Viết giấc mơ bằng... chân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hai tay bị liệt, lấy chân thay tay và viết lên giấc mơ đời mình. Đó là Nguyễn Tấn Sang, chàng trai 22 tuổi mang gương mặt trẻ thơ ở thôn Phước Lộc, xã Đức Phú, H.Mộ Đức (Quảng Ngãi).

Nguyễn Tấn Sang trong giờ học tại trường - Ảnh: P.Lý
Nguyễn Tấn Sang trong giờ học tại trường - Ảnh: P.Lý



Sang hiện là học sinh lớp 8C, Trường THCS xã Đức Phú. Sang là học trò duy nhất ở tỉnh Quảng Ngãi đi học và viết chữ bằng chân. 16 tuổi cậu mới trầy trật vào lớp 1. Ban đầu chúng tôi cứ nghĩ đôi chân của Sang thật kỳ diệu. Nhưng khi gặp rồi, mới thấy kỳ diệu nhất ở Sang là khát vọng.

Học trên chiếu, viết bằng chân

Chiều mùa đông nhá nhem. Sang từ cửa lớp bước ra, lò cò bên hành lang trường như chú chim cánh cụt trên bờ biển xa xôi phương bắc. Chàng trai 22 tuổi bây giờ mới học lớp 8. Sang lên xe đạp em gái chở về nhà, con đường chừng 6 km, gập ghềnh. Qua một cánh đồng đã phủ màn sương, xóm đã lên đèn tù mù, thì đến nhà Sang. Cánh đồng này nhiều lần Sang bị té khi đi học, cậu cũng chẳng đếm xuể những lần vấp ngã, mình mẩy tứa máu bởi những bước đi xiêu vẹo. “Té đau lắm, nhưng em vẫn thích học, em không nghỉ ở nhà đâu”, tiếng Sang không tròn, nhưng chất chứa.

Bà Đỗ Thị Bé (50 tuổi), mẹ của Sang, cho biết Sang có người anh sinh ra đã như Sang, nhưng mất sớm. Đến khi sinh Sang, thấy giống con trai trước, bà Bé khóc khô nước mắt. Ngày ngày nhìn con với đôi tay co quắp, cái giơ ra phía trước, cái ngoặt ngoẹo đằng sau, trông như cánh của chim non còn trong tổ, vợ chồng bà Bé buồn đau không để đâu cho hết. Vợ chồng bà Bé làm việc cật lực để kiếm tiền chạy chữa cho con: chồng bán cá viên chiên, làm rẫy; vợ chăm lo việc đồng áng, nuôi heo, bò và đi làm thuê. Cả hai không cho phép mình nghỉ ngơi. Tuy nhiên, chạy chữa nhiều, nợ nần nhiều mà bệnh con vẫn không khỏi.

Đến một ngày, Sang đòi đi học. Thấy con tha thiết quá, bà Bé và chồng, ông Nguyễn Tấn Trãi, dắt nhau đến trường mẫu giáo trong xóm xin cho con. Biết là họ không dám nhận nhưng hai vợ chồng vẫn ê chề trước cái lắc đầu của cô giáo. Không được đi học, ngày nào Sang cũng xiêu vẹo đến đứng bên cửa sổ, nhìn lũ trẻ, nhìn vào những dòng chữ trên bảng đen mà thèm thuồng.

15 tuổi, gia đình lại xin Sang vào lớp 1. Lúc đầu, thầy hiệu trưởng lắc đầu, bởi làm sao mà dạy một học sinh bị bất lực đôi tay. Sau nhờ nhiều người hỗ trợ "lời vào", Sang đã được vào lớp 1 học chữ.


 

Bà Bé luôn đồng hành cùng con trai- Ảnh: P.lý
Bà Bé luôn đồng hành cùng con trai- Ảnh: P.lý




Năm học đầu tiên, thấy Sang trầy trật mãi với con chữ, gia đình đành cho cậu ở nhà. Những ngày bị nghỉ học, Sang kẹp phấn, kẹp bút vào chân tập viết chữ. Nhớ hôm đầu tiên Sang viết được chữ, bà Bé ứa nước mắt. "Thế là thằng nhỏ lại cứ khóc đòi đi học. Thương quá nên vợ chồng tui lại quyết tâm xin cho cháu đi học lần nữa. Lần này nó đã 16 tuổi, và học mãi đến bây giờ”, bà Bé nói, gương mặt rạng ngời.

Bà Bé kể, cái chữ đầu tiên chứng kiến Sang viết là "cà chua". Hôm đó, ngón chân sưng vù, mồ hôi và nước mắt đầm đìa, Sang vẫn cố kẹp bút viết cho bằng được hai chữ này.

Cô giáo Lê Thị Tiên (giáo viên chủ nhiệm lớp của Sang) bùi ngùi: “Gặp chữ nào khó em Sang đều viết túa mồ hôi, cong cả ngón chân, cong cả thân tôm để ra chữ. Khó mấy cũng cố viết cho bằng được”. Thương em không thể ngồi trên bàn học như các em khác, cô giáo khuyên mẹ Sang mua cho em tấm chiếu. Từ ngày ấy, lớp học đặc biệt này có học sinh ngồi trên chiếu học, dùng đôi chân viết chữ.

Tấm lòng người mẹ, người cô

Bàn chân Sang thật kỳ diệu. Nó là bàn chân của khát vọng. Từ nhỏ, em đã tắm trong nước mắt bởi nỗi đau khuyết tật. Và bàn chân ấy đã giúp em đứng lên, mang đến cho em niềm vui trong cuộc sống. Tuy nhiên, bên em có nhiều người luôn sát cánh, động viên. Đó là tấm lòng thơm thảo của cô giáo Tiên, tấm lòng bao la của người mẹ và người bạn chung lớp. Sang nhớ lại, hồi lớp 1, chân em cứng đơ nên cô giáo Tiên cầm chân cho viết. Những lúc thấy Sang hơi nhụt chí, cô Tiên lại động viên: “Cố lên. Cô sẽ giúp em”. Chính nghị lực, lòng ham muốn đến trường tột cùng của Sang đã thôi thúc cô Tiên cố gắng đồng hành cùng cậu học trò trong từng nét bút.

22 năm Sang bên mẹ cũng là ngần ấy thời gian bà Bé khóc thầm. Lúc Sang còn nhỏ, bà đã bao lần cầm tay cho con tập viết. Mỗi lần như thế, bà Bé lặng người khi tay Sang trân cứng, nước mắt người mẹ chực chảy ròng trên má.

Bà Bé muốn con trai tự luyện tập đôi tay để mai này khi không còn có cha mẹ, cậu có thể tự lo cho mình, chẳng hạn như xúc cơm ăn. Có lần đưa miếng bánh, bà Bé bảo: “Con tự cầm ăn đi”. Sang buồn bã: “Mẹ ơi, con xin lỗi, con không làm được”. Hai mẹ con nhìn nhau ứa nước mắt. Lần khác, bà Bé nhờ Sang ra giữ xe cho mình đưa lúa xuống đất. Loạng choạng, Sang làm đổ bao lúa.

Bà Bé biết con mình cố gắng thật nhiều để vận động đôi tay nhưng đành bất lực. Hơn 7 năm qua, tiếng trống trường rộn rã vang lên, đôi chân đến trường của Sang luôn có mẹ, luôn động viên, tiếp sức cho cậu mạnh mẽ hơn, bước đi trong cuộc đời.

Mỗi buổi chiều về, nhìn thấy Sang căm cụi viết bài, bà Bé lại cảm thấy vui. “Mừng trong ruột nhưng vẫn lo. Lo là không biết sau này việc học của con có bị gián đoạn hay không. Rồi mai này vợ chồng tui mất đi, ai cũng đút cơm cho nó ăn?”, bà Bé trải lòng.

Thế giới của chàng trai khuyết tật

Sang năm nay 22 tuổi nhưng vẫn là một cậu bé, bởi lẽ cuộc đời của cậu chỉ thật sự ý nghĩa khi 16 tuổi, là lúc bắt đầu đến trường. Nghị lực của Sang thành những bài tập làm văn của bạn bè trên lớp. Ở trường, Sang rất ít nói, vì giọng nói của cậu không được tròn tiếng. Dẫu thế, ánh mắt, nụ cười và đôi bàn chân của Sang như nói lên tất cả, đủ để thầy cô, học sinh trong toàn trường yêu mến.

Mỗi ngày, vì viết chậm hơn các bạn, Sang đều chép lý thuyết vào vở trước khi đến lớp. Từng chữ trong vở rất nắn nót, sạch sẽ. Cô giáo Trần Thị Kim Oanh, dạy môn sinh học, chủ nhiệm lớp 8C cho biết: "Sang rất hiền và chăm chỉ. Khi chấm bài kiểm tra, em được điểm cao là tôi rất vui và tự hào về em".

Sang và em gái út học chung một lớp. Cô bé là lớp trưởng, trước đây học lớp chọn nhưng đã xin qua học cùng để giúp đỡ anh. Ngày nào cũng vậy, Sang được em gái chở đến trường.

Còn với thế giới xung quanh, Sang không được đi ra ngoài, nên cố gắng tiếp thu qua lời kể của em gái và lũ bạn quanh mình. Riêng với sân nhà, thế giới của Sang là chậu hoa xinh đẹp và những chú chim non là bè bạn, do chính đôi chân kỳ diệu làm nên. Mỗi bận tưới hoa, hay cho chim tắm, ăn, Sang dùng bàn chân làm tất cả.

Để "nhuyễn" chăm hoa, chăm chim, với Sang cũng giống như tập viết vậy: đó là sự tập luyện cần cù, không nhụt chí. Và chính hoa ấy, chim ấy hằng ngày Sang chiêm ngưỡng, nghe tiếng hót líu lo quanh mình, tự tạo cho cuộc sống thêm sắc màu tươi đẹp. “Em mong ước sau này làm nghề công nghệ thông tin, vì đôi chân có thể sử dụng được máy tính, và cũng mong cuộc sống tốt đẹp hơn, mẹ không còn phải đi làm thuê vất vả”, Sang tâm sự.


 


Em mong ước sau này làm nghề công nghệ thông tin, vì đôi chân có thể sử dụng được máy tính, và cũng mong cuộc sống tốt đẹp hơn, mẹ không còn phải đi làm thuê vất vả.
 

Nguyễn Tấn Sang, 22 tuổi, hiện là học sinh lớp 8C, Trường THCS xã Đức Phú



Theo Phạm Anh (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm