Vẽ tranh bằng tương ớt, cà phê và nhiều chất liệu độc, lạ khác

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Họa sĩ Lê Thị Út (nghệ danh Kim Út, sinh năm 1993 hiện sống tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) vốn nổi tiếng với khả năng vẽ tranh với vật liệu “độc lạ” như tương ớt, cà phê, nến, lon bia, nghệ... Chị đam mê hội họa từ nhỏ, nên tốt nghiệp Trường CĐ Công thương TPHCM nhưng không làm theo nghề học mà quyết định ở nhà vẽ tranh. Kim Út từng được Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao xác lập kỷ lục “Người vẽ tranh bằng nhiều chất độc, lạ nhất” bằng tương ớt, cà phê vào năm 2018. Năm 2021, chị tham gia triển lãm tranh báo cáo thành quả sáng tác và sáng tác mới của Hội Mỹ thuật TPHCM tổ chức. 
 
Họa sĩ Lê Thị Út và tác phẩm của mình. Ảnh: NVCC
Họa sĩ Lê Thị Út và tác phẩm của mình. Ảnh: NVCC
Được biết, chị từng dành gần 2 tháng để thực hiện bộ tranh con trâu với chủ đề “Sung túc Tân Sửu” từ chất liệu tương ớt, cà phê, vỏ lon, nghệ, sáp nến... Còn đón năm con Cọp tới đây, chị có bộ tranh nào về ông chúa sơn lâm này?
- Đón năm con Cọp tới đây, mình không thực hiện bộ tranh Tết vì do ảnh hưởng của dịch COVID-19, một phần là mình dành thời gian vẽ tranh về đề tài quê hương nên năm nay tạm hoãn vẽ tranh con giáp.
Ý tưởng vẽ tranh từ những chất liệu độc, lạ như tương ớt hay cà phê… nảy sinh từ đâu và thời gian nào, thưa chị? Vì sao nó lại có sức hấp dẫn chị như thế? 
- Ý tưởng vẽ tranh từ những chất liệu độc, lạ như tương ớt hay cà phê… nảy sinh từ một lần xem trên Internet, thấy các nghệ sĩ nước ngoài vẽ tranh bằng nước cà phê nên đã tìm hiểu và thử nghiệm cũng như tìm tòi sáng tạo thêm những chất liệu mới như tương ớt, nghệ vàng, sáp nến, khói, hạt mực,... vào thời gian năm đầu 2015. Nó có sức hấp dẫn vì những chất liệu độc lạ như cà phê, tương ớt nghệ, vỏ lon... là những chất liệu tự nhiên không gây độc hại góp phần bảo vệ môi trường như vỏ lon... đồng thời những chất liệu này nó có màu sắc lạ. Ví dụ như cà phê có màu nâu đen của hoài cổ, mang đậm chất cổ điển, vì vậy nên mình thích vẽ. 
Khi dùng những chất liệu này vẽ tranh, cái khó nhất là gì và cái mạnh nhất là gì?
- Khi dùng những chất liệu này vẽ tranh, cái khó nhất là vì những chất liệu như cà phê, tương ớt hay nghệ... là những chất liệu có màu tự nhiên nên chúng thường nhạt đi vài tông so với màu gốc, để vẽ đúng màu mình phải vẽ dưới nhiều lớp vẽ khác nhau để có được độ chính xác của màu. 
Cái mạnh nhất là chất liệu cà phê, tương ớt, nghệ, vỏ lon... là những chất liệu gần gũi dễ dàng tìm thấy ở mọi nơi và những chất liệu này là những chất liệu độc đáo và lạ lẫm nên dễ cuốn hút người xem.
Chị có thể nói kỹ hơn hai dự án tranh lớn của chị về  cảnh đẹp đất nước, con người Việt Nam và chủ đề COVID-19. Các dự án này gồm bao nhiêu tranh và nó được thể hiện như thế nào?
- Dự án đầu về cảnh đẹp đất nước, con người Việt Nam với chủ đề là “khoảnh khắc” gồm 2 phần, phần 1 là ghi lại những hoạt động của con người như cắt lúa, cào muối, đánh bắt cá, trồng trọt chăn nuôi... gần gũi đời sống của người dân ở quê Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng và Việt Nam nói chung. Phần 2 gồm những thắng cảnh, di tích như Dinh Cô Long Hải, chùa Một Cột, vịnh Hạ Long, Hồ Gươm... Còn về chủ đề COVID-19 là mình vẽ về y bác sĩ, nơi tuyến đầu chống dịch COVID-19, tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Sài Gòn chống dịch. Nhằm cổ vũ tinh thần của đội ngũ y bác sĩ vất vả ngày đêm gồng mình chống dịch. Bộ tranh này gồm hơn 10 bức tranh.
Các dự án này mình vẫn đang thực hiện gồm nhiều bức tranh có thể gần 100 bức tranh. Hai dự án này mình vẽ bằng nhiều chất liệu độc lạ như cà phê, nghệ, tương ớt, khói, màu hoa, tổng hợp,... chất liệu đa dạng hơn và có sự kết hợp với các kích thước lớn khác nhau.
Chị từng vẽ bộ tranh chân dung rất ấn tượng từ nhà bác học thiên tài Albert Einstein đến chân dung nàng Mona Lisa… vì sao chị không tiếp tục vẽ chân dung hay bởi vì dự án đó đã khép lại?
- Mình không tiếp tục vẽ chân dung bởi vì mình muốn sáng tác những tác phẩm của riêng mình và có bản quyền riêng và mình thấy tranh chân dung không bán được bằng tranh phong cảnh. Tranh chân dung chỉ nhận tặng và đặt vẽ, thời gian gần đây mình dành để vẽ tranh phong cảnh về 2 đề tài lớn. Vì vậy dự án tranh không khép lại hoàn toàn.
Đến nay chị đã sử dụng bao nhiêu chất liệu để vẽ tranh và chị còn có ý định mở rộng thêm chất liệu vẽ trong thời gian tới?
- Đến nay mình đã sử dụng 8 chất liệu để vẽ tranh và mình còn có ý định mở rộng thêm chất liệu vẽ trong thời gian tới như hạt lúa, rơm rạ... và than lọ, lửa để vẽ tranh 
Chị tìm cảm hứng sáng tạo ở đâu và có họa sĩ nào ảnh hưởng đến phong cách của chị?
- Mình tìm cảm hứng sáng tạo ở trên mạng Internet và trong cuộc sống hàng ngày. Họa sĩ ảnh hưởng đến phong cách của mình là nghệ sĩ nước ngoài Ella Hipolito tại Philippines vẽ tranh bằng cà phê. Một lần mình thấy nghệ sĩ này trên mạng nên mình đã thử sức với chất liệu mới này đồng thời mình cũng tìm tòi mài mò sáng tạo thêm chất liệu độc lạ mới.
Vẽ tranh có phải là niềm đam mê lớn nhất trong cuộc sống của chị? Nếu không thì nó xếp hàng thứ mấy trong những đam mê của chị? Và chị có những đam mê nào khác?
- Vẽ tranh là niềm đam mê lớn nhất trong cuộc sống của mình và cũng là công việc chính nuôi sống bản thân. Vì từ nhỏ mình đã thích vẽ, mình nhớ hồi còn đi học cấp 1, cấp 2 điểm mỹ thuật của mình luôn xếp loại giỏi. Và có những đam mê khác như thích làm đồ mỹ nghệ handmade,
Điều ước của chị trong hiện tại?
- Điều ước của mình trong hiện tại cũng như những dự định sắp tới là mở triển lãm tranh và tham gia các cuộc triển lãm tranh của Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Cảm ơn Kim Út và chúc chị thành công với những dự án sáng tạo của mình.
VIỆT VĂN (THỰC HIỆN/LĐO)
https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/ve-tranh-bang-tuong-ot-ca-phe-va-nhieu-chat-lieu-doc-la-khac-995584.ldo

Có thể bạn quan tâm