Bảo đảm tiến độ thi công các hạng mục quan trọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên được khởi công xây dựng tháng 10-2010. Sau hơn 4 tháng khởi công, công trình của sự ngưỡng vọng đối với Bác Hồ đang trong giai đoạn gấp rút triển khai các bước theo tiến độ. Ông Phan Xuân Vũ- Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Gia Lai, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án cho biết:
“Đây là công trình có ý nghĩa rất lớn, là tình cảm sâu sắc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên với Bác. Vì thế, công trình được thực hiện chu đáo, cẩn trọng của các bộ phận dưới sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ tỉnh từ địa điểm xây dựng, khâu thiết kế, đúc tượng, khắc hoa văn trên đá…”.
* Tiến độ các hạng mục công trình được thực hiện đến đâu, thưa ông?
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng (đứng giữa) kiểm tra các công đoạn đúc tượng tại Hà Nội. Ảnh: H.N
- Tượng Bác (mẫu tượng do nhà điêu khắc Phạm Bá Đua- hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam sáng tác- P.V) là bức tượng đúc đồng về Bác Hồ lớn nhất Việt Nam cho đến thời điểm hiện nay. Các bước tuần tự trong khâu đúc tượng phải được thực hiện một cách chặt chẽ, cẩn thận, đảm bảo không sai sót và phải qua nhiều bước. Hiện nay, tượng Bác đang được đắp bằng đất sét theo tỷ lệ 1:1 tại Xưởng Mỹ thuật thuộc Công ty Bảo tồn Di sản Văn hóa tại Hà Nội. Sau khi đúc bằng đất sét là giai đoạn đổ thạch cao và trình Hội đồng Nghệ thuật (HĐNT) kiểm tra, xem xét lần cuối trước khi chuyển tượng về Gia Lai tiến hành đúc đồng.
* Thưa ông, còn những hạng mục đi kèm?
- Các hạng mục đi kèm cũng được thực hiện chu đáo, cẩn thận để tránh sai sót. Chẳng hạn bức phù điêu cũng tiến hành những bước tương tự như tượng Bác Hồ. Khâu cuối cùng, tức công đoạn khắc hoa văn trên đá được các nghệ nhân thực hiện tại Ninh Bình dưới sự giám sát chặt chẽ của tác giả và Hội đồng Nghệ thuật, sau đó mới chuyển về Gia Lai. Để hoàn thành bức phù điêu này cần khoảng 600 m3 đá xanh Thanh Hóa với chiều cao tương đương một ngôi nhà 4 tầng (11 mét), đây cũng được cho là bức phù điêu bằng đá tự nhiên lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Bức phù điêu với những họa tiết cánh sen cách điệu, điêu khắc hình ảnh cô đọng truyền thống văn hóa, lịch sử đặc trưng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên được HĐNT đánh giá cao về ý tưởng cũng như về mặt nghệ thuật. Tuy nhiên, để tạc những hình ảnh sinh động ấy trên những phiến đá tự nhiên thì đây là một thử thách đối với các nghệ nhân. Chỉ riêng bức phù điêu cũng sẽ tốn rất nhiều thời gian, tâm sức.
* Liệu công trình này có hoàn thành đúng tiến độ?
- Dĩ nhiên tất cả nhân- vật lực và cả sự giám sát chặt chẽ của những người có trách nhiệm nữa đều được huy động để công trình về đích đúng tiến độ (dự kiến 19-5-2012- P.V). Địa điểm xây dựng công trình tại Gia Lai cơ bản hoàn thành. Mới đây, đoàn đại biểu của tỉnh tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng cũng đã đến kiểm tra tiến độ công trình. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng cũng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc để công trình hoàn thành sớm.
* Vậy còn việc giải phóng mặt bằng để chuẩn bị công trường cho công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên?
- Sở dĩ nhiều người dân Gia Lai thấy sự yên ắng trong khuôn viên trước Quảng trường Đại Đoàn Kết (địa điểm được chọn xây dựng, đặt tượng Bác- P.V) bởi nhiều hạng mục quan trọng hiện đang được hoàn thành tại Hà Nội.  Để chuẩn bị cho những bước cuối cùng như khâu đúc tượng đồng Bác Hồ, lắp ghép bức phù điêu… sẽ thực hiện tại Gia Lai, công việc giải phóng mặt bằng cũng đã được TP. Pleiku triển khai rất tích cực. Đến nay đã có 12/14 hộ dân đã di chuyển nhà cửa tới nơi ở mới để Ban Quản lý dự án triển khai san ủi mặt bằng thi công. Cán bộ và nhân dân trong khu vực giải tỏa đã tự giác di dời để công trình được triển khai đúng tiến độ.
* Xin cảm ơn ông!
Hoàng Ngọc (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm