Cuộc thi viết về chủ đề "Thành phố Pleiku: Bản sắc và Hiện đại"

Xây dựng nếp sống văn minh đô thị ở Tp Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nếp sống văn minh là nền tảng phát triển của đô thị, góp phần tạo diện mạo và bản sắc riêng. Xây dựng nếp sống văn minh được xem là vấn đề không thể thiếu trong quá trình phát triển đô thị.

Ngày 16-3-2021, UBND TP. Pleiku có Quyết định số 517/QĐ-UBND về việc ban hành Đề án xây dựng nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2030. Nội dung của đề án tập trung triển khai phong trào “Bốn xây” và “Bốn chống” về các lĩnh vực văn hóa, giao tiếp, ứng xử; văn hóa giao thông; cảnh quan môi trường đô thị; trật tự đô thị, hoạt động văn hóa, lễ hội. Các nội dung này phù hợp với sự phát triển của đô thị, lấy con người là trọng tâm phát triển cho đô thị, nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống đô thị. Đồng thời, đề án phù hợp với Quyết định số 750/QĐ-UBND ngày 9-12-2019 của UBND tỉnh phê duyệt chương trình phát triển đô thị TP. Pleiku đến năm 2030; các tiêu chí về đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

Những kết quả bước đầu

Sau 3 năm triển khai thực hiện, Đề án xây dựng nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn TP. Pleiku giai đoạn 2021-2030 đã góp phần chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Từng bước hình thành các hành vi ứng xử văn hóa-văn minh trong đời sống, tạo sự hưởng ứng, đồng thuận của người dân trong quá trình triển khai thực hiện, để lại nhiều ấn tượng với đông đảo du khách khi đến Pleiku.

Thành phố Pleiku ngày càng năng động, hiện đại. Ảnh: H.T

Thành phố Pleiku ngày càng năng động, hiện đại. Ảnh: H.T

Công tác quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư đã tạo diện mạo mới trong sự phát triển của thành phố, góp phần xây dựng Pleiku văn minh, hiện đại. Công tác quản lý trật tự đô thị, quản lý xây dựng, hạ tầng, quản lý đất đai, cảnh quan và môi trường, trật tự giao thông được tập trung chỉ đạo thực hiện. Công tác phối hợp trong triển khai thực hiện nếp sống văn minh đô thị giữa các ngành chức năng của thành phố với các cơ quan, đơn vị, địa phương được nâng lên. Các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, phường luôn coi đây là cuộc vận động có ý nghĩa hết sức quan trọng, trở thành tiêu chí bình xét thi đua hàng năm.

Cùng với đó, thành phố đã gắn việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và chương trình xây dựng nông thôn mới nên đã có sức lan tỏa sâu rộng. Việc nâng cao đời sống tinh thần, tạo môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh cho người dân được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các ban, ngành, đoàn thể quan tâm chỉ đạo, với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.

Tại các khu dân cư đều có điểm sinh hoạt cộng đồng và điểm họp dân, các phong trào văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao phát triển; các câu lạc bộ thơ ca, bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cờ tướng, thể dục dưỡng sinh được hình thành, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân. Qua đó góp phần đưa tỷ lệ danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa ngày một tăng. Năm 2021, UBND thành phố ra quyết định công nhận 175/175 thôn, làng, tổ dân phố văn hóa, đạt 100%; 52.534/54.117 gia đình văn hóa, đạt 97,3%. Năm 2023, UBND thành phố đã ra quyết định công nhận 174/175 thôn, làng, tổ dân phố văn hóa, đạt 99,4%; 54.234/55.240 hộ gia đình văn hóa, đạt 97,9%. Đến nay, 14/14 phường đạt chuẩn văn minh đô thị.

Việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang bước đầu đã tạo được những chuyển biến tích cực, nhất là trong nhận thức, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, tiến bộ. Tình trạng chèo kéo, bắt chẹt, đeo bám du khách hầu như không còn diễn ra.

Tuy nhiên, việc thực hiện đề án vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là tình trạng lấn chiếm hành lang, lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, biển quảng cáo vẫn còn xảy ra ở một số khu dân cư. Tình trạng chăn thả gia súc còn xảy ra ở một số tuyến đường, khu vực công cộng, ảnh hưởng an toàn giao thông và vệ sinh môi trường, gây mất mỹ quan đô thị. Công tác vệ sinh môi trường ở một số khu vực còn chưa đảm bảo, gây khó khăn cho công tác xây dựng tuyến đường, phố văn minh đô thị và xây dựng cảnh quan chung của thành phố.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Để đề án từng bước đi vào cuộc sống, phát triển có chiều sâu song hành cùng với quá trình đô thị hóa, xứng tầm là đô thị loại I, trong thời gian đến, thành phố cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng và đồng bộ trong các cấp, các ngành, các đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp, trường học và cộng đồng dân cư bằng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, phù hợp.

Đoàn viên, thanh niên trang trí trụ điện. Ảnh: Hồng Trang

Đoàn viên, thanh niên trang trí trụ điện. Ảnh: Hồng Trang

Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng danh hiệu gia đình văn hóa; thôn, làng, tổ dân phố văn hóa; xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; phân công trách nhiệm cụ thể từng ngành, từng lĩnh vực và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện ở cơ sở.

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về trật tự an toàn đô thị. Theo đó, chính quyền từ thành phố đến cơ sở cần đề cao tinh thần trách nhiệm, tính năng động và chủ động, có biện pháp tích cực, hiệu quả trong việc chấn chỉnh kỷ cương, tăng cường quản lý trật tự đô thị, trật tự an toàn xã hội và vệ sinh môi trường; tăng cường đấu tranh, phòng-chống các tệ nạn xã hội nói chung và các vi phạm về nếp sống văn hóa, văn minh đô thị nói riêng. Song song với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, các cơ quan chức năng, chính quyền các xã, phường tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm về quản lý trật tự đô thị. Đồng thời, tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư, cân đối bố trí nguồn ngân sách để hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đáp ứng tiêu chuẩn đô thị văn minh và nhu cầu văn hóa của người dân.

Để Đề án xây dựng nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn TP. Pleiku giai đoạn 2021-2030 đi vào chiều sâu đòi hỏi có sự lãnh đạo thường xuyên, liên tục, toàn diện của cấp ủy, phát huy tinh thần quyết tâm và sự kiên quyết của cả hệ thống chính trị, tăng cường sự chỉ đạo của chính quyền các cấp, phát huy vai trò của các đoàn thể quần chúng, các tổ chức chính trị-xã hội trong việc vận động và hướng dẫn nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần quan trọng xây dựng Pleiku thành điểm đến thân thiện, hiếu khách.

Có thể bạn quan tâm