Tư vấn tâm lý học đường: Điểm tựa của học sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trên tinh thần vừa là thầy vừa là bạn, các tổ tư vấn tâm lý học đường đã trở thành địa chỉ tin cậy giúp học sinh chia sẻ khó khăn, giải tỏa tâm-sinh lý của tuổi mới lớn.

Lắng nghe học sinh

Cô Hoàng Thị Thanh Tú-Bí thư Đoàn trường THPT Mạc Đĩnh Chi (huyện Chư Păh) cho biết: “Học sinh THPT thường gặp những bất ổn về tâm-sinh lý, xảy ra nhiều khúc mắc trong các mối quan hệ với thầy cô, bạn bè. Nếu không được tư vấn, định hướng, giải tỏa kịp thời sẽ dễ dẫn đến trầm cảm, bỏ học, bạo lực học đường”.

Thành viên Câu lạc bộ Tuổi hồng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (huyện Chư Păh) tư vấn tâm lý cho học sinh. Ảnh: Thủy Bình
Thành viên Câu lạc bộ Tuổi hồng (Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, huyện Chư Păh) tư vấn tâm lý cho học sinh. Ảnh: Thủy Bình


Xuất phát từ lý do đó, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) Tuổi hồng để tư vấn, định hướng tâm lý cho học sinh. Thành viên của CLB gồm: Bí thư Đoàn trường, giáo viên môn Sinh học và Giáo dục công dân, nhân viên y tế. Quá trình tư vấn tâm lý triển khai dưới nhiều hình thức: gặp gỡ trò chuyện trực tiếp; qua điện thoại, email, hòm thư góp ý hoặc thông qua các buổi ngoại khóa, chăm sóc sức khỏe, giáo dục giới tính, xây dựng tình bạn đẹp trong học đường... Những tâm tư, chia sẻ của các em được thầy-cô giáo giữ bí mật tuyệt đối.

Cô Hà Thị Hồng Vị-Phó Chủ nhiệm CLB, giáo viên môn Sinh học-thông tin: “Học sinh thời nay rất mạnh dạn, không còn ngại ngùng khi chia sẻ với thầy cô những vướng mắc thầm kín của bản thân. Để giúp các em giải tỏa tâm lý, mỗi thành viên phải biết lắng nghe, đặt mình vào hoàn cảnh của học sinh và đưa ra những biện pháp phù hợp”.

Những vấn đề học sinh gặp phải thường liên quan các lĩnh vực: tình cảm tuổi học trò, những áp lực trong cuộc sống gia đình, những thay đổi về cơ thể… Với sự gần gũi, kinh nghiệm và đồng cảm, nhiều khúc mắc của các em đã được thầy cô cùng tháo gỡ kịp thời. Các em dần hòa đồng với tập thể, chú tâm vào học tập.

Em Lý Nguyễn Hoàng My (lớp 12A1, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi) chia sẻ: “Trước đây, khi cần tìm hiểu về một vấn đề nào đó, em thường lên mạng internet, nhưng nhận được nhiều kết quả khác nhau, nhiều khi rất phân vân, không biết cách lựa chọn giải pháp đúng. Vì thế, em nhờ các thầy cô tư vấn và đã nhận được những lời khuyên rất chân thành, có ích”.

Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Đak Đoa có 147 học sinh. Các em ở nội trú, 2 tuần mới được về thăm gia đình vào ngày chủ nhật. Lứa tuổi THCS là giai đoạn quan trọng của tuổi vị thành niên, các em có sự phát triển nhanh chóng về thể chất, rất nhạy cảm trong tâm hồn. Việc sinh hoạt tập trung đã đặt ra nhiều thách thức với giáo viên trong việc quản lý, hỗ trợ các em trong giai đoạn phát triển quan trọng này.

Nhà trường đã thành lập tổ tư vấn gồm 1 Phó Hiệu trưởng làm chủ nhiệm, các thành viên còn lại gồm: Tổ trưởng Tổ khoa học tự nhiên, Tổ trưởng Tổ Khoa học xã hội, Tổng phụ trách Đội, nhân viên y tế, Tổ trưởng Tổ Quản lý nội trú. Điểm tư vấn đặt tại phòng sinh hoạt Đội. Trung bình 1 ngày có 2-4 lượt học sinh tới nhờ thầy cô tư vấn những vấn đề khúc mắc.

Bằng kỹ năng sư phạm cũng như kiến thức tổng hợp và liên quan, tổ tư vấn đã giúp các em xóa bỏ những rào cản tâm lý, giải tỏa những khúc mắc gặp phải để tập trung cho việc học tập. Em Ksor HMây (lớp 9) bày tỏ: “Khi gặp tình huống khó xử, em đã nhờ các thầy cô tư vấn, đưa ra lời khuyên. Nhờ đó, em luôn cảm thấy yên tâm, thoải mái và tập trung vào việc học tập”.

Vẫn còn khó khăn

Bên cạnh những thuận lợi, hoạt động của tổ tư vấn tâm lý học đường ở một số trường vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Công tác tư vấn chủ yếu vẫn do giáo viên kiêm nhiệm và dù có kỹ năng sư phạm nhưng khó có thể sâu sát, nắm bắt được tâm lý của tất cả học sinh. Trong khi đó, các thầy cô phải đứng lớp, không có nhiều thời gian trực tư vấn hay nhiều học sinh ngại ngần, không dám tìm nhờ giúp đỡ.

 

Với sự gần gũi, các em học sinh Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Đak Đoa thoải mái chia sẻ khó khăn với thầy cô- Ảnh Phan Lài
Với sự gần gũi, các em học sinh Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Đak Đoa thoải mái chia sẻ khó khăn với thầy cô. Ảnh: Phan Lài


Các thành viên tổ tư vấn tâm lý do kiêm nhiệm, không có chế độ đãi ngộ; chưa được tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng tư vấn tâm lý lứa tuổi vị thành niên mà chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của bản thân nên chất lượng tư vấn chưa đáp ứng yêu cầu. Các trường thường mượn phòng Đoàn-Đội hay y tế để tư vấn cho học sinh, chưa có không gian riêng tư, kín đáo để học sinh thoải mái giãi bày tâm sự với thầy cô cũng là một bất cập.

Cô Trần Thị Thu Thủy-Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Đak Đoa-cho hay: “Để công tác này thực sự hiệu quả thì phải có đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp là bác sĩ tâm lý. Nếu chưa có biên chế cho hoạt động này, với những thành viên kiêm nhiệm, cần có chế độ phụ cấp khuyến khích làm việc. Cùng với đó, quan tâm tổ chức các lớp tập huấn và cung cấp thêm các tài liệu liên quan, để hoạt động tư vấn phát huy hiệu quả”.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Long-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo-cho rằng: Việc duy trì hoạt động của các tổ tư vấn tâm lý học đường là thực sự cần thiết. Sở đã chỉ đạo các trường thành lập tổ tư vấn tâm lý học đường làm điểm tựa tinh thần giúp học sinh giải quyết những vấn đề khúc mắc, khủng hoảng về tâm lý. Nhiều trường đã chủ động tổ chức thêm các hoạt động ngoại khóa bổ ích cung cấp kiến thức cho học sinh nhằm tạo môi trường giáo dục lành mạnh và sự gần gũi giữa thầy cô và học trò. Chúng tôi rất chia sẻ với những khó khăn của các trường trong việc duy trì các tổ tư vấn tâm lý và sẽ tổng hợp ý kiến, đề xuất với cấp thẩm quyền để sớm có hướng giải quyết.

THỦY BÌNH

Có thể bạn quan tâm