Xứng đáng là "thủ lĩnh" thanh niên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều tổ chức Đoàn đã ghi dấu ấn bằng những công trình, phần việc ý nghĩa. Đóng góp vào thành công đó có những cán bộ Đoàn nhiệt huyết, sáng tạo.
1. “Làng Ấp là làng khó khăn của xã Ia Kriêng (huyện Đức Cơ) nhưng phong trào Đoàn lại rất sôi nổi. Đây là một trong những chi đoàn vững mạnh nhiều năm liền, là đơn vị dẫn đầu ở xã Ia Kriêng. Có được kết quả này là nhờ sự dẫn dắt của anh Kpuih Dyui-Bí thư Chi Đoàn làng Ấp”-anh Nguyễn Tuấn Anh-Phó Bí thư Huyện Đoàn Đức Cơ-nhận xét.
Anh Kpuih Dyui đảm nhận vai trò Bí thư Chi Đoàn từ năm 2017 đến nay. Nhận nhiệm vụ ở tuổi 31, anh Dyui hiểu rõ những hạn chế bản thân, từ đó đã không ngần ngại học hỏi kỹ năng, kinh nghiệm của những bí thư chi Đoàn khác và tích cực tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ Đoàn do Huyện Đoàn Đức Cơ tổ chức.
Điểm nổi bật của Chi Đoàn làng Ấp trong những năm qua là luôn làm tốt công tác tập hợp, đoàn kết đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tham gia vào tổ chức Đoàn. Muốn tập hợp được ĐVTN thì hoạt động Đoàn phải có sự sáng tạo, hấp dẫn. Theo chia sẻ của anh Dyui, mỗi buổi sinh hoạt không nhất thiết phải ngồi trong hội trường, chỉ cần nơi nào tập trung được ĐVTN thì sẽ trở thành nơi sinh hoạt. Bên cạnh đó, anh Dyui đã thành lập 1 đội bóng đá, 1 đội bóng chuyền của làng để tham gia rèn luyện sức khỏe, giao lưu với các chi đoàn khác nhằm tạo sự gắn kết trong địa phương.
Để có nguồn quỹ sinh hoạt Đoàn, anh Dyui vận động ĐVTN trong làng tham gia đổi công, chăm sóc và thu hoạch cà phê, điều để gây quỹ. “Để ĐVTN nghe mình nói, Bí thư Chi Đoàn phải gương mẫu đi đầu trong các phong trào, hoạt động. Đồng thời, phải lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của ĐVTN. Khi có hoạt động do Đoàn cấp trên phát động, mình đều chủ động xây dựng kế hoạch, đến tận nhà vận động ĐVTN tham gia”-anh Dyui chia sẻ.
Phát huy sở trường “hát hay, đàn giỏi”, năm 2020, anh Dyui cùng với Ban Chấp hành Đoàn xã Ia Kriêng thành lập Câu lạc bộ đàn t’rưng. Với sự vận động tích cực, Câu lạc bộ hoạt động ổn định, sinh hoạt định kỳ 1 lần/tháng với gần 20 thành viên tham gia. Câu lạc bộ được mời tham gia các buổi giao lưu văn nghệ, cuộc thi do UBND xã hay Huyện Đoàn tổ chức. Qua đó, Câu lạc bộ thu hút, tập hợp đoàn kết thanh niên; đồng thời gìn giữ, phát huy bản sắc dân tộc của địa phương.
2. Thân thiện, cởi mở, anh Phạm Ngọc Chung-Phó Bí thư Chi Đoàn làng Út 1 (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) đem đến cho người đối diện cảm giác gần gũi ngay lần gặp đầu tiên. Anh Chung kể: Đã có nhiều người hỏi, làm Phó Bí thư Chi Đoàn được bao nhiêu tiền, sao lại tận tâm đến thế? Tôi đều trả lời, công tác Đoàn cho tôi rất nhiều thứ, mỗi trải nghiệm giúp tôi rèn luyện và trưởng thành hơn.
Anh Phạm Ngọc Chung-Phó Bí thư Chi Đoàn làng Út 1 (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) luôn gần gũi với các em thiếu nhi. Ảnh: Thủy Bình
Anh Phạm Ngọc Chung-Phó Bí thư Chi Đoàn làng Út 1 (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) luôn gần gũi với các em thiếu nhi. Ảnh: Thủy Bình
Anh Chung đã kết nối, kêu gọi các Mạnh Thường Quân trao hàng chục suất học bổng cho học sinh khó khăn tại xã Ia Hrung; kêu gọi được số tiền hơn 200 triệu đồng để giúp đỡ người dân và thiếu nhi các xã biên giới. Từ việc kinh doanh một sân bóng đá mi ni, thỉnh thoảng, anh lại miễn phí tiền sân và nước uống để ĐVTN trong xã tập luyện. Chính sự gần gũi, đồng hành đó, anh Chung luôn được ĐVTN, thiếu nhi trong xã yêu mến, quý trọng. Vì thế, Chi Đoàn làng Út 1 chỉ có 15 ĐVTN nhưng phong trào Đoàn vẫn duy trì được “lửa”. Chi Đoàn đã ghi đậm dấu ấn với nhiều chương trình hành động thiết thực, hiệu quả với các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng như: “Ngày chủ nhật xanh”, “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè”…
Nhắc đến Phạm Ngọc Chung, mọi người còn biết đến một nhân tố tích cực, tiêu biểu trong phong trào hiến máu tình nguyện. Lần đầu tiên anh tình nguyện hiến máu là vào năm 2013. Sau đó, thấy sức khỏe vẫn bình thường nên anh tiếp tục tham gia và trở thành tuyên truyền viên tích cực kêu gọi mọi người hiến máu tình nguyện. Đến nay, anh đã 15 lần hiến máu tình nguyện, trong đó có 3 lần hiến máu khẩn cấp. “Khi biết những giọt máu của mình đã đem lại sự sống cho người bệnh, tôi thấy rất hạnh phúc và có động lực để tiếp tục tham gia. Tôi sẽ tiếp tục hiến máu và vận động mọi người tích cực tham gia hiến máu tình nguyện”-anh Chung vui vẻ nói.
3. Năng động, nhiệt tình là cảm nhận của chúng tôi khi tiếp xúc với chị Nguyễn Thị Thơm-Chuyên viên Huyện Đoàn Chư Păh. 6 năm gắn bó với công tác Đoàn, chị Thơm đã có nhiều cách làm hay để đưa phong trào thanh thiếu nhi ở huyện ngày càng phát triển. Được giao nhiệm vụ làm quản trị viên trang Facebook Huyện Đoàn Chư Păh, chị Thơm đã biên tập, đăng tải hơn 7.000 tin, bài tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và những cách làm hay, sáng tạo trong triển khai các nhiệm vụ công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi; những tấm gương người tốt-việc tốt trong ĐVTN… Qua đó, trang Facebook đã nhận được sự ủng hộ và thu hút rất nhiều lượt tương tác, phản hồi tích cực. Đây là hình thức tuyên truyền linh động, sáng tạo, đến được với ĐVTN một cách nhanh chóng. Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật cho ĐVTN, chị Thơm đã tham mưu cho lãnh đạo đơn vị tổ chức các sân chơi, hội thi: Thanh niên Chư Păh với văn hóa giao thông; Thanh niên Chư Păh với phòng-chống ma túy và tệ nạn xã hội, các phiên tòa giả định… thu hút sự tham gia của đông đảo ĐVTN và người dân.
Chị Nguyễn Thị Thơm (bìa trái)-Chuyên viên Huyện Đoàn Chư Păh tặng quà cho hộ gia đình khó khăn ở xã Ia Khươl (huyện Chư Păh). Ảnh Phan Lài
Chị Nguyễn Thị Thơm (bìa trái)-Chuyên viên Huyện Đoàn Chư Păh tặng quà cho hộ gia đình khó khăn ở xã Ia Khươl (huyện Chư Păh). Ảnh: Thủy Bình
Bận rộn với công tác chuyên môn nhưng chị Thơm lại là thành viên tích cực của nhóm tình nguyện “Chư Păh quê hương tôi”. Nhiều hôm, chị Thơm và các thành viên trong nhóm phải làm việc đến 1-2 giờ sáng để phân loại áo quần, đóng gói hàng hóa. Trong năm 2020, nhóm đã tặng 92 suất quà (300.000 đồng/suất) cho bà con ở các làng có dịch bạch hầu; tặng hơn 1.000 cuốn vở, đồ dùng học tập và hơn 150 bộ sách giáo khoa cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn tại xã Đak Tơ Ve nhân dịp năm học mới 2020-2021; tổ chức múa lân và tặng 30 suất quà với tổng trị giá hơn 15 triệu đồng cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn tại làng Krái (thị trấn Phú Hòa)… “Công tác Đoàn dẫu có khó khăn, nhưng nhiệt huyết đã ngấm vào máu, cộng thêm niềm vui của ĐVTN và người dân khi được tiếp nhận những chương trình hay, món quà ý nghĩa, chúng tôi lại càng có thêm động lực để vượt qua”-chị Thơm chia sẻ.
Sự cố gắng của các “thủ lĩnh” Đoàn đã được ghi nhận và biểu dương. Anh Kpuih Dyui được Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn tặng bằng khen vì có nhiều đóng góp cho công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2020. Chị Nguyễn Thị Thơm được Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thiếu nhi giai đoạn 2016-2020. Anh Phạm Ngọc Chung được nhận bằng khen của Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn vì có tấm lòng nhân ái, kết nối giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn. Họ chính là minh chứng cho hình ảnh “thanh niên sống đẹp, sống có trách nhiệm”.
NGỌC THÀNH

Có thể bạn quan tâm