Đảm bảo tăng giá điện không ảnh hưởng đến sản xuất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Xung quanh vấn đề tiết giảm điện, tăng giá điện và các chính sách hỗ trợ người nghèo đang được dư luận quan tâm, phóng viên Báo Gia Lai có cuộc trao đổi với ông Măng Đoàn- Giám đốc Công ty điện lực Gia Lai.
* Thưa ông, trước tình hình thiếu điện như hiện nay thì giải pháp tiết giảm điện của Công ty sẽ thực hiện như thế nào?
- Ông Măng Đoàn: Do dự báo tình hình thiếu điện trong mùa khô và có thể buộc phải cắt giảm điện, Công ty Điện lực Gia Lai đã phối hợp với Sở Công thương lập danh sách các hộ sử dụng điện quan trọng không phải cắt giảm điện trình UBND tỉnh phê duyệt. Ngày 21-12-2010, UBND tỉnh có văn bản phê duyệt danh sách khách hàng sử dụng điện quan trọng, bao gồm: Bệnh viện, trụ sở UBND, cơ quan Đảng cấp tỉnh và huyện, công an, quân đội, nhà máy nước, các công trường xây dựng nhà máy điện... 
Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy
Khi nhận được sản lượng điện được phân bổ từ điều độ hệ thống, Công ty lên kế hoạch cung cấp điện cho từng tháng, tính toán chi tiết sản lượng sử dụng của từng khu vực để trong trường hợp lượng điện sử dụng vượt quá sản lượng được phân bổ sẽ có lịch cắt giảm điện phù hợp. Công ty sẽ thông báo lịch cắt giảm đến khách hàng trên các phương tiện thông tin đại chúng theo đúng quy định.
* Việc tăng giá và tiết kiệm điện ảnh hưởng đến người tiêu dùng, nhất là các đơn vị sản xuất. Vậy Công ty có những giải pháp nào để đảm bảo quyền lợi cho Công ty và các đơn vị?
- Ông Măng Đoàn: Biểu giá điện năm 2011 được điều chỉnh trên nguyên tắc không gây ra sự biến động lớn về giá; đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt đối với hộ nghèo và các hộ có thu nhập thấp, tức là Nhà nước vẫn có cơ chế hỗ trợ giá điện cho các hộ này. Giá điện cho các thành phần kinh tế được xây dựng minh bạch, không có bù chéo trong giá giữa các đối tượng khách hàng; giá điện được tính toán để tách bạch chức năng kinh doanh và bảo trợ xã hội của ngành điện.
Việc điều chỉnh giá điện tăng so với giá thực hiện năm 2010 là 165 đồng/kWh (15,28%), thì vấn đề ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển kinh tế đã được xem xét để giữ ở mức thấp nhất. Do tăng giá điện ước tính sẽ trực tiếp tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 0,46%.
Theo tính toán, giá điện cho sản xuất tăng khoảng 12% sẽ làm tăng giá thành sản xuất của các ngành sản xuất khoảng từ 0,01-1,33%. Còn đối với các hộ sử dụng điện sinh hoạt thì số tiền phải trả tăng lên khoảng 44.000 đồng/tháng đối với hộ tiêu thụ 100 kWh/tháng, tương tự nếu lượng điện tiêu thụ càng nhiều thì khoản tiền phải chi trả cũng tăng lên. Riêng các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày như thực phẩm, hàng may mặc, nhiên liệu xăng, dầu..., thực tế tỷ trọng chi phí tiền điện trong giá thành các mặt hàng này là rất nhỏ, do đó tỷ lệ tăng giá các mặt hàng này do điều chỉnh giá điện là không đáng kể.
* Chính sách hỗ trợ cho người nghèo ở Gia Lai trong việc tăng giá điện được thực hiện ra sao?
- Ông Măng Đoàn: Công ty đã tổ chức tập huấn cho cán bộ, công nhân viên trong đơn vị về các nội dung trong Quyết định 268/QĐ-TTg và 269/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư 05/2011/TT-BCT và các văn bản của EVN, EVN CPC; nhằm thực hiện đúng việc áp dụng giá bán điện mới năm 2011 và giải thích cho khách hàng sử dụng điện.
Đối với giá điện cho hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp, ngoài việc niêm yết các thủ tục đăng ký tại các điểm giao dịch khách hàng và các điểm thu tiền điện cố định (khoảng 200 điểm), Công ty Điện lực Gia Lai đã thực hiện việc phối hợp với Phòng Kinh tế-Hạ tầng các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn và trực tiếp gửi thông báo kèm theo mẫu giấy đăng ký hộ nghèo, hộ thu nhập thấp đến UBND phường, xã, thị trấn và đến các tổ, thôn, làng trên địa bàn tỉnh Gia Lai nhằm phổ biến đến khách hàng sử dụng điện về chính sách giá điện cho hộ nghèo, hộ thu nhập thấp.
Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để các hộ trong diện hộ nghèo, hộ thu nhập thấp được hưởng giá điện ưu đãi của Chính phủ. 
* Xin cảm ơn ông!       
Lê Lan (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm