Viết nên những mơ ước của đời mình

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Những tưởng cuộc sống sẽ sớm khép lại với những em nhỏ bị mắc bệnh xương thủy tinh, thế nhưng các em vẫn vươn lên mãnh liệt, vẫn ngày ngày đến trường để viết nên những mơ ước của đời mình.
Nguyễn Hữu Thanh Quang ước mơ trở thành lập trình viên máy tính
Nguyễn Hữu Thanh Quang ước mơ trở thành lập trình viên máy tính
Đi học bằng… lưng mẹ
Dù chưa một lần bước đi trên đôi chân của mình, nhưng hai anh em Lê Bảo Ngọc (13 tuổi) và Lê Nữ Yến Vy (8 tuổi, ngụ tại xã Hương Lâm, H.Hương Khê, Hà Tĩnh) vẫn đến trường như những bạn bè cùng trang lứa. Năm nay, Ngọc đã là học sinh lớp 7, nhưng chỉ cao 70 cm, nặng 10 kg; còn Vy học lớp 2, cùng chiều cao như anh trai và nặng 11 kg.
Chị Đinh Thị Thoa, 35 tuổi, mẹ của hai em, cho biết năm 2005, vừa sinh ra, đầu của Ngọc đã to như đầu người lớn. Các bác sĩ kết luận con chị mắc bệnh xương thủy tinh và não úng thủy. Quá đau đớn, nhưng vợ chồng chị cố trấn tĩnh lấy lại tinh thần, đưa con đi khắp nơi chữa trị và cầu mong phép màu sẽ đến với gia đình mình. Hễ ai mách nơi đâu có bài thuốc hay, hai vợ chồng lại bồng con tìm đến với hy vọng cơ thể con trai được cứng cáp. Ròng rã từ năm này qua năm khác nhưng bệnh tình của Ngọc vẫn không thuyên giảm.
Giường ngủ 2 tầng cũng là góc học tập của anh em Lê Bảo Ngọc
Giường ngủ 2 tầng cũng là góc học tập của anh em Lê Bảo Ngọc
Lên 5 tuổi, Ngọc được chị Thoa chở đến trường nhưng việc học của em thường xuyên gián đoạn vì nhiều lần bị gãy xương. Mỗi lần như thế, Ngọc phải nghỉ học ở nhà 3 tháng để điều trị.
“Tay của em rất nhỏ và rất yếu, trong khi đầu của em rất to và nặng… nên ban đầu tập viết chữ, xương của em liên tục bị gãy. Rút kinh nghiệm, em kê một cái ly uống nước cao khoảng 7 cm dưới cằm để đỡ đầu khi viết. Cây bút cũng quá nặng so với sức lực của bàn tay, cứ cố cầm chắc bút thì xương lại gãy. Đau lắm. Phải mất 1 năm “vật lộn” tập viết, em mới làm chủ được cây bút”, Ngọc nhớ lại.
Sau khi đứa con đầu vừa vào học, một cú sốc nữa lại giáng xuống gia đình chị Thoa khi đứa con thứ 2 (bé Vy) vừa lọt lòng mẹ cũng bị mắc bệnh như anh trai. Tinh thần vợ chồng chị Thoa gần như suy sụp, nhưng rồi, thương các con, vợ chồng chị động viên nhau gượng dậy, bởi tin rằng: “Ông trời lấy đi của hai đứa trẻ cái này, thì sẽ ban cho chúng những cái khác”. Hai vợ chồng chị cứ thế chăm sóc, nuôi nấng những đứa con tội nghiệp. Suốt 10 năm qua, vợ chồng chị Thoa đều đặn ngày 4 buổi cõng hai con đến trường.
Ước mơ trở thành lập trình viên máy tính
Nguyễn Hữu Thanh Quang (13 tuổi, học sinh lớp 6A Trường THCS Long Sơn, xã Thạch Sơn, H.Thạch Hà, Hà Tĩnh) là con trai út trong gia đình nghèo có 3 anh chị em ở thôn Vạn Đò, xã Thạch Sơn. Vừa lọt lòng mẹ, Quang đã bị gãy cả hai chân vì mắc bệnh xương thủy tinh. Tuổi thơ của Quang là chuỗi ngày dài đau đớn khi hết lần này đến lần khác bị gãy xương.
“Mẹ em kể sinh ra em đã bị gãy 2 chân rồi. Xương của em rất giòn nên cử động hơi mạnh một tí là bị gãy. Mỗi lần như thế, mẹ em lại chở em ra bệnh viện huyện để bó bột. Năm nay, em 12 tuổi thì tổng cộng em bị gãy xương chân 17 lần, có lần vết thương lâu lành nhất là 5 tháng”, Quang kể.
Những cơn đau hành xác không làm nhụt chí sự ham học của cậu học trò nhỏ. Liên tiếp nhiều năm học vừa qua, Quang luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường. Những giải thưởng viết chữ đẹp, giải toán qua mạng cấp huyện, tiếng Anh qua mạng cấp quốc gia... càng làm phong phú thêm thành tích học tập của Quang.
Bây giờ đã 12 tuổi, nhưng Quang ngồi lọt thỏm trong chiếc xe lăn, vì em chỉ cao khoảng 1 m và nặng 20 kg, chân co quắp không thể đi lại được. Mọi sinh hoạt của Quang từ ngày chào đời đến nay đều phải trông cậy vào người lớn giúp đỡ. Ngoài giờ học ở trường, Quang tự học thêm qua mạng từ máy tính mà một nhà hảo tâm mua cho. Những đề tiếng Anh và toán trên mạng được em cập nhật thường xuyên. “Trong các môn học thì em thích nhất là môn tiếng Anh và tin học. Với 2 môn này, nó sẽ bổ trợ cho ước mơ trở thành một lập trình viên máy tính sau này của em”, Quang tâm sự.
Phạm Đức (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm