Viết báo để nhìn, ngẫm đời sâu sắc hơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tốt nghiệp cao đẳng báo chí năm 2009, tôi trở về quê để xin công tác tại Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện Phú Thiện. Thời điểm đó, huyện mới chia tách nên cơ sở hạ tầng, nhân lực còn chưa ổn định. Bởi vậy, tôi ở nhà hơn nửa năm chờ bố trí công việc. Trong lúc chờ đợi thì cơ duyên khác lại đến, tôi tham gia thi và trúng tuyển công chức cấp tỉnh.
Tôi còn nhớ như in câu hỏi của thành viên Ban giám khảo khi đó: “Bạn tốt nghiệp ngành Báo chí. Theo bạn, nó có liên quan gì đến công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi?”. Không chút đắn đo, tôi trả lời ngay rằng: “Công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi cần cán bộ trẻ năng động, tích cực, có kỹ năng viết tin, bài để tuyên truyền, phản ánh các hoạt động, phong trào Đoàn, Hội, qua đó góp phần giáo dục và nâng cao nhận thức để đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia, ủng hộ tổ chức Đoàn”. Cái gật đầu kèm vỗ tay của các thành viên Ban giám khảo cho thấy tôi chắc chắn có “tấm vé” để bước vào công việc phù hợp với chuyên ngành tốt nghiệp. Sau đó, tôi trở thành cán bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh Đoàn.
 Tác giả (thứ 3 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm với đoàn viên, thanh niên xã Ia Dreng (huyện Chư Pah). Ảnh: K.H
Tác giả (thứ 3 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm với đoàn viên, thanh niên xã Ia Dreng (huyện Chư Pah). Ảnh: K.H
Với gần 10 năm làm cán bộ phụ trách mảng tuyên truyền, giáo dục của Đoàn, tôi tự hào vì bản thân không ngừng cố gắng trau dồi kỹ năng, kiến thức, chủ động tìm kiếm thông tin, chủ đề để viết tin, bài phản ánh sâu sắc về các hoạt động, phong trào Đoàn. Trong đó, tôi chú trọng phản ánh các phong trào hành động cách mạng của Đoàn gắn với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị. Mỗi bài viết luôn ghi nhận rõ nét vai trò, sự đóng góp tích cực của tổ chức Đoàn, đội ngũ cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong phong trào xây dựng nông thôn mới, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, xung kích bảo vệ an ninh Tổ quốc; đặc biệt là với những gương thanh niên làm kinh tế giỏi có xuất phát điểm từ 2 bàn tay trắng, thanh niên khuyết tật giàu nghị lực vươn lên trở thành công dân có ích cho xã hội, những hiệp sĩ hiến máu tình nguyện giàu tấm lòng nhân ái, biết hy sinh quyền lợi cá nhân hướng tới cộng đồng… Họ chính là những nhân tố quan trọng, là minh chứng sống động giúp cho những bài viết dễ thuyết phục người đọc. Hơn thế, họ còn là đại diện cho giới trẻ năng động, sáng tạo, có tấm lòng nhân ái, biết sẻ chia tình yêu thương với mọi người, những bạn trẻ sống hết mình như vậy rất xứng đáng xuất hiện trên những trang báo, qua đó tuyên truyền, giáo dục, truyền cảm hứng sống cho những bạn trẻ còn đang hoài nghi về khả năng của chính mình. Và chính tôi, người cầm viết cũng có cơ hội soi rọi bản thân mình và tự nhủ cần sống tích cực, trách nhiệm hơn với những người xung quanh. 
Tôi vẫn nhớ mãi câu nói của nhà báo Đoàn Minh Phụng-nguyên Tổng Biên tập Báo Gia Lai-trong một cuộc gặp: “Làm báo là phải đi nhiều, biết nhiều nơi, hỏi nhiều chuyện. Những nơi ta từng đi qua, dù lá cây, ngọn cỏ ven đường cũng sẽ gợi ra chủ đề hay để chúng ta khai thác, tạo ra bài báo tốt, thế mới là làm báo thực thụ”. Với riêng tôi, đó là bài học quý, như tiếp thêm động lực giúp mình nhìn, cảm nhận cuộc sống bằng con mắt tinh tường, nhạy bén hơn với thời cuộc, đặc biệt biết quan tâm đến sự đổi thay xung quanh mình dù là nhỏ nhất. Nhưng cho dù đi đến tận phương trời nào, cái gốc gác, giá trị văn hóa, truyền thống nguồn cội vẫn là nguồn cảm hứng bất tận giúp tôi tự tin, thoải mái trong mỗi dòng viết. Bởi đó chính là cảm xúc tự nhiên, gần gũi, thân thuộc trong tiềm thức; mỗi khi viết về văn hóa truyền thống dân tộc hình như cũng là cách thức giãi bày tình cảm để mỗi người con Jrai như tôi có thể khoe đôi chút, tự hào ít nhiều về sự trường tồn của văn hóa nguồn cội trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại.
KSOR H'YUÊN

Có thể bạn quan tâm