Vì sao học sinh ít mặn mà với môn Lịch sử?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Con số 84% thí sinh dưới trung bình, trong đó hơn 1.200 thí sinh bị điểm liệt môn Lịch sử trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 đã gây sốc cho ngành Giáo dục và Đào tạo, nhất là giáo viên dạy môn này ở bậc phổ thông. 
Tất nhiên, những năm trước đây, phổ điểm môn Lịch sử cũng nằm ở mức thấp nhất so với các môn thi thuộc tổ hợp Khoa học xã hội như Địa lý, Giáo dục công dân. Nếu nói các em sợ những môn học thuộc bài một cách máy móc thì không đúng, vì môn Địa lý hay Giáo dục công dân cũng phải ghi nhớ chính xác những điều cần nhớ mới có thể trả lời các câu hỏi mang tính kiểm tra kiến thức đã học.
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Môn Lịch sử lẽ ra là môn học rất hấp dẫn đối với đa số học sinh vì các em luôn có nhu cầu khám phá những gì mà nhân loại hay cha ông chúng ta đã trải qua trong tiến trình lịch sử, đồng thời bất kỳ một công dân của quốc gia nào cũng đều phải biết và hiểu lịch sử của đất nước mình, tổ tiên mình cũng như lịch sử các quốc gia khác trên thế giới. Nếu học Lịch sử chỉ với mục đích đối phó với chuyện thi cử và tìm một công việc tương lai với tấm bằng chuyên môn Sử thì chắc chắn không mấy người theo đuổi môn học này. Giả sử trong cơ cấu chương trình giáo dục của một quốc gia nào đó mà không có môn học Lịch sử thì sẽ như thế nào? Điều đó ai cũng hiểu. Nhưng để bộ môn quan trọng này được các thế hệ học sinh tự giác tiếp thu một cách tự nhiên và hứng thú thì đòi hỏi phải có một chương trình bộ môn chuẩn, khoa học, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi; đồng thời phương pháp giảng dạy và học tập phải được cải tiến để phát huy tính chủ động của học sinh.
Nhiều năm qua, môn Lịch sử trong chương trình phổ thông ở nước ta không những bị học sinh xem nhẹ mà cả cấp cán bộ quản lý, giáo viên cũng đều coi đó là “môn phụ”. Đa số giáo viên bộ môn Lịch sử hiện nay cũng không nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học mà chủ yếu vẫn theo kiểu thầy đọc trò chép vỏn vẹn những gì có trong sách giáo khoa. Để trả bài hay thi cử, học sinh cố ghi nhớ hàng ngàn sự kiện, nhân vật, ngày tháng và con số chằng chịt như ma trận nên chẳng thể nào ham thích được bộ môn này. Tại những nước có nền giáo dục tiên tiến, cơ cấu chương trình Lịch sử rất linh hoạt và có trọng điểm, học sinh được tự do biểu đạt ý kiến của mình trước một sự kiện lịch sử được học, được nêu câu hỏi để hiểu thấu đáo một vấn đề. Giáo viên ít dùng phương pháp thuyết trình mà thông qua những câu chuyện lịch sử rồi nêu vấn đề để học sinh thảo luận, tự rút ra cho mình nguyên nhân, bài học. Học sinh không chỉ học trong lớp mà còn học thông qua phim ảnh, mô hình, ở các bảo tàng lịch sử, các di tích... Mỗi giờ học ở đây là một lần được khám phá, tìm hiểu lịch sử của đất nước dân tộc mình hoặc các dân tộc khác trên thế giới một cách đầy hứng thú và bổ ích.
Chúng ta cũng cần đặt ra câu hỏi, vì sao liên tiếp những năm gần đây, môn Giáo dục công dân lại “được mùa” trong các kỳ thi THPT Quốc gia, điểm trung bình của thí sinh đạt trên 7, nhiều em còn đạt điểm tối đa? Có phải nguyên nhân từ việc cải tiến phương pháp dạy học hay do đề thi... quá dễ? Đã đến lúc ngành Giáo dục và Đào tạo cần nghiêm túc tìm câu trả lời. Trước hết phải xem lại việc cơ cấu chương trình, sách giáo khoa, đặc biệt là phương pháp dạy học Lịch sử, trong đó chú trọng đến khâu đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.
Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm