(GLO)- Vừa qua, 2 học sinh Trường THPT Ia Ly (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã nghiên cứu và cho ra đời ứng dụng “Văn hóa Tây Nguyên”. Chỉ cần sở hữu một chiếc điện thoại thông minh, người dùng có thể tải ứng dụng này hoàn toàn miễn phí để tra cứu thông tin về lịch sử, văn hóa.
Chủ nhân của ứng dụng thiết thực này là 2 em Lê Minh Hải, Tô Mai Anh (lớp 12A4). Trò chuyện cùng chúng tôi, em Tô Mai Anh chia sẻ: “Việc bảo tồn và lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống ngày càng được chú trọng. Hiện nay, mỗi tỉnh đều có bảo tàng lưu giữ các hiện vật văn hóa. Tuy nhiên, không phải tất cả người dân đều có điều kiện đến tham quan và tìm hiểu. Công nghệ ngày càng phát triển, việc tìm kiếm các thông tin về lịch sử, văn hóa rất dễ dàng khi hầu hết mọi người đều sử dụng điện thoại thông minh. Vì thế, chúng em đã tìm tòi, nghiên cứu và cho ra đời ứng dụng này”.
Để hiện thực hóa ý tưởng của mình, nhóm tác giả đã đến Bảo tàng tỉnh và một số địa danh trong tỉnh để tham quan, chụp ảnh và thu thập thông tin. Đồng thời, các em tập hợp tài liệu, từ điển để đối chiếu, chọn lọc thông tin cho chính xác, sau đó, biên tập, xử lý cơ sở dữ liệu và hệ thống hóa thông tin để xây dựng nội dung. Khi đã thu thập đầy đủ dữ liệu, nhóm sử dụng các thuật toán tin học, thiết kế giao diện, đồ họa và hệ thống thông tin cho ứng dụng.
Hai em Tô Mai Anh (bìa trái) và Lê Minh Hải (lớp 12A4, Trường THPT Ya Ly, huyện Chư Păh) bổ sung thông tin cho ứng dụng “Văn hóa Tây Nguyên”. Ảnh: Minh Nhật |
Tiếp đó, ứng dụng được đưa lên Cửa hàng của Google Play (CH Play). Người dùng truy cập vào CH Play, gõ tìm kiếm ứng dụng “Văn hóa Tây Nguyên”, tải về và cài đặt trên điện thoại để trải nghiệm. Sau khi hoàn thành, nhóm tác giả đã khảo sát, thực nghiệm ứng dụng với sự tham gia của các học sinh trong trường. Ứng dụng có 3 danh mục chính: Ẩm thực Tây Nguyên, Văn hóa Tây Nguyên, Danh lam thắng cảnh. Khi chọn mục Ẩm thực Tây Nguyên sẽ có danh sách 35 món ăn như: bún đỏ Đak Lak, phở khô Gia Lai, gà nướng Bản Đôn, gỏi lá Tây Nguyên, cơm lam… hay mục Danh lam thắng cảnh sẽ thông tin về Thiền viện Trúc Lâm Đạo Nguyên, Biển Hồ, thủy điện Ia Ly, cầu treo Kon Klor, ga xe lửa Phố núi Đà Lạt…
Mỗi thư mục đều có hình ảnh minh họa sống động, địa chỉ, thông tin ngắn gọn, súc tích, trình bày logic, khoa học. Khi tra cứu ứng dụng, người dùng có thể tùy chọn ngôn ngữ tiếng Việt hoặc tiếng Anh. Không chỉ có văn bản, mỗi thư mục còn có file âm thanh để người dùng lựa chọn sử dụng. Phía dưới mỗi thư mục, nhóm tác giả đều đính kèm nguồn dẫn thông tin để tránh vi phạm bản quyền. Ứng dụng còn có chức năng tra cứu tương tự như Google, ví dụ chỉ cần gõ cụm từ “cồng chiêng” thì tất cả thông tin có chứa cụm từ này đều được liệt kê để người dùng chọn lựa.
Một số danh mục về văn hóa, ẩm thực và danh lam thắng cảnh trong ứng dụng “Văn hóa Tây Nguyên”. Ảnh: Minh Nhật |
Cô Nguyễn Thị Diệu Hương-giáo viên môn Tin học Trường THPT Ia Ly-cho hay: Trong suốt quá trình sáng tạo, các em chủ động thu thập thông tin và thiết kế giao diện. Giáo viên chỉ hỗ trợ một số thuật toán trong phần mềm tin học. Ứng dụng khi được đưa lên CH Play và được người dùng tải về, trải nghiệm thu lại những phản hồi khá tốt. Hiện nay, bậc học phổ thông có thêm môn Giáo dục địa phương, ứng dụng này giúp các em tra cứu thông tin liên quan đến môn học rất thuận lợi.
Em Hoàng Khánh Linh (lớp 10A4, Trường THPT Ya Ly) nhận xét: “Ứng dụng dễ cài đặt, thông tin ngắn gọn và chính xác, rất thuận tiện cho người sử dụng. Người dùng cũng có thể tiếp cận các thông tin trong ứng dụng mà không cần đăng ký hay đăng nhập tài khoản. Ở trường em, hầu hết các bạn có điện thoại thông minh đều cài đặt ứng dụng này”.
Với tính sáng tạo, thuận tiện tra cứu thông tin về văn hóa, ẩm thực và danh lam thắng cảnh của vùng Tây Nguyên, ứng dụng “Văn hóa Tây Nguyên” của nhóm tác giả Tô Mai Anh và Lê Minh Hải đã đạt giải tư tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học năm học 2021-2022 và mới đây là giải khuyến khích Cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh lần thứ 10-2022. Em Tô Mai Anh thông tin: “Hiện tại, ứng dụng “Văn hóa Tây Nguyên” chỉ mới cài đặt trên điện thoại thông minh có hệ điều hành Android. Thời gian đến, chúng em sẽ cố gắng đưa ứng dụng lên điện thoại thông minh có hệ điều hành iOS, nghiên cứu để mở rộng ngôn ngữ sang tiếng Jrai, Bahnar nhằm phổ biến rộng rãi đến nhiều người dùng. Đồng thời, nhóm tiếp tục thu thập thông tin, bổ sung dữ liệu cho ứng dụng thêm đa dạng. Thông qua ứng dụng này, chúng em mong muốn góp phần bảo tồn văn hóa, quảng bá du lịch khu vực Tây Nguyên”.
MINH NHẬT