hòa bình rồi, về quê ăn muối cũng ngon”-ba tôi nói thế, người quê tôi nói thế và đều cùng chung một quyết định: nhanh chóng trở về.
Đâu phải chỉ có làm lụng khổ sở, đói khát, còn bao nhiêu bom mìn thời chiến tranh nguy hiểm rình rập sót lại. Bao nhiêu người đã đánh đổi mạng sống của mình cho từng thước đất quê hương đơm hoa kết trái. Bản thân ba má, anh tôi cũng suýt mất mạng vì một quả bom bi nơi góc vườn sắp sửa cuốc xong. Mỗi khi về quê, câu chuyện giữa anh em tôi với người quê nhiều khi là chuyện “dông dài” thời xưa cũ chiến tranh. Là ký ức của những đêm canh chừng ca-nông để kịp xuống hầm trú ẩn. Là những lúc tắc đường tiếp tế thực phẩm ai cũng đói xanh mặt. Ban đêm tràn lan cạm bẫy, không dám bén mảng ra khỏi nhà. Nhà nọ đang bên mâm cơm bỗng tan nát, tang thương sau quả pháo ác nghiệt của địch...
Nhưng cũng liền đó, đối diện với quá khứ đau thương, gian khổ là hiện thực cuộc sống tươi sáng, lạc quan, dẫu vất vả hãy còn. Anh tôi trong một lần triết lý khiến tôi không khỏi suy ngẫm: “Nếu không có hòa bình thì chưa biết đến bao giờ quê mình mới có đường, có điện như hiện nay. Nếu cứ chiến tranh đánh nhau liên miên thì ai quan tâm đầu tư ở đây làm gì mà có đường, có điện”. Chỉ 2 “tiêu chí” cơ sở vật chất hạ tầng ấy thôi cũng đã nói lên tất cả sự đổi thay căn bản cũng như niềm mong mỏi và sướng vui của người dân quê tôi khi được sống trong khung cảnh đất nước thống nhất, thanh bình.
Vậy đấy, giá trị của độc lập, hòa bình, thống nhất!
Đã gần đến ngày lễ lớn. Tôi chắc chắn sẽ về quê để họp lớp, gặp bạn, gặp thầy, gặp lại những người thân yêu; để cùng sống trong tình thầy, tình bạn, hòa cùng niềm hân hoan ngày đất nước hòa bình, thống nhất, non sông thu về một mối, Nam-Bắc một nhà... 
THẤT SƠN

Có thể bạn quan tâm